Hai cơn bão tăng giá

Giữa tháng 11/2021, thị trường vàng trong nước bất ngờ tăng nóng. Giá vàng SJC tăng rất mạnh lên đỉnh cao lịch sử 62 triệu đồng/lượng, cao hơn 3,5 triệu so với đầu tháng 11. Giá mua vào cũng được đẩy lên trên mức 61 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn được bán ra quanh mốc 54 triệu/lượng, cũng cao hơn gần 2 triệu đồng so với đầu tháng.

Giá vàng tăng mạnh khi đó chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại lạm phát tăng trên toàn cầu. Lạm phát tại Mỹ lên mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ: 6,2%  với nguyên nhân chính là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.

Đây cũng là thời điểm mà mức chênh giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục: gần 12 triệu đồng/lượng.

Tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi đó đưa ra cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trong năm 2022 khi các gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra. Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với áp lực lạm phát nhập khẩu khi giá các mặt hàng nhập khẩu nhiều đang tăng mạnh trên thế giới.

Giá vàng trong nước tăng mạnh trong đợt này bắt nguồn từ việc giá vàng quốc tế tăng cao. Trong phiên 16/11 (giờ Mỹ), giá vàng có lúc lên tới ngưỡng 1.872 USD/ounce (tương đương 53 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí) và ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp.  Hồi đầu tháng 11, giá vàng thế giới chỉ ở mức  1.760 USD/ounce.

Tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ nới lỏng cùng các gói bơm tiền kích thích kinh tế của các nước đã giúp giá vàng thế giới tăng.

Dù vậy, giá vàng thế giới hồi giữa tháng 11 còn thấp hơn so với hồi đầu năm và hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 và thấp hơn rất nhiều giá vàng trong nước.

Trước đó, thị trường vàng trong nước cũng đã chứng kiến một đợt tăng mạnh, cuối tháng 5 đầu tháng 6. Từ mức 55 triệu đồng/lượng hồi tháng 4, vàng SJC vọt lên gần ngưỡng 58 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới khi đó lên trên ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Trên thực tế, giá vàng trong nước trong năm 2021 có tốc độ tăng mạnh hơn rất nhiều so với vàng thế giới.

{keywords}
Nhiều người vỡ mộng làm giàu nhờ ôm vàng

Nếu như ở vào thời điểm đầu năm 2021, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.938 USD/ounce (tương đương 54,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí) và mức chênh với vàng thế giới chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/lượng, thì tới đầu tháng 6, mức chênh lệch lên 4 triệu đồng/lượng và mức chênh đạt kỷ lục gần 12 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 11.

Với mức chênh khoảng 10-12 triệu đồng/lượng như hiện nay, người Việt Nam đang phải mua giá vàng cao hơn giá thế giới tới khoảng 20%. Người mua vàng trong nước thiệt thòi và nhiều người mua đầu tư có thể thua lỗ.

Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh trong năm 2021 và tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới chủ yếu do tâm lý lo ngại lạm phát và được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế. Vàng nguyên liệu trong nước khan hiếm, Nhà nước không cho nhập khẩu để sản xuất vàng SJC. Thị trường vàng trong nước không có nhiều liên thông với thị trường vàng thế giới.

Mặt hàng vàng miếng SJC hiện không còn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). NHNN là bên quản lý hoạt động sản xuất và quyết định số lượng. Số lượng vàng miếng giao dịch trên thị trường hạn chế, dẫn tới việc các doanh nghiệp buộc phải mua vào được mới có vàng để bán ra.

{keywords}
Biến động giá vàng thế giới trong năm 2021.

Vàng thế giới đứng trước một bước tăng khổng lồ

Trong năm 2021, giá vàng thế giới giảm khoảng 7% sau khi tăng khoảng 27% trong năm 2020. Giá vàng SJC trong nước trong khi đó trái chiều tăng khoảng 9% trong năm 2021.

Như vậy, trong năm 2021, trên thế giới thị trường vàng không được như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Giá vàng giảm và thị trường không sôi động. Giới đầu tư quan tâm đến nhiều kênh đầu tư khác, trong đó có cổ phiếu và tiền số. Trong nước, giá vàng SJC tăng mạnh nhưng thị trường cũng ảm đạm.

Mặc dù trầm lắng trong năm 2021 nhưng vàng vẫn được đánh giá là một mặt hàng hấp dẫn trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ còn gia tăng.

Trên Kitco, đại diện đến từ Goehring & Associates cho rằng, những tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng sẽ còn được hưởng lợi. Khi mà lạm phát quá cao và việc tăng lãi suất không hiệu quả thì vàng sẽ bước vào một đợt tăng dữ dội, không mấy người dự đoán được.

Theo đó, trong năm 2022, lạm phát có thể lên tới 9% và có thể còn cao hơn.

Gần đây, chủ tịch Fed Jerome Powell đã không còn nói “lạm phát là nhất thời” và ngân hàng trung ương Mỹ đã có những tín hiệu rõ ràng về siết các chương trình nới lỏng định lượng (QE) và đề cập tới khả năng tăng lãi suất ngay trong năm mới.

Và khi lãi suất tăng, nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Fed khi đó có thể phải ngừng việc thắt chặt các chính sách tiền tệ. Vàng sẽ có những phản ứng ban đầu là giảm nhưng sau đó sẽ bước vào một đợt tăng dữ dội. Kịch bản có thể giống như cuối những năm 60 và đầu những năm 70 thế kỷ trước.

Khi lạm phát tăng cao, áp lực bán sẽ mạnh lên trên các thị trường chứng khoán.

Chuyên gia Goehring dự kiến vàng sẽ tăng gấp hơn 5 lần trong vòng 6-7 năm nữa.

Chuyên gia từ DailyFX cho rằng, vàng sẽ lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce như năm 2020, khi kim loại quý này bắt kịp các tài sản khác về độ nóng sau một thời gian dài kém hấp dẫn hơn các nhiều loại hàng hóa khác.

Trong nước, giá vàng vẫn có xu hướng tăng khi mà cung ở mức thấp và lạm phát cũng có dấu hiệu tăng lên, nhất là trong năm 2022 khi các gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra. Tâm lý lo ngại lạm phát, tìm đến vàng như một kênh trú ẩn và nguồn cung vàng SJC vẫn thấp sẽ khiến giá vàng trong nước tiếp tục tăng và chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới vẫn ở mức cao trong năm 2022.

M. Hà

Vàng vượt 62 triệu, sôi sục cơn say mới, dân chơi bất chấp rủi ro

Vàng vượt 62 triệu, sôi sục cơn say mới, dân chơi bất chấp rủi ro

Thị trường vàng đang ở trong một đợt sốt nóng hiếm có trong nhiều năm gần đây. Giá vàng trong nước lên tới 62 triệu đồng/lượng và cao hơn nhiều so với giá thế giới. Giới đầu tư lo ngại lạm phát trở lại.