Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng trên toàn thị trường trong tháng 8 vừa qua đạt 21.483 xe, giảm 19% so với tháng 7 nhưng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số trên bao gồm 15.228 xe du lịch; 5.964 xe thương mại và 291 xe chuyên dụng. So với tháng 7, doanh số xe du lịch giảm mạnh tới 21%, xe thương mại giảm 12 % và xe chuyên dụng giảm 37% .
Đây là tháng thấp điểm của thị trường xe hơi Việt Nam khi rơi đúng vào tháng 7 âm lịch- khoảng thời gian người dân thường kiêng kỵ việc mua sắm. Do đó, con số tiêu thụ trên chỉ ngang với mức tiêu thụ xe của tháng 4 (21.042), cao hơn tháng 2 (12.447) do tháng 2 có ngày nghỉ Tết Âm lịch và thấp xa mức tiêu thụ xe tháng 1 và 3.
Mẫu MPV Mitsubishi Xpander là 1 trong2 mẫu có tăng trưởng trong tháng 7 âm lịch
|
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng doanh số bán hàng theo VAMA công bố đã đạt 202.567, vẫn tăng trưởng mạnh với mức tăng 20% so với cùng kì năm ngoái.
Mức tăng trưởng này có được là nhờ hoàn toàn vào phân khúc tiêu dùng xe ô tô du lịch tăng mạnh, lên tới 31% (với 147.778 xe) so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này đã bù cho sự đi xuống ở dòng xe thương mại giảm 1,6% và xe chuyên dụng giảm 28% so với cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, về cơ cấu thị trường, sự tăng trưởng doanh số trên là thuộc về xe ngoại thay vì xe nội. Minh chứng là, xe lắp ráp sản xuất của các doanh nghiệp ô tô thuộc VAMA ngày càng đi xuống trong khi phần xe ngoại ngày càng lấn át.
Cụ thể, trong tháng 8, sản lượng của xe lắp ráp trong nước của các thành viên VAMA chỉ đạt 12.594 xe, giảm 18% so với tháng trước. Số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.889 xe, giảm 22% so với tháng trước.
Tính chung 8 tháng đầu năm, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 119.744, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện chiếm 59% thị phần. Trong khi đó, xe nhập khẩu đã tăng tốc tiêu thụ tới 82.823 chiếc, tăng 178% so với cùng kì năm ngoái và chiếm 41% thị phần. Con số này phản ánh tình trạng thu hẹp sản xuất, đẩy mạnh nhập khẩu của nhiều hãng xe liên doanh tại Việt Nam.
Tương quan sản lượng tiêu thụ giữa xe nhập khẩu (CBU) và xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD) (ảnh: VAMA) |
Trong bối cảnh chung này, TOP 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường đa số giảm như Toyota Vios, Ford Ranger, Mazda3, Hyundai Accent, Hyundai Grand i10, Kia Morning, Toyota Innova và Honda City. Chỉ có 2 mẫu xe lội ngược dòng tăng lên là mẫu MPV nhập khẩu Mitsubishi Xpander và xe lắp ráp Kia Cerato.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, mặc dù tháng 8 tiêu thụ xe ô tô có sự chùng xuống do tâm lý không mua sắm tài sản lớn trong tháng 7, nhưng các hãng xe đều đang dồn lực cho sản xuất và nhập khẩu để đón đợt mua sắm cuối năm.
Hiện nay, thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu và sản xuất trong nước đang dồi dào. Sản xuất trong nước cũng tăng nhanh khi Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã hoàn tất quá trình đầu tư và cho ra những sản phẩm đầu tiên, Thaco và Thành Công ngày một củng cố vị trí dẫn đầu thị trường với hàng loạt sản phẩm mới lắp ráp trong nước ra mắt.
Dự báo, sang quý 4, thị trường ô tô sẽ ổn định để đón dịp cao điểm mua sắm ô tô cuối năm, báo cáo của Bộ Công Thương nêu.
Theo số liệu đầy đủ từ Bộ Công Thương, đã bao gồm các doanh nghiệp không phải là thành viên VAMA như TC Motor, Vinfast hay thành viên VAMA nhưng không cung cấp số liệu tới Hiệp hội như Mercedes- Benz, sản lượng sản xuất ô tô tháng 8 vừa qua đạt con số đạt 30,4 nghìn chiếc, giảm 3,7% so với tháng trước và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô cả nước ước đạt 215,6 nghìn chiếc, tăng 10,7% so với cùng kỳ. |
Phạm Huyền
Hàng loạt hãng ô tô giảm sản xuất, tăng nhập khẩu, Bộ lo méo mặt
Chạy theo lợi nhuận khi thuế trong ASEAN về 0%, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đã thu hẹp sản xuất, tăng nhập khẩu. Kỳ vọng phát triển nền sản xuất ô tô Việt Nam đang thực sự đầy khó khăn.