Trải rộng khắp mảnh đất Cốc Ly (huyện Bắc Hà, Lào Cai) là những cánh rừng nghiến, trai cổ thụ nghìn năm tuổi, có cây 12 người vòng tay ôm mới xuể.

Dù bên ngoài, xã hội có bao đổi thay, nhưng dưới tán rừng nghìn năm, phong cảnh, con người nơi đây vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, độc đáo. Từ cái thuở sơ khai, khi trời và đất còn… dính với nhau, con người đã quần cư về vùng đất này sinh sống, hình thành nên những tộc người Mông, Dao, Tày, Nùng.

“Mỏ vàng” lộ thiên

Lần đầu tiên đặt chân tới Cốc Ly, chắc chắn nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những cánh rừng cổ thụ hoang sơ. Điều đặc biết, có những cây gỗ trai, nghiến được định tuổi nghìn năm nằm sát ngay bìa rừng, chỉ mất nửa tiếng đồng hồ đi bộ. Xung quanh cụ cây là bạt ngàn nương đồi ngô, quế của những gia đình người Dao.

{keywords}

Dưới tán rừng nghìn năm, phong cảnh, con người nơi đây vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, độc đáo

Chúng tôi theo chân anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng xã Cốc Ly (Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà) tìm về thôn Cốc Sâm.

Anh Toàn bật mí, ở đây có những mỏ vàng lộ thiên mà không nơi nào có. Hết con đường trải đá cấp phối trơn trượt, dựng đứng, chúng tôi phải bỏ lại xe, tiếp tục cuốc bộ. Con đường đất nhỏ độc đạo, chỉ đủ con trâu chửa đi qua. Đứng từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, tôi có cảm giác như đang ngồi trên ngọn của một cây to nhìn xuống nhưng chẳng thấy gốc.

“Rừng xanh thì bạt ngàn, lực lượng kiểm lâm mỏng, những cánh rừng cổ thụ quý hiếm lại như mỏ vàng lộ thiên nên chúng tôi luôn phải bám sát địa bàn. Rất may, sống gần người dân, tuyên truyền, lại có hương ước nên ý thức về việc bảo vệ rừng khá tốt. Tại mỗi thôn giờ đều có tổ bảo vệ rừng toàn thanh niên trai tráng khỏe mạnh. Người dân đi nương, chỉ cần thấy bóng dáng người lạ, hoặc ai đó chặt phá rừng là ngay tức khắc bị tố cáo”, anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng xã Cốc Ly chia sẻ.

Đầu hè, tiếng ve rừng kêu inh ỏi. Hai bên đường, những vạt hoa mua nở tím lịm. Anh Toàn chỉ tay về phía một cây xa xa bảo, vàng đấy, nhìn nhỏ thế thôi, cụ cũng nghìn năm tuổi rồi.

Hóa ra, mỏ vàng lộ thiên là cách ví von những cánh rừng trai, nghiến cổ thụ nghìn năm - nơi chúng tôi chuẩn bị khám phá. Anh Toàn cho biết, tổng diện tích rừng ở Cốc Ly khoảng 260ha, chia làm 2 tiểu khu. Rừng giáp 3 xã Hoàng Thu Phố, Nậm Mòn, Bảo Nhai cùng huyện Bắc Hà, phía Tây giáp thị trấn Phong Niên của huyện Bảo Thắng.

Cùng đi với đoàn còn có hai “thổ địa” là anh Bàn Văn Cường và Bàn Văn Sinh, người dân tộc Dao ở thôn Cốc Sâm. Vượt qua bao con dốc, trèo qua bao tảng đá, Cường vẫn cười tươi rói. Anh bảo, sinh ra đã thấy rừng, từ nhỏ ngày nào chả rừng, làm nương. Anh nhớ từng ngóc ngách, từng ngọn cây, tảng đá.

“Sinh ra ở rừng, mình phải biết bảo vệ rừng chứ. Không có rừng, làm sao con người sống được. Mất rừng rồi, mùa mưa lại lũ ống, lũ quét, lấy đâu ra nương mà trồng cây ngô, cây quế”, anh Cường thủ thỉ.

Đang dở câu chuyện, Cường nói như reo lên, chỉ tay về phía ngọn cây cao vút bảo, sắp tới cụ cây số 1 rồi đấy. Chúng tôi rảo bước, đập vào mắt chúng tôi là một cây nghiến lừng lững, cao chừng 30m. Theo anh Toàn, cụ cây này định được khoảng 1.000 năm tuổi.

{keywords}

Cây nghiến 1.000 năm tuổi tại thôn Cốc Sâm

Nhưng thực tế có thể hơn nhiều vì phương pháp tính tuổi không chính xác hoàn toàn. Cụ cây này được đánh số thứ tự là 01, đường kính gốc gần 4m. Xung quanh cây, những cục u sùi lên như những con rùa đất đang bò lổm ngổm. Dọc thân cây, cành cây, nhiều loài phong lan, tầm gửi mọc chằng chịt, nương nhờ bóng cụ cây.

{keywords}

Tán của “cụ” cây phủ bóng cả một khoảng rừng

Theo anh Toàn, tổng số cây gỗ nghiến, trai cổ thụ còn trên cánh rừng là 828 cây, trải dài ở 7 thôn Làng Bom, Làng Đá, Làng Pàm, Sín Chải, Thẩm Phúc, Nậm Ké và Cốc Sâm. Trong đó, các cụ cây tồn tại nhiều nhất ở thôn Cốc Sâm với 357 cá thể. Nhiều cụ cây đã công nhận là Cây di sản Việt Nam, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cảm tạ thần rừng

Trong tâm khảm người dân Cốc Ly, nơi đâu có rừng, có núi là sẽ có thần rừng, thần núi. Cũng như người Kinh hay có câu “đất có thổ công, sông có hà bá”. Từ xa xưa, họ đã có tục lệ cúng rừng vào đầu năm mới. Mục đích là mong thần rừng luôn che chở, bảo vệ bản làng, đem mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống no ấm.

Ông Bàn Văn An, người cả đời gắn bó với nghề thầy mo ở Cốc Ly cũng không biết những bài cúng rừng có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, đời cha, đời ông nội đã làm cái nghề này. Ông lớn lên, gắn bó với rừng, rồi được truyền nghề, làm người con của thần rừng.

Những khu rừng cổ thụ, “mỏ vàng” lộ thiên kia được người dân coi là khu rừng cấm. Mọi hành vi săn bắn, chặt phá rừng đều bị xử lý nghiêm khắc. Từ lâu, một hương ước về bảo vệ rừng được chính người dân soạn thảo và ký cam kết. Ai vi phạm hương ước, ngoài việc bị lực lượng kiểm lâm phạt hành chính còn bị cả làng đem ra phạt vạ.

{keywords}

Ký cam kết không vi phạm hương ước bảo vệ rừng

Ngay trước hôm chúng tôi về Cốc Ly, cả thôn Cốc Sâm “lôi” Sùng Seo Dế (sinh năm 1991) ra phạt vạ. Cách đó mấy hôm, Dế vác cưa vào rừng, cắt 1 khúc ụ cây nghiến để về làm thớt. Đang cưa dở, Dế bị người dân đi nương phát hiện, báo lực lượng kiểm lâm. Thế là Dế bị bắt quả tang tại trận cùng tang vật.

Sau khi bị xử phạt, Dế tiếp tục bị dân làng Cốc Sâm phạt vạ vì làm trái hương ước. Theo quy định, người nào vi phạm sẽ phải cúng một con lợn bản 50 cân, 20 cân gạo, 20 lít rượu, một đôi gà cùng 360 nghìn đồng tiền công... Sau khi cúng thần rừng, người vi phạm có lời, mời cả làng ở lại ăn, coi như một lần tạ lỗi. Tổng số tiền làm lễ phạt vạ, có khi gấp đôi số tiền bị phạt hành chính.

Cách đây mấy tháng, ông Giàng Seo Pao ở thôn Sín Chải đã vào rừng Làng Bom chặt gỗ nghiến về bán. Bị bắt tại trận, ông Pao bị cả thôn Làng Bom tổ chức phạt vạ ngay dưới tán rừng. Ông Pao phải đứng lên xin lỗi người dân Làng Bom cùng kiểm lâm, chính quyền xã và hứa không bao giờ tái phạm.

Ông An bảo, giải thích thì dài dòng lắm, nhưng bài cúng rừng của ông đại ý là thay mặt người vi phạm, mời thần rừng, các vị thần linh, quan thổ địa… về chứng dám. Sau lời mời, sẽ là những câu xin lỗi, mong thần linh bỏ qua hành vi xâm phạm. Tiếp theo là lời hứa, sẽ luôn nhắc nhở dân bản, không được vào rừng chặt phá, săn bắn vì rừng thiêng là của chung, cần được bảo vệ, giữ gìn. Cuối cùng là mong những vị thần rừng mở rộng lòng, luôn che chở, bảo vệ người dân đi làm nương không bị đau ốm. Một lễ cúng bài bản thường kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Nhẩm tính, ông An bảo, trước giờ có 6 người vi phạm hương ước và đều bị mang ra phạt vạ. Tới nay, chưa ai dám tái phạm, một phần sợ bị “đánh” vào kinh tế, nhưng quan trọng hơn cả là họ sợ những lời hứa với rừng xanh linh nghiệm, sợ bị thần linh quở phạt.

“Mấy năm rồi, tôi tự nguyện tham gia tổ bảo vệ rừng ở thôn. Tôi tham gia không phải vì tiền công mà vì yêu cánh rừng của thôn, bản. Có những đợt, nghe thấy động, chúng tôi nằm mấy đêm liền trong hang đá để phục kích đối tượng phá rừng. Bao nhiều lần phải đối mặt nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi”, anh Bàn Văn Sinh ở thôn Cốc Sâm tâm sự.

(Theo NNVN)