Theo Bộ LĐ-TB&XH, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, người lao động sẽ được nghỉ bốn ngày liên tiếp, từ 30/4 đến hết ngày 3/5.

Do kỳ nghỉ dài nên đây là cơ hội để người dân trong nước đi du lịch, sau hai năm dồn nén bởi Covid-19. Đặc biệt, theo công bố của Tổng cục Du lịch, từ ngày 15/3, tất cả hoạt động du lịch nội địa được diễn ra bình thường theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả và Hướng dẫn 3862 của Bộ VH-TT&DL.

Khảo sát của PV. VietNamNet cho thấy, giá vé máy bay dịp lễ dài ngày đầu tiên trong năm đắt gấp đôi, gấp ba so với tháng 3 và so với thời điểm trước, sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Tình trạng này xảy ra trên một số chặng bay từ Hà Nội, TP.HCM đến các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn,...

{keywords}
Giá vé máy bay chặng Hà Nội - Phú Quốc dịp lễ 30/4-1/5 ghi nhận trên hệ thống của Vietnam Airlines (ảnh chụp màn hình ngày 16/3)

Chẳng hạn, với đường bay Hà Nội - Phú Quốc, giá vé máy bay chiều đi từ ngày 28/4 và về ngày 2-3/5 mở bán trên hệ thống của Vietnam Airlines lần lượt là 3,3-4,12 triệu đồng/chặng. Tại Vietjet Air, giá vé chặng đi khoảng 1,96 triệu đồng, chặng về sáng sớm 1,3-1,5 triệu đồng, giờ đẹp 2,5 triệu đồng (chưa gồm thuế, phí). Còn với Bamboo Airways, giá vé trung bình khoảng 2-2,5 triệu đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí).

Mức giá trên cao gấp ba, thậm chí bốn lần thời điểm hiện tại hoặc trước/sau dịp lễ, khi chỉ trên dưới 800.000 đồng/chặng (Vietnam Airlines), 400.000 đồng/chặng (chưa thuế phí, cả thuế phí khoảng 780.000 đồng) của Vietjet Air và 400.000-700.000 đồng (chưa thuế phí) của Bamboo Airways.

Một đường bay khác cũng đang nóng là Hà Nội - Quy Nhơn. Giá vé chiều đi ngày 28-29/4, chiều về ngày 2-3/5 của Vietnam Airlines tương ứng là 2,5 triệu - 3 triệu đồng/chặng so với ngày thường chỉ 700.000 đồng/chặng. Tại Vietjet Air, giá vé trung bình là 1-1,2 triệu đồng/chặng so với 300.000 đồng/chặng ngày thường (chưa gồm thuế, phí).

Hãng Bamboo Airways vẫn có giá rẻ 69.000-149.000 đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí) trong tháng 3, đầu tháng 4 nhưng đến 28-29/4 đã tăng mạnh, lên 1,5-2 triệu đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí).

Ông Phạm Vũ Bảo, Giám đốc Công ty Vi-booking, cho hay, khi Việt Nam xác định “sống chung với Covid” thì sau sự bùng nổ khách du lich vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, 30/4-1/5 tới là kỳ nghỉ dài khởi động cho cả mùa hè sôi động.

{keywords}
Khách trong nước đi du lịch dự kiến sẽ tăng cao vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Ghi nhận trên hệ thống của công ty cho thấy, giá vé các chặng Hà Nội - Quy Nhơn/Phú Quốc, Sài Gòn - Quy Nhơn/Nha Trang/Phú Quốc,... đã đắt gấp 2-3 lần so với hiện tại.

Giá phòng khách sạn chưa căng như giá vé máy bay, song đã có sự chênh lệch, như phòng hạng thường (tầm 1-1,5 triệu đồng/đêm) có nơi đắt gấp đôi, với phòng giá cao (2-3 triệu đồng/đêm) biên độ tăng thấp hơn.

Nếu như dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các khu nghỉ ở Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang,... không dự trù được lượng khách tăng đột biến nên giá phòng duy trì ở mức khá thấp, lại hết sạch phòng cho thuê dẫn tới không có lợi nhuận. Các đại lý, công ty du lịch "ôm” được phòng nên bán ra với giá khá cao, khách du lịch cũng thiệt thòi.

Do đó, rút kinh nghiệm, từ tháng 4 hầu hết các khách sạn đã có mức giá mới, cao hơn hẳn giá tháng 3. Tại một số điểm du lịch nóng như Phú Quốc, khách đã hỏi và đặt phòng, lượng phòng không còn nhiều - ông Bảo nói với PV. VietNamNet.

Ví thế, giám đốc công ty chuyên dịch vụ đặt vé máy bay, phòng khách sạn này lưu ý, khách du lịch cố gắng tránh đi vào cao điểm dịp lễ.

Ông lý giải, với một người thu nhập 30 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1 triệu đồng/ngày, nếu xin nghỉ phép không lương khoảng 2 ngày + 2 ngày cuối tuần để đi du lịch thì chỉ mất 2 triệu. Còn nếu đi vào dịp lễ 30/4-1/5 chẳng hạn, mỗi người lớn kèm 1 trẻ em, thì riêng tiền vé máy bay đã phải trả thêm khoảng 3-4 triệu, như vậy lỗ 2 triệu đồng. Chưa kể, giá phòng khách sạn bị phụ thu 1 triệu đồng/phòng/đêm, đi ăn đắt đỏ hơn, chất lượng dịch vụ khó đảm bảo. Khách nên cân nhắc đi trước dịp lễ, giá vừa rẻ lại vừa vắng.

Bản thân các công ty, đại lý du lịch cũng không hào hứng với việc bán dịch vụ mùa lễ vì giá đắt đỏ, khách quá đông dẫn tới không đủ nhân lực phục vụ, nhà hàng chen chúc, tour đi đảo phải ghép khách, chất lượng dịch vụ khó đảm bảo.

Ngọc Hà

Chưa kịp vui đã thất vọng, khách quốc tế ra sân bay đến Việt Nam lại về

Chưa kịp vui đã thất vọng, khách quốc tế ra sân bay đến Việt Nam lại về

Khách quốc tế rất mong chờ thông tin mở cửa du lịch của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, có khách Singapore ngày 15/3 ra sân bay định tới Việt Nam phải quay về vì thiếu thông tin.