Chiều 9/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho 6 bị cáo nói lời sau cùng sau hai ngày xét xử.
Trong suốt quá trình xét hỏi và tranh luận, bị cáo Lê Đình Công vẫn cho rằng mình không bàn bạc, giao nhiệm vụ cho các bị cáo khác.
Công cũng phủ nhận không tham gia ba cuộc họp ở nhà bố đẻ là ông Lê Đình Kình, không chống đối cảnh sát. Bởi vậy bị cáo Công mong được hưởng khoan hồng, nhận mức án tốt nhất.
Đến lượt Bùi Viết Hiểu nói lời sau cùng, Hiểu cúi đầu nói, bị cáo hai lần bị thương nên sức khoẻ rất yếu.
Bị cáo Hiểu nhìn nhận, cái sai của bản thân là biết các bị cáo khác phạm tội nhưng không ngăn cản nên mong toà giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với con cháu.
Clip bị cáo Bùi Viết Hiểu xin lỗi người nhà ba chiến sĩ công an hi sinh.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến và Lê Đình Doanh là hai trong số 6 bị cáo khi nói lời sau cùng đã gửi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sỹ hy sinh. Cả hai đều mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
Là bị cáo nữ duy nhất, Bùi Thị Nối khi trình bày nói nhiều vấn đề không liên quan nên liên tục bị chủ toạ nhắc nhở. Bị cáo Nối cho rằng “không làm gì đáng tiếc nên nhờ luật sư giúp đỡ”.
Trước đó, ngày 14/9/2020, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm. Bản án thể hiện đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là đất quốc phòng nhưng ông Lê Đình Kình (SN 1936) cùng các bị cáo trong vụ thành lập "Tổ đồng thuận" nhằm lấn chiếm, sử dụng và vu khống chính quyền.
Nhóm này nhiều lần chống đối cơ quan chức năng và thậm chí còn bắt giữ trái phép công an, cán bộ... Sáng 9/1/2020, khi cảnh sát vào thôn Hoành bảo vệ các mục tiêu đã bị "Tổ đồng thuận" ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công bất chấp việc lực lượng chức năng kêu gọi dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật.
Các bị cáo tại tòa |
Lúc này, các cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân khi tiến lên trần nhà đã bị ngã xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Lê Đình Chức (con ông Kình) và cháu là Lê Đình Doanh đã dùng dao nhọn chọc xuống rồi nhiều lần đổ xăng vào hố, thiêu khiến 3 cảnh sát hy sinh.
Cấp sơ thẩm cho rằng, hành vi của các bị cáo vô cùng tàn ác như dùng tuýp sắt chọc, ném bom xăng, gạch đá… hậu quả gây ra cái chết vô cùng thương tâm của các chiến sĩ.
Trong vụ, Lê Đình Công được xác định là chủ mưu cầm đầu, thường xuyên hô hào việc giết công an và còn phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Công trực tiếp ném bom xăng, lựu đạn về phía công an nên có vị trí, vai trò cao nhất. Bị cáo đã thành khẩn khai báo nhưng cần loại bỏ vĩnh viễn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bị cáo Lê Đình Chức cũng ném bom xăng, chọc dao làm công an ngã xuống hố; trực tiếp đổ xăng xuống hố làm 3 cảnh sát bị thiêu tử vong… Việc này thể hiện quyết tâm phạm tội của bị cáo nên cũng cần áp dụng hình phạt nghiêm nhất để đảm bảo tính nghiêm minh.
Cũng theo tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Đình Doanh có hành vi rất quyết liệt, trực tiếp gây ra cái chết của 3 cảnh sát. Tòa án cho rằng lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn Doanh khỏi xã hội nhưng bố và chú của Doanh đã bị tước bỏ quyền sống nên không cần thiết phải tử hình bị cáo này để thể hiện tính nhân đạo.
Không thể giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vụ Đồng Tâm
Đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, hành vi đổ xăng thiêu khiến 3 cảnh sát tử vong là vô cùng dã man nên không thể giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Nhị Tiến