Đồ chơi, phụ kiện ô tô ngày càng được nhiều tài xế gắn thêm trên xe với những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, không phải phụ kiện nào cũng được chấp nhận khi đưa xe đi đăng kiểm. Dưới đây là một số phụ kiện như vậy:
Giá nóc
Giá nóc là phụ kiện thường được gắn trên các loại xe SUV, xe bán tải, thậm chí cả một số mẫu hatchback. Ngoài chức năng chính là chở thêm đồ đạc cồng kềnh trên xe, giá nóc còn khiến chiếc xe trông có vẻ “ngầu” hơn.
Giá nóc khiến chiếc xe tăng thêm chiều cao đáng kể, đồng thời làm thay đổi trọng tâm xe khi di chuyển trên đường. |
Tuy nhiên, việc chiếc xe lắp giá nóc sẽ khiến chiều cao của chiếc xe bị tăng lên đáng kể, đồng thời nếu chở đồ trên giá nóc còn làm trọng tâm chiếc xe thay đổi, dẫn tới không an toàn khi lưu thông trên đường.
Việc tự ý trang bị giá nóc không theo nguyên bản của nhà sản xuất sẽ có thể không được đăng kiểm. Cụ thể, theo tiêu chuẩn hiện hành, nếu xe lắp thêm các phụ kiện như cản trước, cản sau hay giá nóc vượt quá kích thước hiện trạng của xe lần lượt dài-rộng-cao là 4-3-4 cm sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Cản kim loại
Cản kim loại được nhiều chủ xe địa hình, SUV hoặc bán tải lắp thêm để tăng độ cứng cáp cho phần đầu và đuôi của chiếc xe. Ngoài ra, một số lái xe cẩn thận cũng có thể lắp thêm cản kim loại nhằm mục đích bảo vệ lớp sơn của xe khỏi nhưng va quệt, đâm đụng trên đường. Điều này còn rất thường thấy ở các xe taxi hiện nay.
Xe lắp cản kim loại, giá nóc cũng không được đăng kiểm |
Tương tự như giá nóc, cản kim loại cũng là phụ kiện không được lắp thêm vượt quá 4cm. Đồng thời khi lắp thêm cản kim loại sẽ bị từ chối khi đi đăng kiểm.
Việc lắp các loại cản kim loại tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra có ảnh hưởng lớn đến các phương tiện giao thông khác bởi phụ kiện này có độ cứng cao sẽ gây nguy hiểm khi đâm đụng.
Không những vậy, đối với những vụ va chạm mạnh, cản xe còn có thể khiến hệ thống cảm biến túi khí trên chính chiếc xe đó mất tác dụng, gây nguy hiểm cho lái xe.
Ống thở lấy gió
Ống thở giúp nâng cao khả năng lội nước của xe |
Ống thở là phụ kiện được nhiều chủ xe lắp trên những chiếc bán tải, thậm chí cả SUV khi đi địa hình. Bộ phận này giúpnối dài và nâng cao cổ hút lấy gió thêm khoảng 1 mét so với thiết kế ban đầu, khiến những chiếc xe địa hình có khả năng lội nước sâu mà không sợ bị chết máy hay thuỷ kích.
Đồng thời, ống thở vắt lên cao còn giúp chiếc xe trông có vẻ “off-road” hơn. Tuy vậy, đây là phụ kiện không được cơ quan đăng kiểm chấp nhận do làm thay đổi kết cấu ban đầu của chiếc xe.
Lốp sai kích cỡ
Lốp xe là chi tiết tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, truyền lực kéo giúp xe di chuyển và hãm tốc khi phanh. Khi vận hành, chi tiết này chịu tải trọng, ma sát, mài mòn, nhiệt độ cao và áp suất cao.
Thay đổi kích cỡ lốp khiến hệ thống lái ít nhiều bị ảnh hưởng |
Nhiều người mong muốn chiếc xe của mình được khoẻ khoắn, cao ráo thường “độ” la-zăng và lốp của xe sang cỡ lớn hơn. Tuy nhiên điều này sẽ khiến hệ thống lái bị ảnh hưởng ít nhiều, thông số về tốc độ trên đồng hồ cũng bị sai lệch.
Việc “độ” lốp sai kích cỡ cũng không được cơ quan đăng kiểm chấp nhận, họ chỉ đồng ý đăng kiểm đúng loại lốp được ghi trên thông số kỹ thuật ban đầu của nhà sản xuất mà thôi.
Đồng thời, việc “độ” lốp ô tô khi ra đường có thể bị cảnh sát giao thông xử phạt. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành viđiều khiển xe không lắp đủ bánh lốp hoặc lắp bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuậtbị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Đèn Led bar
Tự ý thay đổi đèn xe, lắp thêm đèn Led, xenon, đèn nóc, đèn xung quanh xe,… không có trong thiết kế của nhà sản xuất là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và không được phép đăng ký đăng kiểm.
Việc lắp thêm các dải đèn Led bar có thể khiến các phương tiện giao thông khác bị chói mắt, rất nguy hiểm |
Trên thực tế, nhiều tài xế cố tình “độ” thêm các thanh đèn Led (Led bar) giúp tăng độ chiếu sáng, nhưng phụ kiện này có thể gây chói mắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn cho các phương tiện giao thông khác, do vậy đã bị cấm và không được đăng kiểm.
Hành vi lắp thêm các đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe,... không đúng theo thiết kế có thể bị Cảnh sát giao thông xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Ngoài những phụ kiện trên, còn một số phụ kiện khác cũng không được cơ quan đăng kiểm chấp nhận như: Lắp thêm hàng ghế sau đối với xe VAN; lắp thêm cao su giảm chấn lò xo; xe kinh doanh vận tải không có hộp đen; dán decal làm thay đổi màu xe,…
Tuy nhiên, những đồ chơi, phụ kiện không có trong thiết kế ban đầu của nhà sản xuất nhưng không làm thay đổi về kết cấu, tính năng vận hành của xe thì vẫn được cơ quan đăng kiểm chấp nhận.
Một số phụ kiện có thể nâng cấp trên xe như: camera lùi, cảm biến, bộ cảnh báo áp suất lốp, camera hành trình, màn hình, hệ thống âm thanh, đèn pha thay đổi từ nguyên bản sang dạng Led hay Projector nhưng vẫn đảm bảo quy chuẩn về ánh sáng...
Hoàng Hiệp
Trân trọng mời bạn đọc cộng tác gửi tin bài, video về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
5 vị trí “tố cáo” chiếc xe từng bị tai nạn
Nhờ công nghệ “tút tát”, những chiếc xe ô tô từng bị đâm đụng, tai nạn dễ dàng được phù phép gần như nguyên bản. Tuy nhiên, dù có làm kỹ đến đâu thì vẫn có một số bộ phận rất khó có thể làm mới được.