Giữa trưa nắng mà anh Trần Văn Quyết (phố Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) vẫn có cảm giác ngửi thấy mùi ẩm mốc mặc dù chiếc Mazda đời 2004 thường đỗ ngoài trời suốt nhiều ngày nóng đỉnh điểm. Mặc dù bên ngoài nhiệt độ lên cao, có thời điểm tới 41 độ C, bên trong hơi lạnh điều hòa tỏa ra từ chiếc xe trên 15 năm tuổi vẫn khiến anh cảm thấy hơi rét ở chế độ lạnh sâu, chứng tỏ hệ thống điều hòa vẫn hoạt động ổn định.
Nghi ngờ có thể xe bị “dột” và quá trình để ngoài trời khiến nước mưa tích tụ, gây ẩm mốc. Anh Quyết dò tìm từng vị trí trần xe, sau chỗ để hành lý…nhưng không có dấu hiệu tụ nước. Bất ngờ khi lật tấm thảm chùi chân bằng cao su ở ghế lái bên phụ, mùi ẩm sộc lên mạnh hơn và đập vào mắt anh là một khoảng lớn sàn bọc nỉ đẫm nước.
Nước thải điều hòa chạy ngược vào trong xe, thấm đẫm dưới sàn |
Sau khi đem xe đến gara ô tô quen để kiểm tra, được thợ tháo tung cốp trước, các tấm ốp sàn thì anh Quyết mới tận mắt thấy nước chảy thành dòng xuống chỗ để chân khi bật điều hòa. Vì không phát hiện sớm và để tình trạng ẩm ướt kéo dài nên tấm kim loại làm đế chứa hộp đen ô tô đã gỉ hết toàn bộ phần mặt tiếp xúc sàn xe.
Chủ gara còn nói đùa rằng, may mũi anh Quyết thính mới nhận biết sự khác biệt mà đem xe đi kiểm tra, nếu để nước điều hòa chảy lâu, ngấm vào hộp đen thì thay mới cũng 12 đến 14 triệu đồng. Quá tốn kém cho một chiếc xe đời cũ có giá chỉ khoảng 180 triệu đồng hiện nay như Mazda Premacy.
Trường hợp của anh Quyết được thợ khắc phục khá nhanh bằng việc kích gầm xe, sau đó tiến hành vệ sinh thông tắc ở ống cao su thoát nhước xuống gầm xe. Đồng thời người thợ cũng tiến hành kiểm tra dàn lạnh xe có dị vật hay bụi bẩn két dày hay không để vệ sinh. Thời gian chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ và tiền công là 200.000 đồng.
Sơ đồ hệ thống điều hòa trên ô tô |
Không đơn giản như anh Quyết, chiếc Mitsubishi Zinger đời 2005 của anh Nguyễn Quốc Tuấn (phố Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) cũng bị chảy nước vào sàn xe, nhưng đã vệ sinh đường thoát nước vẫn không hết.
Anh Tuấn đành đem xe đến một địa chỉ khác và người thợ kiểm tra cho rằng cần phải để xe lại kiểm tra kỹ hơn. Nguyên nhân cuối cùng được xác định là hộp chứa dàn bốc hơi bị hở, phải chét keo lắp lại.
Theo anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (phố Lạc Nghiệp, Hà Nội) thì “bệnh” điều hòa chảy nước bên trong ô tô rất hay gặp trên ô tô sau một thời gian dài sử dụng, nhất là ô tô cũ.
Anh Nhân chia sẻ: “Ở ô tô, khi không khí khi đi qua dàn bốc hơi sẽ được làm mát xuống nhiệt độ thấp và khi đó, một phần hơi nước trong không khí sẽ ngưng tụ, đọng lại trong hộp chứa dàn bốc hơi. Để cho nước ngưng tụ của máy lạnh ô tô không bị tràn, chảy vào trong xe, phần bên dưới của hộp chứa dàn bốc hơi thường được thiết kế giống như một khay hứng có vòi cao su đi xuyên qua lỗ ở vách trước, dẫn nước ra ngoài xe. Theo thời gian, ống này có thể mọc rêu, bị bám bụi bẩn gây tắc dẫn đến nước thoát trào ngược vào xe. Ngoài ra hộp chứa không kín do vỡ, tuột ống thoát hoặc lắp lỏng cũng khiến nước bị tràn ngược”.
Sàn để chân bên phụ mốc thếch vì nước điều hòa đọng |
Khi lật thảm sàn lên mới thấy nước đọng lâu ngày dẫn tới gỉ các chi tiết sắt, có nguy cơ ảnh hưởng đến hộp đen ô tô thường được đặt ở dưới cốp bên phụ |
Ngoài việc vệ sinh đường ống thoát nước hay kiểm tra hộp chứa dàn bốc hơi, theo định kỳ, thường là khoảng 5.000 km cần kiểm tra lọc gió dù nhà sản xuất khuyến cáo thay thế bộ phận này sau 20.000 km, nhưng với điều kiện môi trường nóng ẩm và nhiều bụi như Việt Nam thì kiểm tra sớm là cần thiết. Lọc gió sạch giúp giàn lạnh không bị bẩn hoặc vướng dị vật, giúp quá trình bốc hơi lạnh ổn định hơn.
Đối với những xe đời cũ không có lọc gió điều hòa như Mazda Premacy, anh Nhân khuyên nên áp dụng kiểm tra theo khoảng cách 5.000 km và vệ sinh dàn lạnh bằng các dung dịch chuyên dụng nếu bộ phận này quá bẩn.
Các chuyên gia kỹ thuật ô tô cũng khuyến cáo, vào những ngày nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt, điều hoà trên các ô tô cũ rất hỏng hóc. Do đó, các chủ xe nên cẩn trọng và chủ động thực hiện kiểm tra bảo dưỡng xe để tránh những phát sinh phiền phức.
Đình Quý
Những bộ phận của ô tô cần 'chăm sóc đặc biệt' trong ngày nóng
Bình ắc quy có thể "chết" đột ngột vì nhiệt độ quá cao là một trong những bộ phận cần lưu ý cho chiếc xe của bạn hoạt động trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm.