- Khi đang tập thể dục, cụ ông 98 tuổi quê Bình Thuận bị trượt chân té ngã và được đưa tới bệnh viện tỉnh cấp cứu.

Qua thăm khám, các bác sĩ ở đây kết luận cụ ông bị gãy cổ xương đùi phải. Do tuổi đã quá cao, chỉ điều trị nội khoa để giảm đau nhức chứ không thể phẫu thuật để cụ đi đứng lại như thường.

{keywords}
Sau khi được thay khớp háng, sức khỏe cụ ông đã dần ổn định

Gia đình sau đó đã chuyển cụ ông vào Bệnh viện quận 11 TP.HCM chữa trị. Bác sĩ Phạm Thanh Vũ - Quyền Trưởng khoa Ngoại tổng hợp BV quận 11 cho biết, qua chụp CT cho thấy bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển cổ xương đùi rất phức tạp.

Người bệnh muốn thoát khỏi cảnh tàn phế chỉ còn cách phẫu thuật thay khớp háng. Tuy nhiên cổ xương đùi của bệnh nhân bị gãy nát rất khó để ráp khớp háng nhân tạo, và bệnh nhân quá lớn tuổi, khó có thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật.

Sau khi nhận được sự cố vấn từ TS BS Nguyễn Vĩnh Thống - Chủ tịch Hiệp hội chấn thương chỉnh hình TP.HCM về tình trạng bệnh của cụ ông, bệnh viện quận 11 đã tiến hành ca phẫu thuật.

Theo BS Vũ, do mấu chuyển cổ xương đùi của bệnh nhân bị gãy nát, ê-kíp phẫu thuật sử dụng xi măng sinh học làm dính lại mới có thể lắp đặt khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân.

Trong quá trình mổ, bệnh nhân được truyền 2 đơn vị máu. BS Vũ cho biết, chừng 10 ngày nữa bệnh nhân có thể xuất viện, và sau 3 – 6 tháng có thể đi đứng trở lại bình thường.

Trường hợp không phẫu thuật thay khớp háng thì chắc chắn cụ ông sẽ bị tàn phế, nằm một chỗ, dẫn tới nguy cơ bị lở loét, gây nhiễm trùng, bội nhiễm các bệnh khác, và có thể tử vong.

Thay khớp háng cho bệnh nhân lớn tuổi là loại phẫu thuật thường nhiều rủi ro, bệnh nhân có thể tử vong trên bàn mổ nên đòi hỏi phải chuẩn bị chặt chẽ.

Văn Đức