Biểu tình bùng phát ở thị trấn Zhanaozen, thuộc tỉnh Mangystau phía tây Kazakhstan từ ngày 2/1, khi nhiều người xuống đường để phản đối tình trạng giá khí hóa lỏng (LPG) leo thang trong thời gian gần đây.

Giá LPG tăng gấp đôi từ ngày 1/1, thời điểm chính phủ Kazakhstan chấm dứt các hình thức trợ cấp cho loại nhiên liệu này. LPG có vai trò rất quan trọng đối với người dân Kazakhstan, bởi đa số ô tô tại đây sử dụng loại nhiên liệu này để vận hành.

{keywords}
Cảnh sát Kazakhstan lập rào chắn phong tỏa lối vào tòa thị chính ở thành phố Almaty. Ảnh: Reuters

Làn sóng biểu tình ở Zhanaozen dần lan ra các địa phương khác ở Kazakhstan và trở nên bạo lực hơn, đặc biệt ở Almaty, thành phố lớn nhất nước này.

Cảnh sát Kazakhstan hôm 4/1 phải sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để đẩy hàng trăm người biểu tình khỏi khu vực quảng trường ở Almaty. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực tiếp tục nổ ra trong ngày 5/1, khi đám đông quá khích đụng độ với các lực lượng an ninh và đập phá nhiều trụ sở cơ quan hành chính.

{keywords}
Người biểu tình bên ngoài tòa thị chính ở Almaty, Kazakhstan hôm 5/1. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Almaty hôm 6/1 thông báo hàng chục người biểu tình đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc xô xát dữ dội. Kênh tin tức quốc gia Kazakhstan Khabar-14, dẫn lời các quan chức thành phố, cho hay 12 cảnh sát đã thiệt mạng và 353 người khác bị thương khi bạo động xảy ra.

{keywords}
Cảnh sát chống bạo động được triển khai tới Almaty hôm 5/1. Ảnh: AP

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ban đầu cố gắng xoa dịu người biểu tình, nhưng sau đó cam kết sẽ dùng các biện pháp mạnh tay để dập tắt bất ổn, mà theo ông là do các băng nhóm khủng bố gây ra. Các sân bay ở Almaty và hai thành phố khác đã bị đóng cửa, dịch vụ Internet bị gián đoạn nghiêm trọng trong ngày thứ hai liên tiếp, trong khi đường dẫn tới các trang tin tức ở Kazakhstan đều bị chặn.

{keywords}
Một xe thiết giáp của cảnh sát chống bạo động được triển khai tới Almaty. Ảnh: Reuters

Sau khi các cuộc biểu tình lan tới thủ đô Nur-Sultan và Almaty, nội các của Thủ tướng Askar Mamin hôm 5/1 đã đồng loạt đệ đơn từ chức, song Tổng thống Tokayev cho biết các bộ trưởng vẫn sẽ đảm nhiệm vai trò hiện tại của mình cho tới khi một nội các mới được thành lập.

{keywords}
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình tại Almaty. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể  (CSTO), một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, hôm 6/1 đã đặt chân tới Kazakhstan. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ các cơ sở quân sự và chính phủ quan trọng,  và hỗ trợ các lực lượng Kazakhstan nhằm khiến tình hình ổn định trở lại.

{keywords}
Người biểu tình Kazakhstan đụng độ với cảnh sát. Ảnh: Reuters

Kazakhstan, quốc gia có lãnh thổ lớn thứ 9 thế giới, sở hữu một nền kinh tế khá phát triển kể từ khi tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô tan rã. Đây được xem là một trong các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ổn định nhất, nên tình trạng leo thang bất ổn trong những ngày qua được xem là diễn ra khá nhanh và gây bất ngờ.

Video: Global News

>>> Đọc tin thế giới trên VietNamNet

Việt Anh

Cảnh sát đụng độ người biểu tình, đường phố Kazakhstan thành ‘chiến trường’

Cảnh sát đụng độ người biểu tình, đường phố Kazakhstan thành ‘chiến trường’

Cảnh sát Kazakhstan cho biết, họ buộc phải nổ súng vào đám đông người biểu tình đang cố xông vào các cơ quan công quyền.

Hàng chục người biểu tình, cảnh sát Kazakhstan thiệt mạng vì bạo động

Hàng chục người biểu tình, cảnh sát Kazakhstan thiệt mạng vì bạo động

Hàng chục người biểu tình và 12 cảnh sát đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Kazakhstan, nhà chức trách nước này hôm nay (6/1) cho biết.