- Các DN nhỏ và vừa hiện nay đang hết sức khó khăn, cứ tình hình này thì số DN tạm ngừng sản xuất, giải thể phá sản chắc chắn còn tăng lên nữa.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nhận định.

- Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2012, theo đó, số DN siêu nhỏ ngày càng tăng, ông đánh giá như thế nào về thông tin này?

Thực trạng DN nhỏ và vừa mà VCCI cập nhật là đúng với tình hình hiện nay. Các DN nhỏ và vừa của ta từ trước đến nay như đã biết, có quy mô vốn rất nhỏ, đi lên từ sản xuất thủ công nên công nghệ thấp, trình độ có hạn và chưa được đào tạo có hệ thống. Trong khi đó lại không được hưởng những chính sách ưu đãi bằng DN Nhà nước, nhất là về mặt bằng sản xuất, vốn vay...

Thời gian qua DN nhỏ và vừa lại càng khó khăn hơn do kinh tế suy giảm, lãi suất cao, lạm phát cao, không tiếp cận được thị trường, nên tồn kho tăng cao, sản xuất giảm, khả năng trả nợ kém, vì vậy mà số DN ngừng hoạt động, phá sản ngày càng tăng lên. Nhiều DN thời gian qua đã phải xé nhỏ ra để tồn tại, để tránh nợ xấu nên số DN siêu nhỏ ngày càng tăng có nguyên nhân là như vậy.

{keywords}
Ông Cao Sỹ Kiêm

- Trong tình thế hiện nay, cần làm gì để giúp DN thoát khỏi khó khăn?

Giải pháp có rồi và cũng nói mãi rồi. Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là không có đầu ra, sức mua thấp, hàng tồn kho cao, dẫn đến thu hồi vốn chậm hoặc không thu hồi được vốn, không trả nợ được ngân hàng.

Phải giải quyết được tồn kho cho DN mới mong tháo gỡ được khó khăn, giúp phục hồi sản xuất. Để giải quyết được vấn đề này thì phải tăng sức mua, tăng lương, hỗ trợ giảm giá hàng, giảm thuế...

Tiếp đến là giải quyết nợ xấu. Khối lượng nợ xấu lớn không được xử lý đang làm cho nền kinh tế khựng lại, ngân hàng không dám cho vay, DN không vay được vốn... Các giải pháp đến nay đã có đủ và được đưa ra từ lâu, nhưng thực hiện rất chậm, đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Chẳng hạn như công ty mua bán nợ nói từ rất lâu nhưng đến nay đề án chưa hoàn thành và chưa ra đời được. Hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho cũng chưa thấy đâu.

Sang quý 2/2013 rồi mà mọi thứ vẫn chưa có gì cụ thể, vẫn đang trong quá trình làm chính sách. Với cách làm này thì dự báo nền kinh tế 2013 vẫn chưa chạm đáy và sang 2014 cũng chưa thể đi lên.

Nay thì doanh nghiệp không còn kêu nữa mà đang buông xuôi. Tình hình như thế này thì số DN tạm ngừng sản xuất, giải thể phá sản chắc chắn còn tăng lên.

- Ông nhận định về diễn biến kinh tế cho giai đoạn tiếp theo của năm 2013?

Nhìn vào các chỉ số của quý 1/2013 vừa qua thấy rất quan ngại. Công nghiệp, nông nghiệp tăng trưởng thấp, tín dụng tăng trưởng rất thấp. Những tiền đề để kinh tế phát triển trong các quý 2,3,4 nhìn ra không có gì sáng sủa.

Tăng trưởng của ta chủ yếu dựa vào đầu tư xuất khẩu. Xuất khẩu quý 1 có tăng trưởng cao, nhưng chủ yếu thuộc về khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện và giá trị gia tăng trong nước thấp, còn trong đầu tư tín dụng thì tăng trưởng có 0,03% như vậy coi là không tăng. Vì vậy kinh tế các quý 2,3,4 dự báo sẽ rất đáng lo ngại.

Đáng ra nếu thực hiện nhanh các giải pháp ngắn hạn, bên cạnh đó là thực hiện các giải pháp dài hạn thì kinh tế 2013 có thể dừng lại, không "tụt dốc" nữa, sau đó sang 2014 khi các giải pháp dài hạn bắt đầu phát huy tác dụng thì chắc chắn kinh tế sẽ đi lên, nhưng nay ngắn hạn thực hiện chậm còn dài hạn thì chưa làm gì nên chưa thể tạo ra nền tảng, tiền đề để kinh tế 2014 và 2015 đi lên.

{keywords}

- Ông có thể nói rõ các giải pháp dài hạn là gì và vì sao đến nay chưa được thực hiện?

Cụ thể như Đề án cơ cấu tổng thể nền kinh tế mới được duyệt, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa đảm bảo. Nếu cơ cấu tổng thể chưa được thực thi thì vấn đề tiếp theo là thay đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa thể thực hiện. Khi mô hình tăng trưởng chưa được thực hiện thì chưa thể nhận thấy thể chế cần phải thay đổi những gì cho phù hợp. Rồi tiêp đến là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực cũng lại phải chờ đợi...

Trần Thủy