Đây là một trong những bài phát biểu sớm nhất của Tổng thống Kennedy nhằm thuyết phục người dân ủng hộ chương trình không gian của Mỹ, với mục tiêu đưa người lên Mặt trăng vào cuối thập niên 1960.

Khi ông Kennedy lên nắm quyền ở Nhà Trắng vào tháng 1/1961, người Mỹ đã nhận thức được rằng họ đang thua trong cuộc chạy đua chinh phục không gian trước Liên Xô, nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ 4 năm trước đó. Nhận thức này càng rõ rệt hơn khi vào tháng 4/1961, Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian, trước khi Mỹ xúc tiến dự án Mercury tương tự.

Sau khi thuyết phục các chính trị gia thấy sự cần thiết phải tạo ra thành quả để chứng tỏ sức mạnh siêu cường của Mỹ cũng như trao đổi với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để xác định mục tiêu, ngày 25/5/1961, Tổng thống Kennedy đã đứng trước Quốc hội và đề xuất: “Đất nước chúng ta phải đạt được mục tiêu đưa được một người lên Mặt trăng và mang người ấy trở về an toàn trước khi kết thúc thập kỷ này”.

{keywords}
Tổng thống John F.Kennedy phát biểu tại sân vận động Đại học Rice ở Houston, Texas ngày 12/9/1962. Ảnh: NASA

Bài phát biểu lần nữa của ông Kennedy về chủ đề trên trước đám đông khoảng 35.000 người tại sân vận động Đại học Rice vào năm 1962, với những lời lẽ hùng hồn, đầy thuyết phục đã khuấy động người dân Mỹ, khiến họ càng quyết tâm, tin tưởng vào các mục tiêu vĩ đại của quốc gia. Chỉ 7 năm sau đó, ngày 20/7/1969, mục tiêu lớn lao do ông Kennedy đề ra đã thành sự thật. Hai nhà du hành Mỹ đã đặt chân lên Mặt trăng và trở về an toàn. 

Xin giới thiệu nguyên văn bài phát biểu:

Tôi đánh giá cao việc chủ tịch của bạn phong tôi làm giáo sư thỉnh giảng danh dự. Và tôi đảm bảo với các bạn rằng bài giảng đầu tiên của tôi sẽ rất ngắn gọn. Tôi rất vui khi có mặt ở đây và tôi đặc biệt vui mừng được hiện diện ở đây vào dịp này.

Chúng ta gặp nhau tại một trường đại học được chú ý về kiến thức, ở một thành phố được chú ý vì sự tiến bộ, ở một tiểu bang được chú ý về sức mạnh. Chúng ta cần cả ba vì chúng ta gặp nhau trong một giờ thay đổi và thử thách, trong một thập kỷ hy vọng và sợ hãi, trong một thời đại của cả sự hiểu biết và sự thiếu hiểu biết. Kiến thức của chúng ta càng tăng lên, thì sự thiếu hiểu biết của chúng ta càng bộc lộ nhiều hơn.

Bất chấp thực tế đáng chú ý là, hầu hết các nhà khoa học mà thế giới từng biết đến hiện đều còn sống và đang làm việc, bất chấp thực tế là nhân lực khoa học của quốc gia này (Mỹ) đang tăng gấp đôi cứ sau mỗi 12 năm, với tốc độ tăng trưởng hơn gấp 3 lần dân số của chúng ta nói chung, các địa hạt rộng lớn của những điều chưa biết, chưa được giải đáp và chưa được hoàn thành vẫn vượt xa vốn hiểu biết của tất cả chúng ta cộng lại.

Không ai có thể hoàn toàn nắm bắt được chúng ta đã đi bao xa và nhanh như thế nào, nhưng nếu các bạn làm điều đó, hãy cô đọng 50.000 năm của lịch sử nhân loại trong nửa thế kỷ.

Nói theo cách này, chúng ta biết rất ít về 40 năm đầu tiên, ngoại trừ thời kỳ cuối người tinh khôn đã học cách sử dụng da của động vật để che phủ cơ thể mình. Sau đó, khoảng 10 năm trước, theo tiêu chuẩn này, con người rời khỏi hang động của mình để xây dựng các dạng trú ẩn khác. Chỉ 5 năm trước, con người đã học viết và sử dụng xe đẩy có bánh xe. Cơ đốc giáo bắt đầu xuất hiện cách đây chưa đầy hai năm. Máy in ra đời vào năm nay và sau đó chưa đầy hai tháng, trong suốt 50 năm lịch sử của loài người, động cơ hơi nước đã mang đến một nguồn năng lượng mới.

Newton đã khám phá ra ý nghĩa của lực hấp dẫn. Tháng trước, đèn điện, điện thoại, ôtô và máy bay trở nên phổ biến. Chỉ mới tuần trước, chúng ta đã phát triển penicillin, truyền hình và năng lượng hạt nhân. Hiện tại, nếu tàu vũ trụ mới của Mỹ thành công trong việc đến Sao Kim, chúng ta sẽ tới được các vì sao trước nửa đêm nay.

Đây là một tốc độ ngoạn mục và một tốc độ như vậy không thể không tạo ra các yếu kém mới khi nó làm lộ ra những thiếu hiểu biết cũ và mới, những vấn đề mới, những nguy hiểm mới. Chắc chắn, các quan niệm mở đầu về không gian hứa hẹn các chi phí và khó khăn lớn cũng như những phần thưởng hậu hĩnh.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số người sẽ yêu cầu chúng ta ở lại nơi chúng ta trong hiện tại thêm chút nữa để nghỉ ngơi, chờ đợi. Nhưng thành phố Houston này, tiểu bang Texas này, nước Mỹ này không được xây dựng bởi những người chờ đợi, nghỉ ngơi và mong muốn nhìn lại phía sau. Đất nước này đã bị chinh phục bởi những người tiến lên và không gian cũng vậy.

William Bradford, khi phát biểu vào năm 1630 về ngày thành lập thuộc địa vịnh Plymouth, từng nói rằng tất cả những hành động vĩ đại và đáng kính trọng đều đi kèm với những khó khăn lớn. Chúng đều đòi hỏi sự dám nghĩ, dám làm và vượt qua bằng sự dũng cảm cần thiết.

Nếu lịch sử cô đọng này về sự tiến bộ của chúng ta dạy cho chúng ta điều gì, thì đó chính là nhân loại trong hành trình tìm kiếm tri thức và sự tiến bộ, luôn  quyết đoán và không thể nhụt chí. Việc khám phá không gian sẽ tiếp diễn, cho dù chúng ta có tham gia hay không và đây là một trong những cuộc phiêu lưu vĩ đại của mọi thời đại. Không quốc gia nào kỳ vọng trở thành lãnh đạo của các quốc gia khác có thể mong muốn tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua vào không gian.

Những người đã đi trước chúng ta, quả quyết rằng đất nước này đã chèo lái những làn sóng đầu tiên của các cuộc cách mạng công nghiệp, những làn sóng đầu tiên của phát minh hiện đại và làn sóng đầu tiên của năng lượng hạt nhân. Thế hệ này không có ý định sa lầy trong sự ngược dòng của thời đại không gian sắp tới. Chúng ta muốn trở thành một phần của nó, chúng ta muốn dẫn dắt nó. Vì những con mắt của thế giới hiện hướng nhìn vào không gian, lên mặt trăng và các hành tinh xa hơn, chúng ta đã thề rằng chúng ta sẽ không chứng kiến việc đó chịu sự chi phối của một ngọn cờ chinh phục thù địch, mà bởi một ngọn cờ tự do và hòa bình. Chúng ta đã thề rằng, chúng ta sẽ không chứng kiến không gian chứa đầy vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà là những công cụ của tri thức và sự hiểu biết.

Tuy nhiên, những lời thề của quốc gia này chỉ có thể được thực hiện nếu chúng ta có ý định là người đầu tiên. Tóm lại, sự dẫn đầu của chúng ta trong khoa học và trong công nghiệp, hy vọng của chúng ta về hòa bình và an ninh, nghĩa vụ của chúng ta đối với bản thân cũng như những người khác, tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, giải quyết những bí ẩn này, giải quyết chúng vì lợi ích của tất cả mọi người và trở thành quốc gia khám phá không gian hàng đầu thế giới.

Chúng ta ra khơi ở vùng biển mới này bởi vì có những kiến ​​thức mới cần thâu tóm và các quyền mới cần chiếm lĩnh. Chúng cần được chiếm lĩnh và sử dụng vì sự tiến bộ của tất cả mọi người. Đối với khoa học vũ trụ, giống như khoa học hạt nhân và tất cả các công nghệ, tự nó không có lương tâm. Liệu nó sẽ trở thành một thế lực tốt hay xấu phụ thuộc vào con người. Và chỉ khi Mỹ chiếm được vị trí ưu việt thì chúng ta mới có thể giúp quyết định xem đại dương mới này sẽ là biển hòa bình hay là một chiến trường đáng sợ mới. Tôi không nói rằng chúng ta nên hoặc sẽ không được bảo vệ trước sự lạm dụng không gian một cách thù địch hơn những gì chúng ta đang không được bảo vệ trước việc sử dụng đất liền hoặc biển một cách thù địch. Tôi đang nói rằng, không gian có thể được khám phá và làm chủ mà không cần tiếp thêm ngọn lửa chiến tranh, không lặp lại những sai lầm mà con người đã gây ra trong việc mở rộng hành trình của mình trên toàn cầu.

Không có đụng độ, không có thành kiến, không có xung đột quốc gia trong không gian vũ trụ. Những mối nguy hiểm của nó là thù địch đối với tất cả chúng ta. Cuộc chinh phục không gian xứng đáng là điều tốt đẹp nhất của cả nhân loại và cơ hội nó mang đến cho sự hợp tác hòa bình có thể sẽ không bao giờ xuất hiện lần nữa. Nhưng một số người nói tại sao lại là mặt trăng? Tại sao chọn nó là mục tiêu của chúng ta? Và họ cũng có thể hỏi tại sao lại leo lên đỉnh núi cao nhất? Tại sao, 35 năm trước, bay qua Đại Tây Dương? Tại sao (đội bóng đá của Đại học) Rice lại thi đấu với (đội bóng đá của Đại học) Texas?

Chúng ta chọn đi tới Mặt trăng. Chúng ta chọn lên Mặt trăng trong thập kỷ này và làm những thứ khác, không phải vì chúng dễ mà vì chúng khó, vì mục tiêu đó sẽ phục vụ cho việc tổ chức và đo lường tốt nhất năng lượng và kỹ năng của chúng ta, vì thách thức đó là thứ chúng ta sẵn sàng chấp nhận, thách thức chúng ta không muốn trì hoãn, thách thức chúng ta dự định giành chiến thắng và những điều khác nữa.

Chính vì những lí do này mà tôi coi quyết định năm ngoái nhằm chuyển hướng các nỗ lực của chúng ta trong không gian từ mức thấp lên mức cao là một trong những quyết định quan trọng nhất sẽ được đưa ra trong thời gian tôi làm tổng thống.

Trong 24 giờ qua, chúng ta đã chứng kiến các cơ sở đang được tạo ra để phục vụ cuộc khám phá phức tạp và vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta đã cảm thấy mặt đất rung chuyển và không khí vỡ tan vì cuộc thử nghiệm tên lửa đẩy Saturn C-1, mạnh gấp nhiều lần tên lửa đẩy Atlas đưa (phi hành gia) John Glenn vào quỹ đạo, tạo ra sức mạnh tương đương các máy gia tốc máy của 10.000 ôtô. Chúng ta đã thấy địa điểm, nơi các động cơ tên lửa F-1, mỗi động cơ mạnh bằng cả 8 động cơ của tên lửa Saturn cộng lại, sẽ được tập hợp với nhau để tạo ra tên lửa Saturn tiên tiến, được lắp ráp trong một tòa nhà mới xây dựng ở mũi Canaveral như một cấu trúc 48 tầng, rộng bằng một khối phố và dài bằng hai chiều dài của cánh đồng này.

Trong vòng 19 tháng qua, ít nhất 45 vệ tinh đã quay quanh Trái đất. Khoảng 40 trong số chúng được "sản xuất tại Mỹ" và chúng tinh vi hơn nhiều, cung cấp nhiều kiến thức cho người dân thế giới hơn. Tàu vũ trụ Mariner đang trên đường tới sao Kim là công cụ phức tạp nhất trong lịch sử khoa học vũ trụ. Độ chính xác của nó có thể tương đương với việc bắn một tên lửa từ mũi Canaveral và thả nó xuống sân vận động này giữa các vạch 36,6 mét.

Các vệ tinh chuyển tiếp đang giúp các tàu của chúng ta trên biển định hướng đi an toàn hơn. Các vệ tinh Tiros đã mang đến cho chúng ta những cảnh báo chưa từng có về các trận bão cũng như bão lốc xoáy và sẽ làm điều tương tự đối với các vụ cháy rừng và núi băng trôi.

Chúng ta đã có những thất bại của mình, nhưng những người khác cũng vậy, ngay cả khi họ không thừa nhận chúng. Và họ có thể ít công khai hơn. Chắc chắn, chúng ta đang tụt hậu và sẽ đi sau một thời gian về các chuyến bay vào vũ trụ có người lái. Nhưng chúng ta không có ý định tụt hậu và trong thập kỷ này, chúng ta sẽ bù đắp và tiến lên phía trước.

Sự phát triển của nền khoa học và giáo dục của chúng ta sẽ được làm giàu nhờ kiến thức mới về vũ trụ và môi trường của chúng ta, bằng các kỹ thuật học tập, lập bản đồ và quan sát mới, bằng các công cụ và máy tính mới cho ngành công nghiệp, y học, gia đình cũng như trường học. Các tổ chức kỹ thuật, chẳng hạn như Đại học Rice sẽ gặt hái những thành quả này.

Và cuối cùng, bản thân các nỗ lực khám phá không gian, dù vẫn còn sơ khai đã tạo ra một số lượng lớn các công ty mới và hàng chục nghìn việc làm mới. Không gian và các ngành công nghiệp liên quan đang tạo ra những nhu cầu mới về đầu tư và nhân sự có kỹ năng. Thành phố này cũng như tiểu bang này, khu vực này sẽ đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng ấy. Những gì từng là tiền đồn xa nhất trên đường biên giới cũ của phương Tây sẽ là tiền đồn xa nhất trên biên giới mới của khoa học và không gian.

Thành phố Houston của các bạn với Trung tâm Tàu vũ trụ có người lái sẽ trở thành trung tâm của một cộng đồng khoa học và kỹ thuật lớn. Trong 5 năm tới, Cơ quan Quản lý hàng không và vũ trụ quốc gia dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng các nhà khoa học và kỹ sư trong lĩnh vực này; tăng nguồn chi trả lương và các chi phí lên 60 triệu USD một năm; đầu tư khoảng 200 triệu USD vào các cơ sở nhà máy và phòng thí nghiệm và chỉ đạo hoặc ký hợp đồng cho các nỗ lực không gian mới trị giá trên 1 tỷ USD từ trung tâm ở thành phố này.

Chắc chắn, tất cả những điều này khiến chúng ta tốn rất nhiều tiền. Ngân sách khám phá không gian năm nay đang gấp 3 lần so với tháng 1/1961 và lớn hơn ngân sách không gian của 8 năm trước cộng lại. Ngân sách đó hiện ở mức 5.400 triệu USD một năm, một số tiền đáng kinh ngạc, mặc dù ít hơn một chút so với số tiền chúng ta đã chi trả cho thuốc lá và xì gà hàng năm. Các chi tiêu cho khám phá không gian sẽ sớm tăng hơn nữa, từ 40 xu mỗi người mỗi tuần lên hơn 50 xu một tuần cho mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Mỹ, vì chúng ta đã dành ưu tiên quốc gia cao cho chương trình này, mặc dù tôi nhận thấy đây là hành động của đức tin và tầm nhìn do chúng ta không biết những lợi ích nào đang đón đợi mình

Nhưng nếu tôi phải lên tiếng, các đồng bào của tôi, chúng ta sẽ gửi đến Mặt trăng, cách trạm điều khiển ở Houston 240.000km, một tên lửa khổng lồ cao hơn 91 mét, bằng chiều dài của sân bóng đá này, được chế tạo bằng hợp kim kim loại mới với một vài trong số đó vẫn chưa được phát minh, có khả năng chịu nhiệt và chịu lực gấp nhiều lần so với những gì đã từng biết, được trang bị độ chính xác tốt hơn loại đồng hồ tốt nhất, mang theo tất cả các thiết bị cần thiết cho động cơ đẩy, quá trình hướng dẫn, điều khiển, thông tin liên lạc, thực phẩm và sự sống còn, trong một sứ mệnh chưa từng được thử thách, tới một thiên thể không xác định và sau đó đưa nó trở lại Trái đất an toàn, vào lại bầu khí quyển với tốc độ hơn 40.233 km/h, tạo ra nhiệt độ bằng một nửa nhiệt độ của Mặt trời, gần nóng bỏng như ở đây hiện nay.

Làm tất cả những điều này và làm đúng, làm nó trước tiên, trước khi thập kỷ này kết thúc. Sau đó, chúng ta phải mạnh dạn. Tôi là người đang làm tất cả công việc này, vì vậy chúng tôi chỉ muốn các bạn thoải mái một chút. 

Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta sẽ làm điều đó và tôi nghĩ chúng ta phải chi trả những gì cần được trả. Tôi không nghĩ chúng ta nên lãng phí bất kỳ khoản tiền nào, nhưng tôi cho là chúng ta nên làm công việc này. Và điều này sẽ được thực hiện trong thập niên sáu mươi. Nó có thể được xúc tiến trong khi một số các bạn vẫn còn ở đây, tại trường cao đẳng và đại học này. Nó sẽ được thực hiện trong nhiệm kỳ của một số người đang ngồi trên khán đài này. Nhưng nó sẽ được thực hiện trước cuối thập kỷ này.

Tôi rất vui vì trường đại học này đang đóng góp vai trò trong việc đưa người lên Mặt trăng như một phần nỗ lực quốc gia vĩ đại của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Cách đây nhiều năm, nhà thám hiểm vĩ đại người Anh George Mallory, người đã qua đời trên đỉnh Everest, từng được hỏi tại sao ông lại muốn leo lên đó. Ông ấy đã trả lời: "Vì nó ở đó".

Không gian tồn tại ở đó và chúng ta sẽ chinh phục nó cũng như Mặt trăng và các hành tinh ở đó. Những hy vọng mới về kiến ​​thức và hòa bình cũng ở đó. Vì vậy, khi ra khơi, chúng ta cầu xin Chúa ban phước cho cuộc phiêu lưu nguy hiểm và vĩ đại nhất mà nhân loại từng tham gia.

Cảm ơn các bạn!

Tuấn Anh (giới thiệu) 

Hẹn hò với định mệnh – Bài diễn văn đỉnh cao của thuật hùng biện

Hẹn hò với định mệnh – Bài diễn văn đỉnh cao của thuật hùng biện

Hẹn hò với định mệnh là bài diễn văn nổi tiếng của Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập, tập trung vào những khía cạnh có thể làm đổi dòng lịch sử nước này.

 

Bí ẩn vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy

Bí ẩn vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy

Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John Fitzgerald Kennedy bị sát hại trong chuyến công du đến thành phố Dallas nhằm giải toả những bất hoà trong nội bộ đảng Dân chủ bang Texas.