Dự án Khu đô thị Sing-Việt sau nhiều năm được chấp thuận đầu tư và qua nhiều lần “đổi chủ” vẫn giẫm chân tại chỗ.

15 năm chưa triển khai

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Sing-Việt có diện tích hơn 331 ha có chủ trương quy hoạch từ năm 1997.

Đến năm 2007, UBND TP đã ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất để giao cho Công ty Liên doanh đô thị Sing-Việt bao gồm các công ty Singapore cùng với Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao, khu liên hợp du lịch, thương mại và khu căn hộ để ở với đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD.

Đến ngày 9/5/2013, Công ty TNHH Đô thị Sing Việt đã nộp hồ sơ chính thức đề nghị được điều chỉnh tiến độ Dự án thành 5 giai đoạn.

Cụ thể, Giai đoạn I, thiết kế và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các tòa nhà chung cư cao tầng và thấp tầng, khách sạn, trung tâm hội nghị và trường học.

Tổng diện tích thực hiện Giai đoạn I là 55,97 ha, với 5.384 căn hộ, dự kiến sẽ hoàn thành việc thiết kế và xây dựng trong vòng 72 tháng.

{keywords}
Khu đô thị Sing Việt cả chục năm chưa triển khai.

Giai đoạn II, thiết kế và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, sân golf, câu lạc bộ golf, phòng dịch vụ và 72 căn bungalows (diện tích 76,86 ha). Dự kiến sẽ hoàn thành việc thiết kế và xây dựng trong vòng 48 tháng kể từ ngày được cơ quan thẩm quyền cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý để được phép khởi công.

Giai đoạn III, thiết kế và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các tòa nhà chung cư cao tầng, khách sạn, trung tâm hội nghị, trường học và cơ sở y tế. Tổng diện tích Giai đoạn III là 75,7 ha, với 8.701 căn hộ, dự kiến hoàn thành việc thiết kế xây dựng trong vòng 84 tháng.

Giai đoạn IV, thiết kế và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực đua ngựa và sân vận động (diện tích 73,82 ha). Dự kiến, hoàn thành việc thiết kế và xây dựng trong vòng 48 tháng.

Giai đoạn V, thiết kế và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các tòa nhà chung cư thấp tầng, trung tâm triển lãm và thương mại, khách sạn, trung tâm hội nghị, công trình văn hóa, siêu thị và trạm xe buýt. Diện tích sử dụng cho Giai đoạn V là 19,93 ha. Tiến độ thực hiện trong vòng 48 tháng.

Theo ông Chan Kong Tick, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đô thị Sing Việt, Công ty đã có Văn bản số 28-13/SVC ngày 7/5/2013 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xin ý kiến về hướng dẫn thủ tục cho thuê đất thực hiện Dự án theo từng giai đoạn nêu trên.

Ngoài ra, với hiện trạng bồi thường, bàn giao mặt bằng chậm như hiện nay, Công ty cũng đề xuất xin thuê đất xây dựng khu nhà ở chung cư lô C diện tích 6,72 ha (một phần đất của Giai đoạn 1) và toàn bộ Giai đoạn II (khu sân golf). Tuy nhiên, đến 8/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM chưa có ý kiến về vấn đề này.

Điều đáng nói từ khi có giấy chứng nhận đầu tư đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Lý giải về điều này, Công ty TNHH Đô thị Sing Việt cho rằng, nguyên nhân do còn 62 hộ dân có đất nông nghiệp thuần không đồng thuận nhận tiền và không bàn giao mặt bằng.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện Dự án vừa được Công ty TNHH Đô thị Sing Việt gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, tính đến hết tháng 6/2013, Công ty đã bồi thường trên 86% tổng diện tích đất của toàn Dự án, nhưng Dự án vẫn chưa thể triển khai.

Những lần cãi cọ

Không chỉ chậm trễ trong việc thực hiện dự án, những lùm xùm trong nội bộ liên doanh chủ đầu tư này cũng đã từng tốn không ít giấy mực của báo chí.

Năm 2007, phía Việt Nam (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh) rút khỏi liên doanh này, chỉ còn 4 công ty nước ngoài đầu tư vào dự án. Do đó đến ngày 28/11/2011, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất, thay đổi dự án Công ty Liên doanh đô thị Sing-Việt chuyển thành Công ty TNHH Đô thị Sing-Việt (Sing Viet City LTD), có 100% vốn nước ngoài, tiếp tục được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2008.

Ngày 1/12/2011, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ hai thì người đại diện Công ty Sing-Việt bị đổi từ người Singapore sang người Malaysia. Công ty thành viên là ST.Martin’s Properties (viết tắt SMP, công ty Singapore) khởi kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM cho rằng sự điều chỉnh này là bất hợp pháp vì không được sự đồng ý từ các công ty thành viên.

Ngày 29/8/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã thụ lý vụ án về việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư. Phía các công ty đầu tư yêu cầu tòa tuyên hủy các giấy chứng nhận đầu tư đã điều chỉnh; giữ nguyên tính hiệu lực của giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu; buộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM liên đới bồi thường 300 triệu USD cho phía các công ty chủ đầu tư. Trước đó, bản án hành chính sơ thẩm ngày 8/7/2013 của TAND TP HCM đã tuyên bác yêu cầu bên khởi kiện.

Ngày 30/10/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã xét xử phúc thẩm vụ án, do Thẩm phán Phạm Công Hùng làm chủ tọa. Tòa phúc thẩm nhận định: “Có một số nội dung trong hợp đồng ngày 30/11/2007 và biên bản ghi nhớ cần làm rõ như: “… số tiền 300.000 USD là phí tư vấn cho việc nộp và đạt được chấp thuận cho việc rút vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Chánh… đã trả 150.000 USD cho SMP để thanh toán chi phí này… chi các cơ quan Hà Nội 2,8 triệu USD…”.

Liên quan đến số tiền 2,8 triệu USD đây, mới đây trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết Ban Nội chính Trung ương sẽ vào cuộc và đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc xác minh, giải trình.

(Theo VTC)