- Tết Trung thu đến gần nên khắp vỉa hè Hà Nội, đâu đâu cũng được phủ kín màu vàng, đỏ... của những quầy bánh trung thu. Thậm chí, một số hãng bánh còn dựng quầy bày bán ngay dưới gầm cầu vượt.
Phủ kín vỉa hè, chui gầm cầu
Từ đầu tháng bảy âm lịch, các “đại gia” bánh trung thu đã bắt đầu cuộc đua tái chiếm những vị trí đẹp ở vỉa hè để trưng bày, bán bánh. Đến nay, các quầy trưng bày bánh trung thu bắt đầu mọc lên như nấm, với mật độ dày đặc, phủ kín khắp phố phường Hà Nội tạo thành “đại siêu thị” bánh trung thu trên vỉa hè.
Điều đáng nói, chúng lấn chiếm vỉa hè, cản trở giao thông... khiến phần lớn người đi bộ phải tràn xuống lòng đường.
Tại nhiều tuyến phố, ngã ba, ngã tư... các hãng bánh trung thu đua nhau dựng quầy trưng bày bánh. Điển hình, trên tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, cứ khoảng trăm mét lại có một quầy bánh trung thu kéo dài cả chục mét được dựng lên. Nhiều đoạn đường vỉa hè có vị trí đẹp, thông thoáng nay đã bị 4-5 thương hiệu bánh lớn nhỏ xâu xé, san sát nhau kéo dài 30-40m.
Vỉa hè các tuyến phố như Lê Văn Lương (Thanh Xuân), Xuân Thủy, Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), Kim Mã (Ba Đình), Tây Sơn (Đống Đa)... cũng ngập bánh trung thu từ cao cấp đến bình dân.
Bánh trung thu bày bán cả ở gầm cầu vượt (ảnh B.H) |
Không chỉ có bày bán tràn lan trên vỉa hè, một số thương hiệu còn chui xuống dưới gầm cầm vượt để dựng quầy trưng bày, bán bánh. Điển hình là hai cửa hàng thương hiệu Kinh Đô và Haiha-Kotobuki dựng ngay dưới gầm cầu vượt trên cao, đoạn rẽ vào đường Kim Giang (Đại Kim, Hoàng Mai).
Tại công văn số 2380 ngày 22/8, Sở GTVT Hà Nội cho hay do tính chất thời vụ, đồng thời để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm, phục vụ người dân đón Tết Trung thu, cơ quan này chấp thuận tạm thời một số vị trí vỉa hè để các đơn vị trưng bày và bán sản phẩm bánh trung thu. Tuy nhiên, vị trí các gian hàng do UBND cấp quận, huyện quản lý.
Song, việc cho phép những quầy bánh “án ngữ” tràn ra vỉa hè đang làm cản trở giao thông của người dân. Chị Nguyễn Thị Thanh ở đường Cầu Giấy cho biết, vỉa hè tuyến đường này không rộng rãi, mật độ người qua lại lại nhiều. Bình thường đi bộ trên vỉa hè chị đã phải luồn lách vì quán xá lấn chiếm, nay lại thêm mấy quầy bánh trung thu thi nhau dựng lên để bày bán.
Bà Kim Loan (Láng Hạ, Đống Đa) thường xuyên đưa đón đứa cháu đi học, cũng bức xúc: "Tôi thường đưa cháu đi bộ qua tuyến Nguyễn Chí Thanh, nhưng gần đây có quá nhiều kios bánh Trung thu, chiếm tới 2/3 diện tích vỉa hè khiến bà cháu tôi chẳng còn chỗ để đi bộ, đành đi xuống lòng đường. Nhiều hôm đường đông, xe máy, ô tô lao vù vù, vừa đi vừa run, không ít lần bị đâm hụt".
Bức xúc hơn, anh Trần Văn Thắng ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết hai quầy bánh dài tới 20m phía trước đã che kín cửa hàng từ giữa tháng 8 khiến công việc kinh doanh của anh ế ẩm.
Bánh làng nghề giữ giá
Mùa trung thu năm nay, trong khi các thương hiệu lớn đua nhau tăng thì các làng nghề làm bánh thủ công lại “co mình” giữ nguyên giá cũ.
Giá bánh trung thu các thương hiệu lớn đắt hơn năm ngoái, trong khi bánh gia công tại các làng nghề giữ giá (ảnh B.H) |
Chị Đỗ Thị Nhuận, chủ cửa hàng bánh trung thu Sinh Hùng (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội), cho hay, nhờ giá hợp lý nên năm nay, gia đình vẫn giữ chân được nhiều khách quen. Hai loại bánh hút khách nhất của Sinh Hùng là bánh thập cẩm 25.000 đồng/chiếc (150 gram), bánh thập cẩm khoai 30.000 đồng/chiếc (150 gram).
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đông (thôn Trung, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Trong thời buổi giá cả tăng cao, làng nghề chúng tôi vẫn quyết định giữ giá. Nơi mua nguyên liệu là những chỗ quen biết, có mối quan hệ từ chục năm nay nên chủ yếu giữ uy tín chứ không làm theo kiểu kiếm ăn theo thời thế”.
Tại thôn Đông, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, một nghệ nhân cũng tiết lộ, giá hầu hết các loại bánh vẫn ổn định, chỉ có một vài loại tăng 2%.
Ngược lại, phần nhiều các công ty, thương hiệu bánh lớn đều tăng giá. Chị Nguyễn Thị Hương Tiến (Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) chủ quầy bánh trung thu cạnh hồ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hài Nội) than phiền: “Các mặt hàng bánh trung thu của Kinh Đô, Hữu Nghị đều tăng từ 5-10%”.
Chẳng hạn, dòng sản phẩm cao cấp của Kinh Đô năm nay gồm 9 loại với giá từ 530.000-2,5 triệu đồng/hộp, có sản phẩm tăng 10% so với năm 2012. Nhiều sản phẩm bánh nướng truyền thống, bánh dẻo đều tăng từ 5-10%. Đơn cử như, bánh gà quay jumbon một trứng (150gram) từ 52.000 lên 57.000 đồng/chiếc, đậu xanh một trứng 38.000 lên 42.000 đồng/chiếc, đậu xanh hai trứng (210 gram) từ 60.000 lên 65.000 đồng/chiếc; hạt sen (125 gram) từ 35.000 lên 44.000 đồng/chiếc...
Trong khi đó, giá bánh tại các làng nghề ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm chỉ 20.000 đồng/chiếc với đậu xanh (150 gram), 25.000 đồng/chiếc với đậu xanh trứng (200 gram), bánh gà quay 30.000 đồng/chiếc, bánh đậu đỏ 20.000 đồng/chiếc, bánh nhân xen củ 25.000 đồng/chiếc...
Bảo Hân - Phạm Huyền