Quyết đưa giá lợn hơi về mốc 70.000 đồng/kg

Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn ra chiều 12/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, khoảng 99% số xã đã qua 30 ngày dịch không quay trở lại.

Việt Nam hiện có 109 ngàn con lợn ông bà, cụ kỵ, 2,7 triệu lợn nái, chuồng trại cơ sở vật chất còn nguyên, chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phát triển. Nhiều mô hình nuôi an toàn sinh học đã được nhân rộng ngay từ giữa năm 2019. “Đề nghị các tỉnh tập trung đẩy mạnh việc tái đàn. Bởi, thịt lợn vẫn chiếm 70% trong cơ cấu rổ thực phẩm ở nước ta”, ông Tiến nhấn mạnh.

Về giá thịt lợn, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng giá vẫn cao. Theo ông Tiến, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành phải giảm giá lợn hơi xuống quanh mốc 70.000 đồng/kg. Nếu không làm được việc này thì chắc chắn Chính phủ sẽ tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, thậm chí là cả từ Lào và Campuchia.

{keywords}
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay vẫn neo ở mức cao 

“Khi đã mở cửa cho thịt lợn nhập khẩu mà nay mai giá lợn thấp lại phải đóng để nâng giá lên thì rất khó. Nhưng không kìm được giá xuống thì chúng ta buộc phải nhập”, ông khuyến cáo và nhắc nhở, có doanh nghiệp báo cáo bán giá lợn hơi 75.000 đồng/kg nhưng thực ra là cao hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đặt câu hỏi: 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi đã dẫn dắt được thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống, vậy tại sao không dẫn dắt giá thịt lợn? Nếu làm được, các doanh nghiệp nhỏ, trang trại,... sẽ hưởng ứng theo. Bộ trưởng cho rằng, lợi nhuận nên ở mức vừa phải thì mới hài hoa, lợi nhuận quá cao sau này mất thị trường, lúc đó rất khó lấy lại được.

“Yêu cầu doanh nghiệp đưa giá lợn về mức hợp lý không phải là phi thị trường, không phải là ông Bộ trưởng thích thì làm. Cái này là giữ ổn định thị trường lâu dài, là tiến tới phát triển bền vững cho chính các doanh nghiệp”. Ông Cường yêu cầu kiên quyết sau hội nghị này phải đưa giá thịt lợn về mức 70.000 đồng/kg.

Giờ giá thịt lợn đắt đến mức người dân quay lưng, chuyển sang ăn thịt gà, thuỷ sản, cá, trứng,... mãi thành quen, lúc đó chăn nuôi lợn sẽ gặp khó khăn. Bộ trưởng nhấn mạnh, tuần tới Chính phủ tiếp tục họp bàn về vấn đề giá thịt lợn nên ông rất mong các doanh nghiệp đồng hành, đưa giá thịt lợn về mức hợp lý hơn.

Chỉ một mình doanh nghiệp thì khó

Không trả lời thẳng vào việc tuần tới có hạ giá lợn hơi không, ông Kiều Đình Thép - đại diện C.P Việt Nam, cho hay, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp xuất bán 15.000-17.000 con lợn thương phẩm ra thị trường. Doanh nghiệp cũng đã đồng hành với Bộ khi đưa giá thịt lợn hơi xuống mức 74.000-75.000 đồng/kg.

Thời gian qua, C.P cung cấp lợn hơi xuất chuồng thường xuyên cho khách hàng gắn bó nhiều năm với doanh nghiệp, còn những nhu cầu mới và không thường xuyên thì chỉ bán một phần.

Hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, doanh nghiệp vẫn tiếp tục triển khai. Việc tái đàn, nguồn cung thịt lợn ổn định đang diễn ra tốt. Ông Thép tiết lộ C.P đang đầu tư chế biến sâu, cải thiện nâng cao hệ thống giết mổ,... để hạn chế khâu trung gian, đưa thịt lợn tới tay người tiêu dùng sát với giá ở chuồng trại nhất.

{keywords}
Nguồn cung dồi dào nhưng người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt với giá đắt đỏ

Trước đó, C.P cũng phản ánh dù xuất bán lợn hơi quanh mốc 73.000-77.000 đồng/kg. Song, thương lái mua ra khỏi cổng trang trại có thể bán lại ngay với giá 85.000 đồng/kg, tức lãi tới 10.000 đồng/kg.

Do đó, các ngành chức năng cần đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, thương lái lãi nhiều, trong khi người tiêu dùng phải mua thịt lợn với giá cao.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT. Theo vị này, doanh nghiệp cũng không muốn giá lợn quá cao và đang nỗ lực tìm biện pháp giảm giá xuống.

Còn việc đưa giá lợn về 70.000 đồng/kg, đại diện Dabaco cho rằng, tất cả các cơ quan ban ngành phải vào cuộc, vì một mình doanh nghiệp thì không thể làm được. Bởi, ngoài doanh nghiệp, thịt lợn còn qua các khâu trung gian, siêu thị bán hàng... Nếu chỉ có doanh nghiệp giảm mà các khâu kia không giảm thì người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt lợn với giá đắt đỏ, ông chia sẻ.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, tổng đàn lợn hiện nay còn khoảng trên 24 triệu con, công tác tái đàn đang được đẩy mạnh, nhiều địa phương đàn lợn tăng cao hơn so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi.

Sản lượng thịt lợn dự kiến cũng tăng mạnh từ tháng 2 năm nay và tăng ổn định theo các quý với tổng sản lượng năm 2020 dự kiến đạt khoảng 3,9 triệu tấn. Trong khi đó, lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt gần 14.000 tấn, tăng 150%. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ không thiếu thịt lợn.

Song, ghi nhận của PV. VietNamNet cho thấy, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại các địa phương vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, tại miền Bắc, lợn hơi xuất chuồng giá dao động từ 83.000-85.000 đồng/kg; giá lợn tại miền Nam cũng có xu hướng tăng, từ 78.000-80.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại chợ, giá thịt lợn các loại gần như không giảm. Đơn cử, thịt ba chỉ, mông sấn, nạc thăn, chân giò,... giá cao ngất ngưởng từ 140.000-180.000 đồng/kg; sườn thăn, sườn non khoảng 200.000-220.000 đồng/kg.

B.Phương