Tại phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí, luật sư Hoàng Văn Hướng hỏi nội dung liên quan đến tin nhắn giữa bị cáo Hoài với ông Trần Đức Quý.
Bị cáo Hoài thừa nhận nội dung tin nhắn do bị gây khó khăn trong quá trình chấm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở địa phương này.
Luật sư Hoàng Văn Hướng hỏi: Trong tài liệu điều tra, thu thập tài liệu tin nhắn của bị cáo vào ngày 10/7/2018 có ký hiệu “Q”, đề nghị bị cáo Hoài giải thích rõ ký hiệu “Q” là ai. Liệu có phải là viết tắt tên ông Quý (Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang)?
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng phòng Khảo thí |
Đại diện VKS công bố nội dung tin nhắn bị cáo gửi người tên Q: “Em báo cáo anh hai việc, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả giữ liệu trên phần mềm quản lý thi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD gửi anh Sử giữ. Hai, việc Lương chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị chấm bài thi về sở theo điều 26 của quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ là phó chủ tịch hội đồng thi và trưởng ban thư ký, xong thầy Trình, thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm, có gì anh xem giúp em”. Người tên Q nhắn lại Ok.
Đến đây, bị cáo thừa nhận người tên Q trong tin nhắn là ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Luật sư tiếp tục hỏi, việc "chị Chính", "ông Sử" gây khó khăn được hiểu như thế nào? Bị cáo Hoài trả lời, theo điều 26 của quy chế thi, bài thi môn trắc nghiệm sau khi chấm xong phải chuyển về Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
HĐXX tiếp tục làm rõ nội dung "Thầy Sử, cô Chính gây khó khăn như thế nào, thời điểm nào và cách thức ra sao?"
Bị cáo đáp: tại các cuộc họp từ ngày 8-10/7/2018, thầy Sử, cô Chính đều "ép chúng tôi vi phạm quy chế thi" vì chuyển bài thi trắc nghiệm hôm 7/7/2018 về Sở GD&ĐT.
Dẫn giải Nguyễn Thanh Hoài vào phòng xét xử |
Cũng trong phần xét hỏi của mình, Luật sư Hướng nêu thêm trong cáo trạng thân chủ của ông (tức bà Triệu Thị Chính – PV) đã nhờ ông Hoài nâng điểm thi cho 12 người, sau thêm 1 người nữa là 13 người, nhưng theo diễn biến phiên tòa từ hôm qua đến nay, danh sách đó không nguyên vẹn vì có đến 3 trường hợp mà ông Hoài từng trả lời là của ông Quý, con ông Khuông và trường hợp con của Trưởng phòng tổ chức của Sở giáo dục.
Luật sư Hướng đề nghị ông Hoài khẳng định lại danh sách bị cáo này đã nhận lại là 9 người, 12 người hay 13 người?.
Bị cáo Hoài khẳng định: danh sách bà Chính đưa cho ông có 13 thí sinh được đánh máy. Khi đưa bà Chính có nói là nâng điểm cho 12 trường hợp còn 1 trường hợp là xem điểm.
Nâng điểm thi vì tình cảm chứ không vụ lợi
HĐXX xét hỏi bị cáo Hoài về động cơ, mục đích khi đưa cho bị cáo Lương danh sách 93 thí sinh nhờ can thiệp nâng điểm thi môn trắc nghiệm.
Bị cáo Hoài khẳng định việc nhờ nâng điểm trên hoàn toàn do tình cảm đồng nghiệp, thân quen chứ không có động cơ vụ lợi.
Ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang thời điểm họp báo công bố thông tin vụ tiêu cực điểm thi THPT Quốc gia 2018 |
Giải thích sự việc tối 17/8/2018, Lương đến nhà Hoài và Hoài đã nói với Lương "cứ lôi chị Chính vào cuộc", bị cáo Hoài thừa nhận có nói với Lương như vậy.
"Điều đó có 2 ý là: Bị cáo Triệu Thị Chính với tư cách là thanh tra giám sát quá trình chấm thi môn tự luận để xảy ra sửa điểm thì phải chịu trách nhiệm một phần; bị cáo Chính cũng đưa cho bị cáo 13 danh sách thí sinh (12 thí sinh nhờ nâng điểm môn tự luận, 1 thí sinh nhờ xem điểm) thì cùng giống như bị cáo đưa danh sách 93 thí sinh cho bị cáo Lương nhờ nâng điểm môn trắc nghiệm nên cũng phải "chịu tội" như bị cáo", Hoài nói.
Luật sư Hoàng Văn Doãn (VP Luật sư Hoàng Hưng) đặt câu hỏi: Bị cáo có khẳng định sửa, nâng điểm bài thi môn tự luận không?
Bị cáo Hoài khai: Trong quá trình chấm thi môn tự luận, theo quy chế phải chấm chung ít nhất 10 bài thi, chúng tôi tổ chức chấm chung 30 bài thi để thống nhất cách chấm theo hướng dẫn chấm và biểu điểm. Trong 30 bài thi này thì 38 người trong hội đồng chấm thi đều chấm và đều xác nhận trên bài thi, sau đó có biên bản thống nhất cách chấm và biểu điểm. Những bài chấm chung không nâng điểm được.
Chấm chung thì không thể nâng điểm được, vậy bị cáo làm được gì mà nhận lời nâng điểm cho 12 thí sinh như bị cáo khai? - Luật sư Doãn hỏi tiếp.
"Khi nhận danh sách 12 thí sinh nhờ nâng điểm môn tự luận từ bị cáo Chính, bị cáo nghĩ đến các phương án: thứ nhất thí sinh bỏ giấy trắng thì không nâng điểm được, vì nếu nâng điểm thì nâng theo từng ý trong bài; bài thi chấm chung thì không nâng được; điểm bài thi của thí sinh đạt điểm theo yêu cầu thì cũng không tiến hành can thiệp nâng điểm.
Chỉ nâng được điểm thi môn tự luận nếu bài thi của thí sinh đó không nằm trong số bài chấm thi chung. Hoặc sau khi ghép phách mới biết môn thi tự luận của thí sinh được bao nhiêu điểm mới tiến hành nâng, nhưng trên thực tế chưa nâng bài thi nào" - bị cáo Hoài khai.
Bị cáo Hoài khẳng định trước HĐXX chưa từng nâng điểm môn thi tự luận ở bất cứ kỳ thi nào trước đó.
Con của nguyên Bí thư Triệu Tài Vinh được nhờ nâng điểm như thế nào?
Cựu PGĐ Sở GD-ĐT Triệu Thị Chính đưa mảnh giấy có tên 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài để nâng điểm. Con của ông Triệu Tài Vinh đứng ở thứ tự đầu tiên.
Thái Bình