Chú thích ảnh

Các nhà nghiên cứu mặc đồ bảo hộ tại Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Xinhua

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước thông báo rằng cộng đồng tình báo nước này đã nghi vấn hai nguồn gốc có thể của đại dịch COVID-19: “Sự tiếp xúc giữa người với động vật nhiễm bệnh hoặc do sự cố trong phòng thí nghiệm”. Ông ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra mới “để đưa chúng ta đến gần hơn một kết luận cuối cùng”.

Theo Bloomberg, cho dù cuộc điều tra sẽ dẫn tới đâu, lịch sử an toàn phòng thí nghiệm đã cho thấy việc rò rỉ mầm bệnh đã từng xảy ra, có khi gây hậu quả chết người. 

Rò rỉ virus đậu mùa

Vào cuối thập niên 1970, bệnh đậu mùa đã bị xoá sổ trong tự nhiên, nhưng những nghiên cứu về căn bệnh này vẫn tiếp diễn ở một số phòng thí nghiệm trên thế giới, trong đó có một cơ sở ở Birmingham (Anh) – nơi xử lý một chủng virus đậu mùa độc hại.

Vào mùa hè năm 1978, một nhiếp ảnh gia y tế làm việc tại đây tên là Janet Parker bị ốm. Khi mụn mủ lan rộng trên cơ thể của cô, bác sĩ địa phương đã chẩn đoán đó là một trường hợp mắc đậu mùa nặng.

Chú thích ảnh

Nạn nhân Janet Parker trong vụ rò rỉ virus đậu mùa từ phòng thí nghiệm.

Đó là lần rò rỉ thứ ba của virus đậu mùa chỉ trong thập kỷ đó từ một phòng thí nghiệm ở Anh. Chính phủ Anh đã quyết liệt ngăn chặn dịch bùng phát bằng cách khẩn cấp cách ly hàng trăm người và tiêm chủng cho nhiều người khác. Nhờ những nỗ lực đó, chỉ có một người khác nhiễm bệnh, đó là mẹ của Parker. Tuy vậy, nữ nhiếp ảnh gia đã trải qua một cái chết đau đớn, cô đơn trong khu cách ly, và được cho là nạn nhân tử vong cuối cùng được biết đến của bệnh đậu mùa.

Nhưng còn có nạn nhân khác của sự cố. Thời điểm đó giới báo chí đã đề cập đến giám đốc phòng thí nghiệm ở Birmingham, một chuyên gia về virus đậu mùa tên là Henry Bedson. Mặc dù không có bằng chứng, truyền thông vẫn đổ lỗi cho ông về sự việc. Bị cách ly ở nhà và trong nỗi tuyệt vọng, Bedson đã tự rạch cổ họng mình và qua đời ngay sau đó.

Chính phủ Anh đã tổ chức một cuộc điều tra kỹ lưỡng về ổ dịch. Kết quả điều tra cho thấy ông Bedson có thể không tuân thủ các quy trình an toàn đầy đủ, đồng thời suy đoán rằng Parker đã mắc bệnh đậu mùa do virus rò rỉ vào đường ống dẫn khí.

Chú thích ảnh

Các kỹ thuật viên tại một phòng lab ởRockville, Maryland (Mỹ), nơi sản xuất vaccine đậu mùa.

Sau đó một vụ kiện đã bác bỏ lời giải thích này, và đưa đến khả năng đáng lo ngại rằng chính nạn nhân Parker đã bước vào một trong những không gian làm việc mà không có sự bảo vệ thích hợp. Cho đến nay, cuộc tranh luận về sự cố Parker vẫn chưa có hồi kết.

Bào tử bệnh than từ phòng thí nghiệm

Khi các phòng thí nghiệm để rò rỉ mầm bệnh trong một môi trường bí mật, việc xác nhận nguồn gốc ổ dịch sẽ khó hơn nhiều. Một trường hợp điển hình là trận dịch bệnh than ở Sverdlovsk, một thành phố khá tách biệt thuộc Liên Xô cũ.

Năm 1979, tin đồn bệnh than giết chết hàng chục, thậm chí hàng ngàn người, bắt đầu lan sang phương Tây. Cuối năm đó, các tờ báo Liên Xô xác nhận một số thông tin, lưu ý rằng hơn 100 người đã mắc bệnh than sau khi ăn phải thịt nhiễm khuẩn, và trên 60 người đã tử vong.  Đó là một thảm kịch, nhưng có lẽ khó tránh khỏi bởi bệnh than vốn dễ thấy trong các quần thể động vật ở địa phương.

Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ không bị thuyết phục bởi điều đó. Hình ảnh vệ tinh cho thấy những vật thể giống như những chiếc xe tải khử khuẩn xung quanh thành phố, tập trung đáng kể hoạt động vào một cơ sở quân sự bí ẩn được gọi là Tổ hợp 19. Các nhà phân tích CIA đã đưa ra giả thuyết rằng Liên Xô để rò rỉ một dạng bệnh than được vũ khí hoá.

Người Liên Xô đã phản ứng phẫn nộ với cáo buộc này. Vào năm 1980, hãng thông tấn chính thức của Nga Itar Tass đã đăng bài bác bỏ có tiêu đề “Một mầm mống lừa dối”, cáo buộc Mỹ đưa ra những tuyên bố sai trái để giành lợi thế địa chính trị. 

Chú thích ảnh

Sverdlovsk từng là một trong những thành phố bí mật quân sự thời Liên Xô.

Tiếp đó, dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan, CIA tìm cách xử lý tốt hơn những gì đã xảy ra. Họ yêu cầu Matthew Meselson, một nhà di truyền học danh tiếng tại trường Harvard, từng làm việc trong chương trình cấm phổ biến vũ khí sinh học, trực tiếp đánh giá bằng chứng.

Ông Meselson không bị thuyết phục bởi những phát hiện tình báo của Mỹ. Trong thập niên 1980, ông từng bác bỏ một giả thuyết khác cho rằng Liên Xô đã sử dụng một số loại vũ khí nấm ở Lào – và ban đầu ông cũng có quan điểm như vậy với vụ bệnh than, tán thành cách giải thích chính thức từ Liên Xô, với một cảnh báo quan trọng: Nếu không có một cuộc điều tra kỹ lưỡng tại Sverdlovsk, sẽ không thể biết chắc chắn điều gì đã xảy ra.

Về cơ bản, ông Meselson ủng hộ lời giải thích cho rằng thịt đã bị nhiễm độc, đánh giá điều đó “hoàn toàn hợp lý và nhất quán” dựa trên những gì đã biết về bệnh than. Ông cũng sắp xếp các cuộc gặp với các nhà khoa học Liên Xô để được cung cấp thêm độ tin cậy cho cách giải thích này, với các slide mẫu bệnh học được lấy từ các nạn nhân.

Tuy vậy, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn không hết nghi ngờ. Và trong trường hợp này, các cơ quan tình báo, chứ không phải nhà khoa học, hóa ra lại đúng.

Sau khi Liên Xô tan rã, Meselson và các nhà nghiên cứu khác cuối cùng cũng được tiếp cận với các mẫu bệnh học lấy từ phổi của nạn nhân, cho thấy họ đã chết vì hít phải bào tử bệnh than. Những tiết lộ tiếp theo đã bổ sung vào bức tranh về những gì đã xảy ra.

Chú thích ảnh
 

Hoá ra Tổ hợp 19 là một cơ sở vũ khí sinh học. Tại đây họ tạo ra bào tử bệnh than. Theo Giám đốc phòng thí nghiệm thuộc Tổ hợp 19 vào thời điểm đó, một bộ lọc kết nối với máy làm khô bào tử đã bị tắc. Điều này vẫn thường xảy ra. Viên sĩ quan quân đội phụ trách để lại lời nhắn cho người thay thế vào ca sau nhưng không ghi vào sổ nhật ký theo thông lệ. Khi đến ca tiếp theo, nhóm thay thế nhìn vào sổ ghi chép, không thấy gì và đã khởi động lại máy lọc. Một loạt bào tử bệnh than nhanh chóng lan rộng khắp khu vực lân cận.

Ông Meselson cuối cùng đã ráp nối tất cả các dữ liệu và đăng một bài báo trên tạp chí Science, trong đó kết hợp dữ liệu gió với các cuộc phỏng vấn, các mẫu bệnh lý và các bằng chứng khác để mô tả ổ dịch bệnh than đã làm hơn 60 người thiệt mạng. Đó là vào năm 1994, 15 năm sau sự việc.

Bí ẩn rò rỉ virus cúm

Ngoài ra, còn một vụ việc khác diễn ra ở Liên Xô đến nay vẫn là một bí ẩn. Trong cùng thập kỷ chứng kiện vụ rò rỉ bệnh đậu mùa ở Anh và bệnh than ở Liên Xô, tại đây còn xuất hiện một chủng cúm dị thường vào thời điểm đó, gọi là H1N1.

{keywords}
Những sự cố rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm đã từng gây ra hậu quả chết người. Ảnh: Atlantis

Năm 1977, một ổ dịch H1N1 bùng phát ở vùng biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô. Cuối cùng dịch lan rộng ra toàn thế giới vào năm đó, gây ra một tỉ lệ bất thường bệnh nhân trẻ tuổi. Tỷ lệ tử vong do dịch tương đối thấp so với một số chủng cúm. Nhưng đó không phải là vấn đề.

Khía cạnh đáng lo ngại của trận dịch là chủng H1N1 đặc biệt này đã không xuất hiện kể từ năm 1950, khi nó bị thay thế bởi những chủng cúm khác. Sự xuất hiện kiểu “quay ngược thời gian” đó đã gây khó hiểu. Một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng virus có thể đã “trốn thoát” khỏi một phòng thí nghiệm ở Liên Xô hoặc Trung Quốc, nhưng cả hai quốc gia đều phủ nhận giả thuyết này.

Tuy vậy sự việc vẫn là một câu đố với các nhà virus học. Nhiều giả thuyết đã ra đời và đi đến giải thích cái gọi là “tiến hoá đông lạnh”, trong đó nổi bật là giả thuyết virus lây sang con người từ một phòng thí nghiệm, có thể đang thử nghiệm loại vaccine vô hiệu hoá bệnh cúm lợn.

{keywords}
Một nhà khoa học tham gia điều chế vaccine. Ảnh: Reuters

Có thể không biết được chính xác nguồn gốc COVID-19

Tất cả những sự cố nói trên đều xảy ra vào thập niên 1970. Người ta mong đợi an toàn phòng thí nghiệm đã phải được cải thiện kể từ đó, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003, các phòng thí nghiệm khắp thế giới bắt đầu nghiên cứu về virus này. Kể từ thời điểm đó, đã có không dưới 6 vụ rò rỉ SARS trong phòng thí nghiệm.

Vụ đầu tiên xảy ra tại Đại học Quốc gia Singapore, nơi một sinh viên đã nhiễm bệnh từ một mẫu nhiễm virus. Tiếp theo là một sự cố tại Đài Loan/Trung Quốc, khi một nhà nghiên cứu nhiễm virus, có thể là trong quá trình khử khuẩn các chất thải từ phòng thí nghiệm. Sau đó, một số vụ rò rỉ đã xảy ra tại Viện Virus học Quốc gia Trung Quốc. Ở một sự cố, một nhà nghiên cứu đã lây virus cho mẹ của cô, và bà đã qua đời vì SARS. Trong tất cả các trường hợp, sơ xuất của con người, chủ yếu đã bị làm trầm trọng hơn bởi các giao thức an toàn không đầy đủ, là nguyên nhân dẫn đến rò rỉ mầm bệnh.

Lịch sử đã ủng hộ cho những giả thuyết đang được đưa ra rằng đại dịch Covid-19 hiện tại có thể không có nguồn gốc tự nhiên, nhưng chúng ta không có quyền vội vàng phán xét. Khi nói đến rò rỉ phòng thí nghiệm, quá trình điều tra, xem xét thường mất một thời gian dài, và đôi khi các câu trả lời vẫn không thoả mãn và không đầy đủ.

Trong trường hợp đại dịch Covid-19, chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng thế giới có thể không bao giờ biết được nguồn gốc chính xác của một đại dịch đã giết cướp đi hàng triệu sinh mạng.

Theo baotintuc.vn

Lãnh đạo WHO: Chính trị 'đầu độc' điều tra nguồn gốc Covid-19

Lãnh đạo WHO: Chính trị 'đầu độc' điều tra nguồn gốc Covid-19

Một quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28/5 cho rằng, các cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 đang bị chính trị 'đầu độc’.

Ông Biden ra lệnh cho tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc Covid-19

Ông Biden ra lệnh cho tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc Covid-19

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/5 cho biết, ông đã ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ tăng cường việc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.