Xuống đáy - lên đỉnh

Cuối tuần, thêm một phiên giới đầu tư ghi nhận dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán. Hơn 17 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên ngày 23/12. Trước đó, thị trường chứng kiến hàng loạt phiên có giao dịch trên 10 nghìn tỷ đồng.

Đây là điểm chốt cho 1 năm hiếm có, khó lường và đầy khác biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng, 2020 có thể gọi là một năm “điên rồ” đối với thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam.

Nhưng trong họa có phúc. Theo ông Tuấn, cái “điên” nằm ở chỗ tiền ở khắp mọi nơi, số người tham gia chứng khoán mới (F0) tăng kỷ lục, 1 năm bằng cả 10 năm trước cộng lại. Theo đó, mỗi tháng các công ty chứng khoán ghi nhận khoảng 50 nghìn người mới tham gia thị trường. Tổng cả năm khoảng 600 nghìn tài khoản mới.

{keywords}
Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh vào cuối năm và có thể sẽ tăng tiếp trong năm 2021.

Thống kê cho thấy, vào năm 2010, các CTCK có khoảng 1,5 triệu tài khoản. Tới đầu 2020, số tài khoản là 2,2 triệu, tức 10 năm tăng 700 nghìn tài khoản. Mà chỉ trong một năm 2020, số lượng tăng thêm là 600 nghìn tài khoản. Số lượng tài khoản mở mới trong 1 năm gần bằng 10 năm trước cộng lại.

Trong các phiên giao dịch cuối tháng 12, nhiều nhà đầu tư ghi nhận dấu hiệu của hiện tượng nghẽn lệnh.

Một cái “điên” khác của thị trường chứng khoán là cú tụt giảm sâu rồi tăng mạnh hiếm có. Năm Covid ghi nhận một quãng thời gian khắc nghiệt, với chỉ số VN-Index tụt từ trên 1.000 điểm hồi cuối 2019 xuống 645 điểm hồi tháng 3/2020.

Tuy nhiên, năm Covid chung cuộc ghi nhận một sự tăng trưởng. Chỉ số VN-Index tăng dần đều trong quý II và quý III rồi tăng mạnh, bứt phá trong quý cuối năm, hướng tới ngưỡng 1.100 điểm. Nếu so với đáy hồi tháng 3, VN-Index đã tăng gần 70%.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường tài chính ghi nhận những thay đổi lớn với một chu kỳ tiền rẻ, lãi suất tiết kiệm liên tục lập đáy. Nó tạo ra hiệu ứng bình thông nhau, tiết kiệm chảy qua kênh chứng khoán.

Một điểm cũng rất đặc biệt trong năm 2020 trên thị trường chứng khoán là sự bứt phá của nhiều doanh nghiệp lớn ngay giữa giông tố. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hầu hết các doanh nghiệp, nhưng vẫn có những gương mặt nổi lên, tăng trưởng mạnh mẽ như Hòa Phát, Vinaconex, Novaland, Viettel Global...

Nhóm ngân hàng cũng bứt phá khá mạnh, lợi nhuận 9 tháng tăng khoảng 10%, điển hình như VPBank của ông Ngô Chí Dũng, Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh...

{keywords}
chung-khoan.jpg

5 tháng cuối năm, cổ phiếu Techcombank tăng trên 60%, từ khoảng 18.000 đồng/cp lên mức 29.400 đồng/cp. Tài sản của chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh nhờ đó tăng thêm hơn 600 triệu USD, từ mức gần 1,1 tỷ USD lên 1,7 tỷ USD tính tới hết 21/12 theo thống kê của Forbes.

Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tăng khoảng 80% trong 3 tháng cuối năm, từ mức 53.000 đồng/cp có lúc lên gần 95.000 đồng/cp (giữa tháng 11). Hiện MSN ở mức 84.000 đồng/cp. Với mức giá này, ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản theo Forbes là 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 500 triệu USD.

Kinh tế ổn định, triển vọng chứng khoán tốt

Sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, TTCK Việt Nam đã phục hồi nhanh và mạnh, thuộc top đầu thế giới. Tính cả năm, VN-Index đã tăng khoảng 13% và gần như sẽ lọt top 10 thị trường tăng tưởng tốt nhất thế giới.

Dòng tiền đổ vào thị trường rất mạnh, tăng từ mức 5.000-6.000 tỷ trước đó lên 15.000-17.000 tỷ đồng mỗi phiên gần đây.

Sở dĩ chứng khoán Việt Nam ngược dòng tăng giá trước hết là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK, ngân hàng,... cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho một sự hồi phục và bứt phá nhanh chóng của chứng khoán. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, với xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát,...

Hầu hết các tổ chức quốc tế gần đây đều nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 như World Bank, ADB, IMF... lên mức 2-3%.

Chính phủ Việt Nam cũng có những biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách tích cực như: đẩy mạnh đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mở rộng hội nhập với nhiều hiệp định thương mại được triển khai như EVFTA, RCEP.

{keywords}
Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường chứng khoán.

Trong năm 2021, chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ triển vọng kinh tế tốt. Bên cạnh đó là việc hiệu ứng tiền rẻ tiếp tục kéo dài do đại dịch chưa chấm dứt, ngân hàng trung ương các nước vẫn bơm tiền vào thị trường.

Việt Nam tiếp tục được xem là điểm sáng nhất khu vực châu Á và thế giới về chống dịch. Đây là điều kiện để ổn định sản xuất và hút vốn đầu tư nước ngoài. Xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng góp phần giúp các nhà đầu tư hưng phấn.

Theo Pyn Elite Fund, TTCK Việt Nam có thể gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư với "big year" trong khoảng thời gian từ 2020-2024. Lãi suất giảm sâu kéo nhà đầu tư vào chứng khoán và đây là yếu tố có thể khiến VN-Index sớm cán mốc 1.800 điểm.

Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (PE) chứng khoán Việt Nam đang ở mức khoảng 17 lần. Nếu năm sau thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp tăng 10% thì PE rút xuống còn 15,3. Giả sử nếu lấy PE ở mức 17-18 là hệ số định giá phù hợp cho VN-Index thì năm sau, chỉ số này có thể tăng 15%, tức lên khoảng 1.300 điểm.

Điều này cũng không phải quá khó khăn khi hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Mỹ, liên tục lập đỉnh cao mới, trong khi Việt Nam chưa qua được đỉnh cũ cho dù Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hơn từ đại dịch Covid.

Với việc Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi - Emerging Markets, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn. Chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số thị trường cận biên.

Ngoài những yếu tố nội tại trong nước, sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu trong quý III vừa qua cũng là một trong những động lực khiến TTCK Việt Nam tăng trưởng.

M. Hà