Chọn biển số xe theo ý thích

Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - Bộ Công an) bắt đầu lấy ý kiến để hoàn thiện Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá trình Chính phủ trong năm nay. Theo đó, sẽ cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe thông qua đấu giá, người dân có quyền mua theo ý thích của mình.

Cụ thể, tại các địa phương, trong kho số được đưa ra mỗi tháng, người dân có quyền lựa chọn bất cứ số nào mình thích. Khi biển số có nhiều người cùng thích, cùng muốn sở hữu thì sẽ đưa ra đấu giá và ai trả giá cao nhất sẽ thắng. Việc đấu giá sẽ do một công ty đảm nhiệm, khi đấu giá sẽ thông báo rộng rãi cho người dân và đưa ra mức giá khởi điểm.

Liên quan đến việc người trúng đấu giá biển số xe có được mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế hay không, đại diện Cục CSGTcho biết cơ quan này đã đưa ra một số phương án để các Bộ, ban ngành, địa phương cùng tham gia, đóng góp ý kiến.

{keywords}
Tới đây sẽ đấu giá biển số xe đẹp

Phương án 1, sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành, cho phép đấu giá biển số, được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi.

Phương án 2, cho phép người dân được mua bán, cho tặng, trao đổi và cần quy định vào luật các quyền cụ thể.

Tuy nhiên, cũng theo Cục CSGT, từ kinh nghiệm các nước phát triển trên thế giới sẽ tham mưu, đề xuất theo hướng: đối với xe mua bán, trao đổi, kể cả mua bán trong một địa phương hay ra ngoại tỉnh, biển số sẽ phải giữ lại để gắn với chủ sở hữu. Chủ biển số xe này, khi mua xe mới, sẽ gắn biển số cũ vào xe của mình.

Tại Việt Nam, ô tô và xe máy đang sử dụng biển 5 số. Trong khi đó, tiêu thụ ô tô ở mức 400.000 xe/năm và đang tăng nhanh, với 2/3 là xe cá nhân. Cùng với đó là gần 3 triệu xe máy/năm. Kho biển số có thể xem như một “kho vàng” có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, khi đưa ra đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn.

Năm 2016, khi đề xuất đấu giá biển số xe, một đại biểu Quốc hội ước tính, với ô tô cá nhân, mỗi series sẽ có 99.999 số (ví dụ như biển 30A của Hà Nội, sẽ có các số từ 30A-000.01 đến 30A-999.99), trong đó có trên 10.000 số có thể mang đấu giá vì nhiều người muốn mua, ngoài ra là biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày cưới,... Chỉ tính khoảng 20% số chủ xe có nhu cầu những biển số này, có thể thu về cả chục ngàn tỷ đồng.

Việc bấm biển số hiện nay theo quy trình ngẫu nhiên, khiến những người bốc được “biển số đẹp” được hưởng lợi rất lớn. Chẳng hạn, cuối tháng 6/2020, nhờ bốc trúng biển số ngũ quý 9 (50-N1 999.99), chủ nhân chiếc xe máy Honda Vario 125cc gây sốt trong cộng đồng khi bán với mức giá tăng 14,5 lần giá trị chiếc xe. Người mua được kể rằng, có rất nhiều “dân chơi” tranh nhau gạ chủ xe bán lại, nhưng riêng vị này “may mắn” trả 900 triệu đồng nên được sở hữu.

{keywords}
Chiếc Mercedes này được rao bán với giá 5,5 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với giá niêm yết 

Trước đó, tháng 5/2020, sau khi bốc được biển ngũ quý 3 cho chiếc Toyota Vios, ông chủ chiếc xe này ở Hà Nội đã bỏ túi ngay 1 tỷ đồng khi bán lại cho người khác. Giá niêm yết xe là 570 triệu đồng, giá lăn bánh tại khu vực Hà Nội là 660 triệu đồng. Nhưng, nhờ sở hữu biển số ngũ quý độc lạ, chủ xe bán được 1,65 tỷ đồng.

Với xe sang, bốc trúng biển đẹp chủ xe còn thắng lớn. Cũng năm 2020, một chiếc Mercedes C300 AMG sở hữu biển số 51H-77777 được rao bán với giá 5,5 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với giá niêm yết khi đó là 1,929 tỷ đồng.

“Kho số” hàng ngàn tỷ

Nhiều năm qua, có hàng trăm nghìn chủ sở hữu ô tô và xe máy ngẫu nhiên bốc được biển số đẹp, bán lại với số tiền hưởng lợi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cũng có nhiều đề xuất đấu giá biển số xe, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, biển số ô tô đẹp được coi là kho tài sản lớn và việc đấu giá được thực hiện từ lâu.

Tại Việt Nam, từ năm 1993, Cục CSGT từng đề xuất đấu giá biển số xe, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 2008), việc mua bán biển số xe bị cấm.

Trước đây, một số địa phương như Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng tổ chức thí điểm đấu giá biển số xe. Số tiền thu được lên tới hàng tỷ đồng, được dùng để hỗ trợ người nghèo, nhưng do thiếu tính pháp lý nên phải tạm dừng. Sau hàng chục năm, câu chuyện đấu giá biển số xe mới quay trở lại.

{keywords}
Với những người giàu có, ngoài những chiếc xe đắt tiền, họ cũng cần biển “độc” để thể hiện đẳng cấp.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đấu giá biển số đẹp sẽ có lợi ích kép khi vừa công khai, minh bạch, vừa chấm dứt được tình trạng một số người bốc được “biển số đẹp” bán lại thu lợi lớn bỏ túi riêng hoặc hiện tượng chạy "cửa sau" chi tiền ngoài để có “biển số đẹp”. Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sẽ chi cho các chương trình an sinh xã hội.

Theo ý kiến từ các luật sư, cần sửa đổi cơ sở về mặt pháp lý để phục vụ cho việc thực hiện đấu giá biển số xe. Bởi điều này nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của người dân cùng các Bộ, ngành, địa phương.

Thực tế, nhu cầu sở hữu biển số độc, lạ của những người có điều kiện về kinh tế là chính đáng. Việc đấu giá công khai giúp cho Nhà nước có thêm những khoản tiền dùng vào công tác xã hội, các hoạt động nhân đạo. Bản thân các cá nhân hay doanh nghiệp có thể đàng hoàng trả giá để mua những biển số mà mình ưng ý, ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH Thiên An Phúc nói.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, phải coi biển số được đấu giá giống như các tài sản khác và người sở hữu nó phải có các quyền chuyển nhượng hay thế chấp. Nếu được thế, giá trị của biển số sẽ tăng lên, khi chuyển nhượng thì Nhà nước còn thu được thêm thuế.

Tại Mỹ, chủ phương tiện có thể chọn số theo sở thích của mình. Những biển số được lựa chọn sẽ có mức phí cao hơn bình thường. Tiền thu đấu giá nộp vào ngân sách địa phương.

Tương tự, Nhật Bản cũng cho phép chủ xe chọn biển số mình ưa thích và biển này có giá cao hơn bình thường.

Ngay khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã thực hiện đấu giá biển số. Singapore cho phép đấu giá biển số đối với xe con thuộc sở hữu tư nhân. Biển số trúng đấu giá không được chuyển nhượng nhưng được kế thừa như tài sản của gia đình. Ngược lại, Thái Lan cho phép chuyển nhượng biển số xe trúng đấu giá như những tài sản khác. 

Giữa năm 2016, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã bán thông qua đấu giá biển với duy nhất số 1 lên tới 18 triệu AED, tương đương khoảng 111 tỷ đồng. Còn tại Úc, tháng 8/2017, một biển đăng ký xe hai màu trắng đen, với duy nhất số 4, được bán với giá kỷ lục gần 2 triệu USD. 

Trần Thủy

Đấu giá biển số đẹp để tăng ngân sách: Bán xe có được giữ biển?

Đấu giá biển số đẹp để tăng ngân sách: Bán xe có được giữ biển?

Đề án đấu giá biển ôtô, xe máy mới đây lại được đưa ra sau nhiều năm gây tranh cãi, dư luận đặt câu hỏi về việc chủ sở hữu biển sau khi đấu giá, nếu bán xe liệu có giữ được biển đẹp?