Hơn 10 giờ sáng ngày mùng 3 Tết Canh Tý, sau khi đứng chờ 15 phút đồng hồ, gia đình chị Đặng Thị Thuỷ Vân mới được chủ hàng bún trên phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) xếp cho ngồi ké vào một bàn khác và phải chờ thêm 10 phút nữa mới được phục vụ 4 bán bún riêu bò cho 4 người.

Chị chia sẻ, Tết năm nay gia đình ở lại Hà Nội ăn Tết. Từ ngày 30 đến mùng 2 Tết chị làm cơm ăn ở nhà, đi chúc Tết họ hàng, bạn bè . Đến sáng nay – mùng 3 Tết, cả gia đình quyết định đi ăn bún riêu giải ngấy sau mấy ngày liền chỉ ăn thịt thà bánh chưng. Nhưng đi mấy cửa hàng bún quen ở khu vực gần nhà đều vẫn cửa đóng then cài, dán thông báo mùng 6 Tết mới mở cửa bán hàng trở lại nên đành đi ra khu này ăn tạm.

{keywords}
Mùng 3 Tết Canh Tý, một số hàng bún riêu đã mở cửa từ sớm

Ra đến hàng này cũng đông nghịt khách, đứng chờ mãi mới có bàn ngồi. May giá bún riêu chỉ tăng 5.000 đồng/bát so với ngày thường. Không đến mức bị chặt chém mà bát bún cũng đầy đặn, chị Vân cho hay.

Chị Lê Thanh Phượng – chủ một cửa hàng bún riêu giò bò ở Đại Từ cho biết, nhà chị mở bán từ mùng 2 Tết, khách vào ăn suốt từ khi mở bán đến 10 giờ đêm, đông không đếm xuể.

“Hôm nay mùng 3 Tết cũng vậy. Từ sáng đến giờ tôi và 3 nhân viên nữa luôn chân luôn tay không có phút nào được nghỉ ngơi. Người đến ăn tại cửa hàng, người đến mua đem về nhà”. Chị tiết lộ, ngày thường quán nhỏ chỉ túc tắc bán khoảng 200-250 bát mỗi ngày. Nhưng hôm qua nếu ngồi nhẩm tính số bún nhập vào thì ước bán khoảng 500 bát. Hôm nay dự từ sáng đến tối bán khoảng 600 bát vì nay nhiều gia đình có nhu cầu đi ăn bún giải ngấy hơn.

{keywords}
Khách kéo nhau đi ăn bún giải ngấy 
{keywords}
Một số hàng tăng giá bún riêu, bún ốc vì Tết nguyên liệu tăng, giá nhân công tăng

Còn về giá cả bún riêu những ngày Tết này, theo chị Phương, giá nguyên liệu đều được chị mua từ trước Tết, bởi sau ngày 30 Tết là chợ nghỉ bán, không thể mua được nguyên liệu để làm hàng mùng 2 Tết bán. Theo đó, giá cả dịp Tết từ củ hành cho tới con cá, con cua… đều tăng. Chưa kể, tiền công trả cho nhân viên ngày Tết cũng gấp đôi ngày thường nên chị phải tăng thêm 5.000 đồng/bát bún cá, bún riêu giò tăng 10.000 đồng/bát. Đến ngày mùng 6 này mọi người đi làm trở lại thì giá bún cũng sẽ về lại mức cũ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh - chủ hàng bún cá, bún ốc trên phố này cũng cho biết, từ sáng ngày mùng 3 Tết đến giờ khách ra vào nườm nượp, chị đã bán hết khoảng 60kg bún và đang phải cho người đi lấy thêm về đủ bán cho khách đến tối.

{keywords}
Hàng phở một số nơi tăng giá gấp đôi
{keywords}
Khách đi ăn bún ngồi chật kín quán
{keywords}
Thậm chí khách còn phải đứng chờ vì quán quá đông

Ghi nhận trên phố Đại Từ, sáng mùng 3 Tết mới chỉ có khoảng vài hàng bún riêu, bún ốc mở cửa bán hàng. Theo đó, hàng nào khách ra vào ăn tấp nập, có thời điểm khách còn phải đứng xếp hàng chờ 10-15 phút do bàn ghế của khách đã quán kín.

Trong khi đó, tại khu vực Hà Đông, một số người than thở, giá bún riêu, bún ốc ngày mùng 2 Tết còn tăng giá gần gấp đôi ngày thường. Thay vì chỉ 30.000-35.000 đồng/bát thì giờ giá tăng lên 50.000-55.000 đồng/bát. Trong khi đó, hàng phở bò, phở gà dịp này cũng tăng giá lên 55.000-60.000 đồng/bát, tức gấp đôi ngày thường.

Các chủ hàng giải thích, lý do tăng giá là vì Tết nguyên liệu tăng, giá nhân công tăng.

Như Băng