Thi hành án “bỏ quên” 2 nguồn phóng xạ cực kỳ nguy hiểm

Mới đây, công ty TNHH bệnh viện đa khoa Phú Thọ có đơn kêu cứu, khiếu nại đến nhiều cơ quan Trung ương và địa phương liên quan đến việc thi hành án, đấu giá tài sản là bệnh viện để trả khoản nợ ngân hàng.

Hiện đơn khiếu nại của bệnh viện đang được nhiều cơ quan xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

{keywords}
2 nguồn phóng xạ đang lưu giữ tại cơ sở trước đây là bệnh viện đa khoa Phú Thọ được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ

Theo hồ sơ, bệnh viện Phú Thọ có khoản vay và mất khả năng chi trả tại ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là ngân hàng Sacombank). Vụ việc phải đưa nhau ra toà, kết cục TAND TP.HCM tuyên phía bệnh viện đa khoa Phú Thọ phải thanh toán cho ngân hàng Phương Nam hơn 192 tỷ đồng, gồm tiền gốc và lãi.

Sau đó Cục Thi hành án dân sự (THA DS) TP.HCM phát mãi tài sản đảm bảo thi hành án là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở địa chỉ 298 đường Độc Lập, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, vốn là bệnh viện Phú Thọ. Công ty đấu giá Hợp danh Miền Nam (trụ sở Q.5) chủ trì đấu giá, còn công ty CP thẩm định giá E Xim (tức Exima) là đơn vị thẩm định giá.

Kết quả phiên đấu giá diễn ra cuối tháng 3/2019 vừa qua, người trúng đấu giá khối tài sản là hơn 273 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý trong vụ kêu cứu của bệnh viện Phú Thọ là 2 máy xạ trị nhập từ Pháp và Hà Lan, tổng giá trị 29 tỷ đồng. Đây là 2 máy xạ trị có nguồn nguy hiểm cao độ, được Bộ trưởng Bộ KH&CN, Cục trưởng cục an toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép cho bệnh viện Phú Thọ để điều trị bệnh nhân ung thư. Giấy phép được cấp có quy định điều kiện sử dụng nguồn phóng xạ nguy hiểm hết sức nghiêm ngặt.

Do đó, bệnh viện Phú Thọ lo ngại khi thi hành án 2 nguồn phòng xạ nguy hiểm cao độ. Số tài sản này không thể dịch chuyển một cách tuỳ tiện, nếu có sai sót phá vỡ niêm phong chì là hậu quả khôn lường.

Diễn biến cuối tháng 7/2019, Sở KH&CN, Cục an toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) đã làm việc với phía bệnh viện để nắm tình hình, kiểm tra 2 nguồn phóng xạ. Tiếp đó, đầu tháng 8/2019, bệnh viện nhận được công văn phúc đáp của Cục an toàn bức xạ và hạt nhân. Ngoài ra các đơn vị này cũng có công văn gửi Cục THA DS TP.HCM.

Các văn bản đều nói rõ, các nguồn phóng xạ nêu trên có hoạt độ cao, có thể gây nguy hiểm cho con người và môi trường nếu không được đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Khi chưa có kế hoạch, phương án di chuyển, giấy phép từ Cục, các bên liên quan không được chuyển giao, dịch chuyển ra khỏi khu vực đang lưu giữ; đồng thời giao Viện hạt nhân Đà Lạt tiến hành khảo sát nghiên cứu trình phương án cho Cục.

Dù các cơ quan chuyên ngành chưa có biện pháp an toàn đối với 2 nguồn phóng xạ nguy hiểm này nhưng hiện Cục THA DS TP.HCM đang vội vàng triển khai việc THA.

Bất thường trong phiên đấu giá tài sản

Trong các đơn kêu cứu, khiếu nại của Bệnh viện Phú Thọ ngoài việc trình báo về 2 nguồn phóng xạ, nếu tùy tiện di dời sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng, đơn vị này còn chỉ ra nhiều bất thường trong việc đấu giá thi hành án.

Phía bệnh viện nêu rõ có nhiều sai sót của chấp hành viên, cũng như nghi ngờ các đơn vị tham gia thẩm định giá, chủ trì đấu giá cấu cấu kết để o ép doanh nghiệp bán rẻ tài sản.

{keywords}
Bệnh viện đa khoa Phú Thọ

Cụ thể, khi kê biên tài sản THA, chấp hành viên đã “bỏ quên” một số tài sản quan trọng, đơn cử là 2 máy xạ trị nguy hiểm và tầng thượng của toà nhà bệnh viện, khiến đối tượng bị THA bị thiệt hại.

Ngoài ra, nhiều năm trước, đơn vị thẩm định giá, là công ty E Xim định giá khối tài sản bị THA của bệnh viện Phú Thọ là 450 tỷ đồng. Phía bệnh viện Phú Thọ cho rằng, toàn bộ tài sản ước tính khoảng 900 tỷ đồng; thậm chí bệnh viện đã ngừng hoạt động nhưng thời điểm đó họ chào bán ra ngoài thị trường để thăm dò, giá cũng hơn 800 tỷ đồng.

Nhưng mới đây khi THA, Cục THA DS TP.HCM đã sử dụng kết quả thẩm định giá từ 5 năm trước. Khi phiên đấu giá diễn ra và người trúng đấu giá nhận tài sản, giá trị bệnh viện Phú Thọ 'teo lại' chỉ còn hơn 273 tỷ đồng.

Dù phía bệnh viện Phú Thọ liên tục gửi đơn kêu cứu, khiếu nại và hiện các cơ quan liên quan đang xem xét, xử lý...nhưng cơ quan THA vẫn cương quyết cưỡng chế thi hành vào ngày 15/8 tới đây. 

Đáng nói hơn 2 nguồn phóng xạ nguy hiểm khi có sai sót, thất thoát ra cộng đồng thì hậu quả sẽ như thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Hàng tấn thiết bị ngăn phóng xạ phát tán bị mất trộm

Hàng tấn thiết bị ngăn phóng xạ phát tán bị mất trộm

Chiều nay, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã có thông tin ban đầu về vụ nhiều tấn gạch chì làm thiết bị ngăn phóng xạ phát tán bị mất trộm gây xôn xao dư luận.

 

Trang Nguyên