Trang tin Want China Times đưa tin rằng Trung Quốc có thể đã cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) có tên là DF-21D.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) DF-21D của Trung Quốc
Tên lửa DF-21D còn được mệnh danh là 'sát thủ tàu sân bay'. Loại tên lửa này được phóng từ bệ di động vào khí quyển, với sự trợ giúp của ra-đa bên ngoài đường chân trời. Vệ tinh dò đường và các thiết bị không người lái có thể là mục tiêu của tên lửa có tốc độ nhanh hơn âm thanh này.

Tờ Want China Times giải thích:

"Theo thông tin từ Want Daily, bức ảnh chụp từ vệ tinh của Google Earth cho thấy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đánh chìm thành công một hàng không mẫu hạm của Mỹ - mặc dù vụ không kích này chỉ là tập trận, con tàu sân bay chỉ là mô hình và 'vụ chìm' này xảy ra trên đất liền ở một vùng hẻo lánh miền tây Trung Quốc".

Các ảnh vệ tinh cho thấy hai hố lớn trên một nền trắng dài 200m ở sa mạc Gobi dùng để mô phỏng sân bay trên một hàng không mẫu hạm.

Bức ảnh đầu tiên đăng tải trên trang SAOBRATS, một diễn đàn internet đặt tại Argentina. Các nhà phân tích quân sự tin rằng hai lỗ thủng lớn này là vết tích do tên lửa chống hạm DF-21D của Trung Quốc tạo nên.

Nếu các báo cáo này là đúng, đây có thể là một bước tiến nữa theo hướng phát triển một hệ thống vũ khí có thể 'làm nặng đồng cân' nghiêng về Trung Quốc trong cán cân quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương.

Một bước tiếp theo rất logic nữa cho Trung Quốc là thử nghiệm vũ khí trên một chiếc tàu đang di chuyển trên biển (thay vì một mục tiêu cố định trên đất liền).

Tên lửa mới của Trung Quốc cũng có thể cần được thử nghiệm trên một mục tiêu không hợp tác. Một vũ khí như vậy có thể phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau để đánh trúng một con tàu trên đại dương rộng lớn.

Hình minh họa cuộc không kích giả tưởng bằng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc
Về vấn đề này, nhà phân tích quốc phòng Roger Cliff đã chỉ rõ.

"Điều cần nhớ là, để tấn công được một tàu hải quân của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo, Trung Quốc trước tiên cần phát hiện ra con tàu đó, nhận dạng được loại tàu chiến của Mỹ mà họ cần tấn công (chẳng hạn như là tàu sân bay), sở hữu thiết bị đo lường đủ chính xác vị trí của tàu sao cho tên lửa có thể phóng đi theo hướng con tàu (chẳng hạn, một bức ảnh chụp từ vệ tinh trong một giờ đồng hồ chắc chắn là vô dụng, vì con tàu có thể đã đi được 25 dặm so với vị trí mà bức ảnh được chụp), và sau đó cập nhật hành trình mới cho tên lửa. Cuối cùng, đầu đạn của tên lửa phải nhắm và bắn trúng vào con tàu".

Về khía cạnh các biện pháp 'phản đòn' và cách thức 'hạ gục' tên lửa (của Trung Quốc), ông Cliff cũng giải thích rằng Mỹ có vô số phương án, dù một số biện pháp được cho là khó triển khai:

"... Các ra-đa ngoài đường chân trời dùng để phát hiện tàu có thể bị làm nhiễu, bị qua mặt hoặc bị tiêu diệt; khói hoặc các biện pháp đánh lạc hướng có thể được áp dụng khi mà vệ tinh ghi hình ảnh của tàu (vì vệ tinh di chuyển theo quỹ đạo có thể dự đoán được); việc cập nhật hành trình cho tên lửa cũng có thể bị nhiễu; và khi tên lửa chốt mục tiêu thì bộ phận tìm kiếm mục tiêu của nó cũng có thể bị nhiễu hoặc đánh lừa.

Trên thực tế thì đánh chặn tên lửa chắc chắn là việc khó nhất có thể làm. Tên lửa SM- 3 có thiết bị tiêu diệt ngoài khí quyển, điều này cũng có nghĩa là nó chỉ có thể đánh chặn tên lửa của đối phương ở giữa hành trình. Do đó, một tàu hộ tống (của tàu mục tiêu) có trang bị hệ thống Aegis có thể phóng tên lửa SM-3 ngay lập tức để đánh chặn tên lửa đối phương khi nó trở lại khí quyển, hoặc bất kỳ một nơi nào trong hành trình bay đã định vị được.

Tên lửa DF-21D (của Trung Quốc) có thể trang bị các bẫy được triển khai trong hành trình bay khiến cho công việc của tên lửa SM-3 trở nên khó khăn hơn.

Các tàu trang bị Aegis của Mỹ đều có tên lửa SM-2 Block 4 có khả năng đánh chặn tên lửa trong phạm vi tầng khí quyển. Tuy nhiên, đầu đạn của tên lửa DF-21D của Trung Quốc sẽ vận hành cùng với bảng điều khiển cấp cao và khiến tên lửa SM-2Block4 khó lòng đánh chặn thành công".

Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc cũng trở thành đề tài trong tuần này vì nhiều lý do khác từ phía Mỹ.

Tờ Inside Defense đưa tin rằng ban giám đốc phụ trách thử nghiệm của Lầu Năm Góc đã ngừng công khai lo ngại về việc thiếu mô hình cần thiết để thử nghiệm phòng thủ trước tên lửa DF-21D của Trung Quốc.

Năm ngoái, giám đốc thử nghiệm là J. Michael Gilmore đã phàn nàn về việc Bộ Quốc phòng đã không cấp thêm nguồn kinh phí để phát triển một mục tiêu giả định cho tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) trong các thử nghiệm ngoài trời. Ông Gilmore đã gọi đây là một 'nhu cầu cấp bách về nguồn thử nghiệm'.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc là Jennifer Elzea đã xác nhận rằng Bộ Quốc phòng sẽ không thảo luận công khai về việc thiếu các mục tiêu giả định cho ASBM vì các lo ngại về an ninh.

"Việc thảo luận thêm về Mục tiêu Tên lửa đạn đạo chống hạm ở cấp độ công khai vào lúc này là điều không thể" - bà Elzea cho biết.

  • Lê Thu (theo Diplomat)