Kết luận trên được đưa ra dựa trên mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) – trung tâm nghiên cứu y tế độc lập do tỷ phú Bill Gates sáng lập.
Mô hình cho thấy, tính đến ngày 17/1, trung bình có khoảng 125 triệu ca nhiễm Omicron mỗi ngày trên thế giới, gấp 10 lần so với mức đỉnh của làn sóng dịch gây ra bởi biến thể Delta vào tháng 4/2021, và gấp 30 lần so với cuối tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, tổng số ca Covid-19 trong giai đoạn này chỉ tăng gấp 6 lần. Ngoài ra, do tỷ lệ người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã tăng lên so với trước, nên tỷ lệ ca nhiễm được phát hiện trên toàn cầu đã giảm từ 20% xuống 5%.
Hình minh họa: Financial Times |
IHME cảnh báo mức độ nghiêm trọng của Covid-19 dù có giảm dần, thì làn sóng ca nhiễm Omicron xảy ra ồ ạt vẫn đồng nghĩa với việc số người nhập viện còn gia tăng ở nhiều nước, và thậm chí sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn nữa so với trước đây.
Vì vậy, các quốc gia vẫn cần ưu tiên hỗ trợ cho các hệ thống y tế trong vòng 4 đến 6 tuần tới.
Một điều đáng ngạc nhiên là mô hình IHME cho thấy, mật độ lây nhiễm của Omicron cao đến mức những biện pháp phòng chống như tăng cường sử dụng khẩu trang, mở rộng phạm vi tiêm chủng ở những đối tượng chưa được chủng ngừa hoặc tiêm liều 3 của vắc xin Covid-19 sẽ chỉ mang lại tác dụng hạn chế.
Trung tâm này cũng ước tính, 80% dân số thế giới dù có được trang bị đầy đủ khẩu trang thì cũng chỉ làm giảm 10% tỷ lệ người nhiễm Covid-19 trong vòng 4 tháng tới.
Trong khi đó, việc tăng cường tiêm vắc xin liều 3 cho những người chưa được tiêm chủng cũng sẽ khó gây tác động lớn đến làn sóng Omicron, vì vào thời điểm những biện pháp này được mở rộng, làn sóng do biến thể mới tạo ra phần lớn sẽ chấm dứt. Chỉ ở những quốc gia mà làn sóng Omicron chưa bắt đầu thì những cách thức bảo vệ kể trên mới có hiệu quả đáng kể hơn.
Cũng theo IHME, tính đến ngày 17/1, làn sóng dịch do Omicron gây ra đã đạt đỉnh ở 25 quốc gia. Dự kiến đến tuần thứ 2 của tháng 2, làn sóng này sẽ đạt đỉnh ở hầu hết các nước, với các đỉnh dịch mới nhất sẽ xảy ra ở những nước mà làn sóng lây nhiễm chưa bắt đầu, chẳng hạn như ở Đông Âu và Đông Nam Á.
Đến tháng 3/2022, một tỷ lệ lớn dân số trên thế giới sẽ bị nhiễm Omicron. Song với sự gia tăng các chiến dịch tiêm chủng liều vắc xin thứ 3 ở nhiều nước cùng với kháng thể của phần lớn những người từng nhiễm Covid-19 đều ở mức cao, thì chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng, mức độ lây nhiễm virus corona sẽ thấp trở lại.
Dù vậy, tạp chí Lancet lưu ý rằng các biến thể mới của virus corona chắc chắn sẽ xuất hiện, và một số thậm chí có thể nghiêm trọng hơn Omicron. Khả năng miễn dịch của con người, dù được hình thành sau khi nhiễm virus hay nhờ tiêm chủng, vẫn sẽ suy yếu theo thời gian, và điều này sẽ tạo cơ hội cho Covid-19 tiếp tục lây nhiễm. Bên cạnh đó, các quốc gia nên chuẩn bị cho tình huống tỷ lệ ca nhiễm tăng lên trong những tháng mùa đông.
Tuy nhiên, tác động của việc lây nhiễm virus corona trong tương lai đối với sức khỏe nhân loại sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Điều này có được do phần lớn người dân từng bị phơi nhiễm với virus trước đó, cùng với việc vắc xin Covid-19 ngày càng thích nghi với kháng nguyên hoặc biến thể mới, sự ra đời của thuốc kháng virus và những đối tượng dễ bị tổn thương vẫn có thể tự bảo vệ mình trước những làn sóng dịch trong tương lai bằng cách sử dụng khẩu trang chất lượng cao cùng các biện pháp vật lý khác.
Sau làn sóng Omicron, Covid-19 vẫn có thể tồn tại nhưng không còn phát triển thành đại dịch. Kỷ nguyên của những biện pháp kiểm soát quy mô lớn từ các chính phủ và xã hội để kìm hãm quá trình lây nhiễm virus corona cũng vì thế mà sẽ sớm kết thúc.
Việt Anh
Ca mắc Omicron cao, Anh vẫn bỏ quy định khẩu trang, hộ chiếu vắc xin
Thủ tướng Anh thông báo dỡ bỏ một loạt các hạn chế phòng chống dịch Covid-19 kể từ ngày 20/1, dù số ca mắc mới, kể cả số ca nhiễm biến thể Omicron vẫn ở mức cao.
Nhật Bản, Đức và Brazil nối đuôi nhau xô đổ kỷ lục buồn Covid-19
Sự lây lan mạnh của biến thể Omicron đã khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới liên tục đón những tin xấu.