Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc công ty luật Tam Anh, Hà Nội cho rằng: Ở vụ việc này xuất hiện trách nhiệm dân sự và nếu làm rõ, đủ, còn có thể xuất hiện yếu tố hình sự.
Theo LS Chi, về trách nhiệm dân sự, cần căn cứ vào việc phân công nhiệm vụ cụ thể của pháp nhân cho cá nhân để làm cơ sở.
Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải |
Theo quy định tại điều 618 bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Luật sư cho rằng, trách nhiệm của giáo viên đứng lớp là trách nhiệm gián tiếp, không phải trực tiếp. Vì nếu cô giáo điểm danh học sinh hoặc khi thấy học sinh vắng mặt thì liên hệ với phụ huynh hoặc bộ phận đưa đón có thể không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Nhà trường là pháp nhân trong trường hợp này không thoả mãn theo quy định tại điều 75 bộ luật Hình sự quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nên không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự với việc bồi thường hậu quả dân sự với vụ việc.
Đối với nhân viên trực tiếp đưa đón các con từ nhà đến trường, nếu không có nguyên nhân khác thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Có hai tội sát với hành vi đó là tội Vô ý làm chết người theo điều 128 và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 BLHS.
LS Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay vụ việc này có căn cứ để xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính đối với một số người có liên quan.
Nếu kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy nạn nhân bị tử vong do người lái xe và giáo viên bỏ quên trên xe thì lái xe, giáo viên, những người có chức trách, nhiệm vụ đưa, đón học sinh này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp trong việc đưa, đón học sinh của trường này. Trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ đưa, đón học sinh như thế nào, các kỹ năng kiến thức cần thiết trong việc đưa, đón học sinh...
Nếu có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm, nhiệm vụ trong việc đưa, đón học sinh đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình do chủ quan hoặc do cẩu thả dẫn đến việc học sinh bị bỏ quên trên xe và tử vong thì những người có trách nhiệm đưa đón học sinh này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 129 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy, theo ông Cường, với hậu quả một học sinh tử vong thì người có lỗi do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính trong vụ việc này có thể sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 5 năm tù.
Xe đưa đón học sinh trường Quốc tế Gateway. Ảnh: Phạm Hải |
Giáo viên có trách nhiệm tiếp nhận học sinh, trong trường hợp học sinh có biểu hiện ốm đau, mệt mỏi hoặc không đến lớp thì giáo viên phải liên hệ với phụ huynh và báo cho nhà trường. Giáo viên quản lý lớp thấy thiếu học sinh mà không thông báo, không tìm kiếm thì những người này cũng có lỗi và cần phải xem xét trách nhiệm.
Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Trong trường hợp không chứng minh được người có trách nhiệm vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp thì vẫn phải xử lý những người có lỗi vô ý dẫn đến cái chết của cháu bé về tội vô ý làm chết người theo quy định của bộ luật Hình sự hiện hành.
Ngoài việc xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân thì nhà trường cũng phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định của bộ luật Dân sự hiện hành, các khoản bồi thường bao gồm: tiền chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thân trong gia đình nạn nhân.
Mức bồi thường cụ thể do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết trong theo quy định pháp luật.
Toà án sẽ căn cứ vào thiệt hại thực tế để yêu cầu bồi thường, số tiền chi phí mai táng sẽ theo phong tục địa phương, còn bồi thường tổn thất về tinh thần sẽ không quá 100 tháng lương tối thiểu theo quy định hiện hành.
Vụ việc này là thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, bởi vậy, trước tiên trường phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân, sau đó trường có quyền yêu cầu người có lỗi bồi hoàn lại số tiền này theo nguyên tắc của bộ luật Dân sự đã quy định.
Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng, cơ quan quản lý về giáo dục cũng cần xem xét lại quy trình đào tạo, quy tắc đảm bảo an toàn và có thể áp dụng các biện pháp hành chính đối với trường này do để xảy ra sự vụ nghiêm trọng, mất an toàn cho học sinh.
Họp báo vụ bé 6 tuổi trường Gateway tử vong trên xe đưa đón
Trưa 7/8, UBND Quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức họp báo thông tin về vụ cháu bé 6 tuổi tử vong vì bị quên trong xe đưa đón của Trường Quốc tế Gateway.
Tuyết Nhung - Thanh Hùng