Hiện nay theo Luật GTĐB, người điều khiển xe máy điện, xe máy có động cơ dưới 50 phân khối (cc) trở xuống không cần phải có bằng lái (GPLX). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định bắt buộc người điều khiển những loại xe trên phải có GPLX để bảo đảm ATGT.
Đa dạng các mẫu xe 50cc, xe máy điện
Tại Việt Nam hiện nay, những người sử dụng xe máy dưới 50cc hầu hết là học sinh độ tuổi từ 16 - 18 do có lợi thế khi điều khiển loại xe này không cần GPLX. Bên cạnh đó, các mẫu xe loại này có giá bán khá rẻ, chỉ từ khoảng 20 triệu đồng trở xuống. Tuy nhiên, số lượng các hãng xe tại Việt Nam bán loại xe này không nhiều, hiện chỉ có SYM và Kymco.
Theo khảo sát, SYM Việt Nam hiện phân phối 5 mẫu xe 50cc, có giá bán từ 14,99 - 21,69 triệu đồng. Bên cạnh đó, Kymco cũng phân phối 4 mẫu xe 50cc với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã, giá từ 15,49 - 23,79 triệu đồng. Các loại xe này bao gồm cả xe số đến xe tay ga.
Bên cạnh đó, ngoài các mẫu xe được phân phối chính hãng, người mua không khó để có thể tìm kiếm một mẫu xe 50cc thuộc các thương hiệu khác như Honda hay Yamaha nhưng hầu hết là xe nhập khẩu tư nhân, được bán tại các cửa hàng trên một vài tuyến phố chuyên kinh doanh xe máy nhập khẩu như Bà Triệu (Hà Nội).
Các mẫu xe này phổ biến như: Honda Cub 50cc, Honda Scoopy, Honda Giorno hay Yamaha Exciter 50cc của Trung Quốc.
Ngoài xe máy từ 50cc trở xuống, loại xe khác không cần có GPLX nhưng vẫn được điều khiển là xe đạp điện và xe máy điện. Bên cạnh xe đạp điện, xe máy điện Trung Quốc đã xuất hiện trên thị trường từ rất lâu, được nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh sử dụng, hiện nay các hãng xe mới cũng đưa ra thị trường nhiều mẫu xe máy điện mới như Pega hay VinFast Klara.
Đáng chú ý, mới đây tại Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về phương tiện giao thông, vận tải và công nghiệp hỗ trợ vừa diễn ra tại Hà Nội, hãng xe điện khá mới tới từ Hàn Quốc có tên MBI đã mang tới thăm dò ý kiến khách hàng 3 mẫu xe điện bao gồm X, S và V với giá từ khoảng 38 - 60 triệu đồng.
Dự kiến, 3 mẫu xe này sẽ được bán ra tại Việt Nam từ tháng 10/2019. Trong đó, mẫu xe MBI S dù là xe máy điện như có công suất lớn nhất lên tới 14,4 kW, cho phép chạy được tốc độ tối đa theo công bố lên tới 110 km/h và ở chế độ Eco (E) sử dụng đi trong thành phố, chiếc xe này chỉ mất 5 giây để tăng tốc tới 50 km/h. Tốc độ tối đa này ngang ngửa, thậm chí còn cao hơn so với nhiều loại xe máy có dung tích động cơ từ 50cc trở lên.
Bên cạnh đó, qua trải nghiệm thực tế với một vài loại xe máy điện hiện nay đang được nhiều học sinh độ tuổi từ 16 - 18 sử dụng như Giant hay Vespa (Trung Quốc) khi đi trong phố, công suất các loại xe này không lớn bằng xe máy thông thường nhưng tăng tốc không kém cạnh nhiều.
Thậm chí, ở những đoạn đường đông đúc, những chiếc xe máy điện còn tỏ ra có ưu thế khi luồn lách, vượt xe khác do có cấu tạo nhỏ gọn. Tuy nhiên, khi vượt, phải liên tục sử dụng còi báo hiệu cho xe phía trước để đảm bảo an toàn, bởi xe điện không tạo ra tiếng động khi tăng tốc như xe máy động cơ xăng thông thường.
Cần ít nhất một loại chứng chỉ lái xe
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay, tỷ lệ TNGT đối với người dưới 18 tuổi chiếm khoảng 7%. Trong số đó, có tới 90% là các trường hợp tự lái xe đạp, xe máy điện và xe máy có dung tích từ 50cc trở xuống.
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cần thiết phải có quy định yêu cầu người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện hay xe máy dưới 50cc phải có GPLX.
Vì thế, khi sửa đổi bổ sung Luật GTĐB sắp tới cần phải đưa vào quy định này. Có thể không cần GPLX đầy đủ như người trưởng thành nhưng ít nhất cũng phải là một loại chứng chỉ để đảm bảo các em từ 16 - 18 tuổi sử dụng các loại xe trên được học những kiến thức luật cơ bản, nhận diện các biển báo cơ bản và đặc biệt có những kỹ năng để tránh xe tải, xe buýt thế nào, đi làm sao cho an toàn,…
“Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa kiến nghị về việc người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện và xe máy dung tích từ 50cc trở xuống cần có GPLX. Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có đề xuất người sử dụng những loại xe này phải có GPLX”, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thêm.
Trao đổi với PV về đề xuất này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, đề xuất người điều khiển xe đạp, xe máy điện hay xe máy dưới 50cc (xe gắn máy) cũng cần phải có GPLX dựa trên tình hình thực tế.
Vừa qua, tình hình tai nạn đối với xe máy điện liên quan đến học sinh rất nhiều đã cho thấy sự cần thiết của việc quy định phải có GPLX hay chứng chỉ đối với người điều khiển các loại phương tiện này. “Nếu như môtô (xe máy động cơ trên 50cc) yêu cầu phải có GPLX trong khi cũng cùng một cái xe hai bánh như thế, cùng công suất động cơ điện tương đương khoảng trên 4 kW, tương đương mô tô lại không yêu cầu GPLX.
Hơn nữa, đối với xe gắn máy, trước khi có Luật GTĐB năm 2008 vẫn yêu cầu phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông. Tuy nhiên, sau này ra luật lại bỏ, không yêu cầu người điều khiển xe gắn máy phải có loại chứng chỉ này nên hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất người điều khiển xe gắn máy cần phải có chứng chỉ. Tương tự đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cũng cần phải có loại chứng chỉ này mới được điều khiển xe.
Để có được chứng chỉ này, bắt buộc phải học các kiến thức cơ bản để đảm bảo ATGT, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông mới được cấp chứng chỉ”, ông Thống cho biết.
Theo báo Giao thông
Ô tô bay hàng chục mét lên phà, tài xế thiệt mạng
Chiếc ô tô RV di chuyển ở tốc độ cao đâm vào bệ dốc ở bến phà rồi bay lên không trung và hạ cánh vào một con phà vừa rời bến, trước sự kinh hoàng của hành khách. Tài xế ô tô đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.