Rửa xe ít tốt hơn rửa nhiều
Anh Nguyễn Xuân Nam (38 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đang sử dụng một chiếc xe cũ gần 10 năm tuổi. Cách đây không lâu, anh Nam đi đến một gara để kiểm tra thì phát hiện khu vực gầm xe có khá nhiều vết mục mọt, gỉ sét, nhất là tại các hốc bánh xe. Các chuyên viên kỹ thuật nhận định, những vết gỉ sét này có thể do nước đọng lâu ngày dẫn tới ăn mòn kim loại.
Phần gầm chiếc xe có nhiều vết gỉ sét, nguyên nhân được cho là do bị đọng nước do thói quen rửa xe. |
Anh Nam cho biết, mình vốn kỹ tính nên cứ cuối tuần là lại mang xe đi rửa. Tuy nhiên, anh lại thường rửa ô tô ngay sát bãi gửi xe, sau đó đi cất xe luôn. Chính vì thói quen đó, nhiều vị trí trên xe chưa được làm khô triệt để gây đọng nước, lâu ngày gây ra gỉ sét.
Theo các chuyên gia, việc rửa xe cũng đòi hỏi phải có hiểu biết và kinh nghiệm. Trong đó, rửa “đúng nơi, đúng lúc” là rất quan trọng. Không có bất cứ một công thức cứng nào cho tần suất của việc rửa xe vì điều này còn phụ thuộc vào thói quen sử dụng, điều kiện vận hành thực tế và môi trường “sống” của chiếc xe.
Một chiếc ô tô đi nhiều ở những cung đường nhiều sỏi đá, bùn đất sẽ phải rửa nhiều hơn xe di chuyển trong thành phố. Xe thường xuyên để ngoài trời, tiếp xúc với mưa nắng, bụi bẩn, lá cây, thậm chí cả phân chim sẽ cần chăm sóc kỹ hơn một chiếc xe quanh năm để dưới hầm,…
Phần đông chủ xe có thói quen "cứ bẩn là rửa". (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia ô tô Trần Anh cho rằng, đối với ô tô, rửa xe ít nhưng kỹ lưỡng sẽ tốt hơn là rửa nhiều. Những trường hợp cần thiết phải rửa xe ngay như khi mới đi trời mưa về, xe dính quá nhiều bùn đất, rơm rạ hoặc xe đi ở những nơi có nhiều muối như các khu vực bãi biển,...
Vị chuyên gia này nhận định, nếu rửa xe thường xuyên mà không sạch tới được những ngóc ngách và nhất là không được làm khô đúng cách sẽ rất dễ khiến xe bị đọng nước, có thể dẫn đến gỉ sét thân vỏ, ảnh hưởng đến cả gầm và hệ thống phanh.
“Tôi từng chứng kiến nhiều chiếc xe bị mục mọt ở những ngóc ngách do chủ xe chăm rửa quá. Nếu chiếc xe chỉ có bụi bẩn thông thường thì không nhất thiết phải mang xe đi rửa mà có thể chỉ cần lấy chổi mềm phủi đi là được’, ông Trần Anh chia sẻ.
Nhiều chủ xe có thói quen là khi đi xa về sẽ rửa ô tô sạch sẽ rồi đem cất (giống trường hợp như anh Nguyễn Xuân Nam ở trên). Tuy vậy, các chuyên gia giàu kinh nghiệm có một lưu ý là nên hạn chế để xe một chỗ ngay sau khi rửa mà cần đi lại, di chuyển để chiếc xe khô hoàn toàn rồi mới đem cất.
Rửa phải đi kèm với chăm sóc xe
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, dịch vụ rửa xe tại các thành phố lớn như Hà Nội hiện nay mọc lên như nấm. Từ rửa xe hút bụi bình dân tại vỉa hè với giá 50-60 nghìn đồng, đến các dịch vụ rửa và chăm sóc xe cao cấp với mức giá lên tới 200-300 nghìn đồng.
Theo một số chuyên gia, việc rửa xe là quá trình lý-hoá, không đơn giản chỉ là phun nước vào để bụi bẩn trôi đi mà rửa xe cần có những quy trình nghiêm ngặt để bảo vệ lớp sơn và các bộ phận trên xe như kính, gương, lốp xe, nội thất,...
Nước được rửa xe phải là nước sạch, không có tính axit hay kiềm để tránh gây ăn mòn. Còn dung dịch tẩy rửa (xà phòng, bọt tuyết,…) phải đảm bảo độ sạch nhưng không làm hại đến lớp sơn của xe.
Với các địa chỉ rửa xe tại vỉa hè, bãi gửi xe với giá rẻ thì nguồn nước hoặc dung dịch tẩy rửa khó đảm bảo được chất lượng. Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nên tới những trung tâm chăm sóc xe uy tín, có dịch vụ tốt, đội thợ tỉ mỉ và cẩn thận để chăm sóc chiếc xe của mình.
Đánh bóng xe không chỉ xóa những vết bẩn, xước dăm trên bề mặt sơn mà còn giúp dễ dàng lau sạch khi bị bụi bám. (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Ngoài làm sạch đơn thuần, chiếc xe của chúng ta cũng rất cần được chăm sóc định kỳ cả ngoại và nội thất để có được trạng thái bền-đẹp nhất. Theo đó, một năm bạn nên dành 1-2 lần đi đánh bóng lại xe bằng chất chuyên dụng để chiếc xe có lớp sơn sáng bóng.
Song song với đó, phần nội thất cũng phải được chăm sóc định kỳ. Đối với bề mặt da và nhựa trên xe cần phải được làm sạch sâu, dưỡng bằng hoá chất phù hợp, đặc biệt với những xe thường xuyên tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, bụi bẩn, dầu mỡ,...
Cuối cùng, các chuyên gia vẫn cho rằng, chỉ nên rửa xe khi cần thiết và chăm sóc xe định kỳ tại những trung tâm uy tín. Cách tốt nhất là nên hàng ngày kiểm tra, chăm sóc, dọn dẹp sạch sẽ ô tô của mình ngay tại nhà thay vì thường xuyên phải mang xe đi rửa và “ỉ lại” vào các trung tâm chăm sóc xe.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Bọc vô lăng ô tô 5 năm, chủ xe xót xa hối hận
Nếu không vệ sinh và chăm sóc bọc vô lăng đúng cách, bạn có thể sẽ gặp phải những rủi ro không ngờ tới, có thể làm hỏng cả chiếc vô lăng nguyên bản của xe.