Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian vừa qua, qua kiểm tra theo dõi, cơ quan hải quan đã phát hiện có tình trạng một số doanh nghiệp cố tình khai báo giá thấp hơn so với cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan nhằm trốn thuế.
Theo quy định hiện hành, đối với những mặt hàng nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan sẽ tự kê khai, tự tính thuế và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai, tính thuế của mình.
Đồng thời, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra trị giá khai báo đối với trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo, tức là trị giá khai báo thấp hơn so với dữ liệu của cơ quan hải quan. Lúc đó, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra và áp dụng các biện pháp để xác định trị giá, thu về ngân sách Nhà nước (NSNN).
Giá khai báo thông quan hải quan bình quân của xe con nguyên chiếc tháng 3 chỉ khoảng 252 triệu đồng/xe, giảm mạnh so với tháng 2/2017.
|
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian vừa qua, qua kiểm tra theo dõi, cơ quan hải quan đã phát hiện có tình trạng một số doanh nghiệp khai báo thấp hơn so với cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan nhằm trốn thuế.
Đối với những trường hợp này, cơ quan hải quan đã xác định dấu hiệu nghi vấn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trong đó, có tham vấn cũng như kiểm tra sau thông quan để xác định trị giá theo đúng quy định và thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính.
Theo ông Tuấn, công tác kiểm tra chống gian lận qua giá là công việc thường xuyên của cơ quan hải quan để ngăn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định về tự kê khai, tự tính thuế, tự chịu trách nhiệm để gian lận, trốn thuế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tùy theo từng thời kỳ, cơ quan hải quan sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp với thực tế. Trong thời gian vừa qua, hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát các mức giá khai báo của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thấp hơn so với mức giá trong cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan.
Liên quan đến hoạt động nhập khẩu ồ ạt ô tô giá rẻ về Việt Nam những tháng vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho hay, đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Hải quan vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào gian lận về xuất xứ.
Cụ thể về tình hình nhập khẩu xe ô tô, trong tháng 3, xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi nhập về đạt hơn 6.700 chiếc, tăng hơn 2.500 chiếc so với tháng 2 (4.160 chiếc), mức tăng 61%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 1 triệu USD từ 73 triệu USD tháng 2 lên 74 triệu USD tháng 3, mức tăng 1,37%.
Điều này khiến giá khai báo thông quan hải quan bình quân của xe con nguyên chiếc tháng 3 chỉ là 11.040 USD/xe (252 triệu đồng). So với mức giá khai báo xe con dưới 9 chỗ bình quân tháng 2 là hơn 17.548 USD/xe (400 triệu đồng) thì chỉ sau 1 tháng, mức chênh giá khai báo bình quân đã lên tới gần 150 triệu đồng/xe.
Thời điểm từ đầu năm 2018, thuế suất sẽ về 0% theo cam kết ASEAN. Để ngăn chặn tình trạng gian lận trong khai báo nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là mặt hàng ô tô nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác kiểm tra và xác định xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua ban hành một số công văn để chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, kiểm tra.
Trước đó, Việt Nam cũng đã đề nghị hải quan các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc hỗ trợ xác minh gần 2.000 C/O. Thư đề nghị hỗ trợ xác minh của Việt Nam tập trung vào chữ ký hợp lệ của người có thẩm quyền cấp C/O; nghi ngờ về con dấu hợp lệ trên C/O…
Ngoài ra, mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tiêu chí trên C/O đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.