- Từ trước tới nay, cứ cửa hàng kinh doanh là phải ra mặt đường mới là nhất. Thuận tiện cho xe cộ đi lại, lượng người lưu thông lớn, hàng hóa được "trưng" ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi kinh tế lao đao, rất nhiều cửa hàng lại lui về ngõ nhỏ để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng, trụ lại được với thời cuộc.

Bỏ mặt tiền rút vào trong ngõ

Trước đây, cửa hàng thuốc Hồng Hương của bà Hương nằm ngay trên phố Đoàn Thị Điểm giữa khu chợ cóc đông đúc và lúc nào cũng có người qua lại. Thời gian gần đây, người ta thấy quán thuốc chuyển vào sâu bên trong ngõ An Trạch I (phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội) cách đường lớn tới 50m.

Khi được hỏi, bà Hương cho biết: của hàng thuốc tại đường Đoàn Thị Điểm là do gia đình bà thuê để bán hàng. Tuy nhiên, sau khi có lượng lớn khách quen, hơn nữa giá thuê nhà tăng cao nên bà quyết định chuyển về nhà riêng tại ngõ An Trạch để giảm tối đa các chi phí ngoài.

Bà chia sẻ: Một viên thuốc có mấy trăm đồng, căng lắm cũng vài chục mà tiền nhà tính tiền triệu thì lấy từ đâu ra mà bù vào. Một dãy phố ngắn chừng trăm mét mà có tới 4 cửa hàng nên cạnh tranh lớn, chi phí thuê nhà, điện nước cao. Giữa lúc kinh tế khó khăn, mà khách hàng quen ổn định thì tốt nhất là lui về. Vào ngõ, về nhà, mỗi tháng tôi tiết kiệm được 10 triệu tiền mặt bằng.

Cũng vì lý do kinh tế, chủ tiệm giày dép trong con ngách nhỏ nằm ở ngõ 364 Thái Hà kể, ngày trước chị Nga cũng thuê cửa hàng trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Sau Tết, họ báo tăng tiền mướn từ 6 triệu lên 7 triệu mỗi tháng nên chị chuyển về nhà bán.

Chị Nga bộc bạch: "Giá hàng mỗi ngày một tăng, tiền mượn cửa hàng cũng đội lên, mà người tiêu dùng thì thắt chặt chi tiêu nên mình mà tăng giá thì khó bán. Về nhà, bớt được nhiều khoản, hạ giá xuống, khách lại đông hơn". Về điều này, chị Nga đưa ví dụ, nếu mỗi đôi giày chị nhập 150.000 đồng thì khi bán ngoài cửa hiệu mặt đường, giá tối thiểu phải là 300.000 đồng mới đủ chi trả tiền nhà, điện, nước, thuế và sinh hoạt hàng ngày. Chuyển về nhà, bớt được một khoản đáng kể đó nên nhập 150.000 đồng, chị chỉ cần bán 250.000 cũng lãi hơn trước.

"Vốn cũng không nhiều, hàng hầu như bán cho những người có thu nhập bình dân nên cũng không thuê cửa hiệu. Bán trong khu dân cư kiểu này dễ, nhiều khách hàng còn thích mua, họ có cảm giác được mua giá rẻ, tận gốc".

Trong ngõ sâu vẫn thắng

Từ đường lớn Bà Triệu rẽ vào ngã tư Trần Quốc Toản, Bà Triệu, rẽ vào đường Trương Hán Siêu, rồi rẽ tiếp vào ngõ 9 chui vào con ngách nhỏ là một cửa hàng bán các đồ xách tay không hề có tên hiệu.

Nhưng không ít dân văn phòng khu vực này đến biết tiếng, thậm chí là khách quen, khách VIP của cửa hàng.

Chị Minh, chủ cửa hàng cho biết: bây giờ không phải cứ ra mặt đường lớn là thắng. Hàng trăm cửa hàng bán vội, hoặc chịu lỗ vì giá tiền mặt bằng. Cứ ở nhà, dù trong ngõ như tôi vẫn kiếm được. Vừa nấu cơm, trông con, vừa bán hàng mà lại lãi đứt cái khoản thuê địa điểm. Bây giờ là thời cạnh tranh nhau về giá và chất lượng.

Bây giờ là thời cạnh tranh nhau về giá và chất lượng, không phải mặt tiền hay cửa hàng.

Đến số nhà 22 Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bạn phải chui vào một cái ngõ bé xíu và hơi ẩm tối nếu muốn ăn sữa chua mít nổi tiếng của Hà Nội là quán Hoàng Anh. Ngõ có chiều rộng chưa tới 1m, 1 người đi thì vừa, 2 người thì phải nép vào tường để tránh nhau, rồi vòng vèo cầu thang, rồi chật hẹp trong phòng chỉ chừng 10m2, kê 20 cái ghế nhựa con. Tuy nhiên, hàng chục, hàng trăm người vẫn ùn ùn tới đây. Thậm chí tới nhiều lần/tuần. Với đơn giá 15.000 đồng/cốc, ngon nổi tiếng, quán Hoàng Anh vô cùng đông khách. Nếu vào các buổi trưa, cuối giờ chiều, cảnh chen chúc mua, chờ đợi trước ngõ là điều thường thấy.

Quán mở được 5 năm thì lượng khách ngày một tăng, thậm chí người ăn phải gửi xe bên đường, công an phải thường xuyên giải tỏa vỉa hè nhưng lượng khách vẫn đông chật. Tất nhiên, theo nhiều bạn trẻ làm việc tại đây, với hàng trăm thực khách tới thưởng thức, lượng tiền giao dich ở ngõ siêu nhỏ 22 Bà Triệu lên tới hàng trăm triệu/tháng. Chủ cửa hàng thắng lớn vì chất lượng, sự sáng tạo.

Yên Ba