Ngày 15/10/1917, vũ nữ thoát y lừng danh người Hà Lan Mata Hari bị xử tử ở ngoại ô Paris, Pháp vì tội làm gián điệp cho Đức. Vụ việc gây rúng động dư luận lúc bấy giờ và để lại sự tiếc nuối cho những ai từng si mê, ngưỡng mộ cô.
Ảnh màu hiếm có về các vụ thử hạt nhân của Mỹ
Cảnh giác 'bẫy nợ' TQ, Sierra Leone hủy xây sân bay trăm triệu đô
Xem Nga phô diễn uy lực các vũ khí hạt nhân
Mỹ bất ngờ cho dừng bay dàn siêu tiêm kích F-35
Mata Hari tên thật là Margaretha Geertruida Zelle, sinh năm 1876 trong một gia đình buôn bán mũ phát đạt ở thị trấn Leyvarden, miền bắc Hà Lan. Dù có 3 em trai nhưng Margaretha được cha hết sức cưng chiều.
Mata Hari được coi là người đầu tiên đưa múa thoát y trở thành một vũ điệu lôi cuốn và được ghi danh như một trong các hình thức nghệ thuật quyến rũ nhất hành tinh. Ảnh: NatGeo |
Ngay từ nhỏ, Margaretha trông đã rất nổi bật so với bạn bè cùng trang lứa. Trái với hầu hết những đứa trẻ Hà Lan khác sở hữu nước da trắng và tóc vàng, Margaretha có làn da sẫm màu, đường nét khuôn mặt xinh tươi cùng tính cách bạo dạn và năng khiếu học ngoại ngữ.
Cuộc sống nhung lụa của Margaretha kết thúc vào năm 1889, khi cha cô bỏ rơi gia đình để chạy theo một người phụ nữ khác. Vài năm sau, người mẹ qua đời, khiến cô cùng các em phải ở nhờ nhà họ hàng.
Margaretha được gửi theo học trường đào tạo giáo viên từ năm 14 tuổi, đúng vào thời điểm cô bắt đầu dậy thì. Song, chỉ 2 năm sau, lúc 16 tuổi, cô bị đuổi học vì có quan hệ tình ái với vị hiệu trưởng 51 tuổi đã có gia đình. Từ đó, Margaretha chuyển tới sống ở The Hague, thành phố tập trung vô số quan chức quản lý thuộc địa, mới trở về sau thời gian làm nhiệm vụ ở Đông Ấn Hà Lan (Indonesia ngày nay).
Ở tuổi 18, với tâm trạng đầy chán nản, buồn phiền và khao khát phiêu lưu, Margaretha đã viết thư hồi đáp một mẩu quảng cáo trên báo của Đại úy Rudolf MacLeod, 39 tuổi, người đang mong mỏi được gặp gỡ và kết hôn với một “cô gái có tính cách dễ chịu”. Do biết các quan chức ở Đông Ấn Hà Lan thường sống trong những ngôi nhà lớn với rất nhiều người hầu hạ nên Margaretha tin cuộc hôn nhân với một người như Đại úy MacLeod sẽ giúp cô đổi đời. Chỉ 6 ngày sau lần đầu gặp, cả hai tuyên bố đính hôn và chính thức làm đám cưới vào tháng 7/1895.
Mata Hari và chồng - Rudolph MacLeod trong ngày cưới. Ảnh: History.com |
Tuy nhiên, cuộc sống sau kết hôn không màu hồng như Margaretha mong đợi. Chồng cô không có nhiều tiền và thực tế còn ngập trong nợ nần. Hơn thế nữa, anh ta còn ngoại tình với nhiều phụ nữ khác. Năm 1897, sau khi con trai đầu của hai người - Norman John - chào đời, MacLeod đưa cả gia đình tới Java. Lúc này, Margaretha phát hiện bản thân đã bị lây bệnh giang mai từ chồng. Vào thời điểm đó, người ta dùng các hợp chất thủy ngân độc hại để chữa căn bệnh lây lan qua đường tình dục này.
Trên hòn đảo thuộc địa, MacLeod lại chứng nào tật nấy, trong khi Margaretha trở thành "thỏi nam châm" hút đàn ông vì vẻ đẹp quyến rũ và thói lả lướt, khiến chồng vô cùng ghen tức. Cô sinh con gái thứ hai, Louise Jeanne vào năm 1898 nhưng cuộc sống gia đình vẫn "cơm không lành, canh chẳng ngọt".
Năm 1899, MacLeod được thăng chức chỉ huy quân đồn trú ở một vùng khác thuộc Đông Ấn Hà Lan, nên anh ta để vợ con ở lại Java cho đến khi tìm được một ngôi nhà thích hợp tại nơi mới. Lúc này, cả hai đứa con của Margaretha đều lăn ra ốm nặng, có lẽ vì mắc bệnh giang mai từ khi mới lọt lòng. Khi gia đình được đoàn tụ, MacLeod nhờ bác sĩ ở căn cứ chữa trị cho chúng. Song, do quen với điều trị cho người lớn, vị bác sĩ này đã kê quá liều thuốc cho bọn trẻ, khiến chúng nôn ra màu đen và quằn quại trong đau đớn. Khi Norman John, 2 tuổi bị chết, mọi người trong căn cứ bắt đầu đồn đoán nguyên nhân. Bê bối đã dẫn đến việc MacLeod bị giáng chức và điều đến một đơn vị nhỏ, đồn trú ở nơi xa xôi hẻo lánh.
Rạn nứt giữa MacLeod và Margaretha ngày càng trầm trọng. Năm 1902, họ quay trở lại Hà Lan, ly thân rồi ly hôn không lâu sau đó. Mặc dù ban đầu giành được quyền nuôi Louise Jeanne nhưng Margaretha rốt cuộc phải trao lại con gái cho chồng cũ nuôi dưỡng vì không có tiền cũng như chỗ dựa.
Biến cố khiến Margaretha quyết định phải lột xác để tồn tại. Và cô đã gây dựng một vỏ bọc hoàn toàn mới cho bản thân: một vũ nữ trẻ đẹp và nóng bỏng, lấy nghệ danh là Mata Hari (trong tiếng Mã Lai có nghĩa là "Bình minh" hay "Con mắt của ban ngày"). Sở hữu nước da bánh mật, cặp môi dày, đôi mắt to đen láy, Mata Hari xuất hiện trên sân khấu như một thiếu nữ phương Đông bí ẩn, trong trang phục khêu gợi với tấm voan choàng nửa kín nửa hở, áo lót đính hạt trang trí và chiếc mũ đội đầu độc đáo. Các điệu múa đầy mê hoặc, mang hồn cốt châu Á và quá mới lạ so với những gì người ta thường thấy vào thời điểm đó ở châu Âu là tấm vé giúp cô bước chân vào xã hội thượng lưu Paris.
Mata Hari tạo nên cơn sốt ở bất kỳ nơi nào cô đặt chân tới. Ảnh: Word Press |
Vào một thời kỳ mà nhiều gã đàn ông giàu sang và có địa vị trong xã hội đều muốn ôm ấp trong tay một cô nhân tình xinh đẹp, Mata Hari trở thành người phụ nữ đáng thèm khát nhất ở thủ đô hoa lệ của Pháp. Rất nhiều nhà quý tộc, tướng lĩnh quân đội, nhà ngoại giao và các doanh nhân giàu có vây quanh và cung phụng cô hòng chiếm được trái tim người đẹp. Suốt nhiều năm sau đó, Mata Hari có một cuộc sống ngập trong nhung lụa. Các buổi biểu diễn của vũ nữ nóng bỏng tại hầu hết các thủ đô lớn của châu Âu đều trong tình trạng cháy vé.
Dù ngày một già đi và sự nghiệp nhảy múa bắt đầu xuống dốc, Mata Hari vẫn là "gái bao đắt khách", luôn kề cận những quý ông giàu có và quyền lực. Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, cô vẫn không hề thay đổi lối sống xa hoa, đối lập với nhiều gia đình Pháp đang phải vật lộn tồn tại trong thiếu thốn, phải hy sinh những người chồng, người cha, anh em và con trai trong chiến tranh.
Mata Hari tiếp tục đi du lịch khắp nơi, khiến cô rơi vào tầm ngắm của giới tình báo. Mùa thu năm 1915, khi Mata Hari đang ở The Hague (Hà Lan), Karl Kroemer, lãnh sự danh dự của Đức tại Amsterdam đã tới tìm gặp cô. Ông ta đề nghị trả cho cô 20.000 Franc (tương đương 61.000USD hiện nay) để làm nhiệm vụ do thám cho nước Đức. Mata Hari đồng ý và coi đó như khoản tiền đền bù cho số áo lông, nữ trang và tiền bạc của cô bị người Đức tịch thu khi chiến tranh bùng nổ.
Cục Tình báo Đức đặt mật danh cho Mata Hari là H.21 và giao cho cô thu thập tin tức về hoạt động quân sự của Pháp. Song, Elsa Shragmuyller, người phụ trách trực tiếp H.21 sau này cho biết, toàn bộ tin tức H.21 cung cấp không bao giờ được sử dụng vì chúng không có ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự.
Khi từ Hà Lan trở về Pháp vào tháng 12/1915, Mata Hari và mọi hành khách khác trên cùng một chuyến tàu biển đều bị một sĩ quan tình báo thẩm vấn ở cảng Folkestone, Anh. Dù không phát hiện thứ gì khả nghi trên người cũng như trong hành lý của Mata Hari, nhưng viên sĩ quan viết báo cáo: "Cô ta nói được tiếng Pháp, Anh, Italia, Hà Lan và có thể cả tiếng Đức. Một phụ nữ xinh đẹp và táo bạo. Ăn diện thời trang... Không gây nghi vấn quá mức... Gây cảm giác không yên tâm nhất... Cần bị cấm nhập cảnh vào Anh".
Khi trở về Paris, Mata Hari sống ở khách sạn Grand, nơi gần như chưa bị chiến tranh tàn phá. Do quá quen với sự chú ý của cánh mày râu nên ít nhất trong những ngày đầu tiên tại đây, cô không nhận ra mình đang bị theo dõi.
Georges Ladoux, người đứng đầu cơ quan phản gián Pháp, đã dùng tiền để chiêu dụ Mata Hari làm điệp viên cho Pháp. Ảnh: NatGeo |
Phát hiện cô vũ nữ có những mối tình xuyên biên giới với chính khách Đức, mật vụ Pháp đã nhanh chóng tìm cách tiếp cận Mata Hari. Khi Georges Ladoux, người đứng đầu cơ quan phản gián Pháp, đề nghị Mata Hari làm gián điệp cho Pháp, cô nhận lời nhưng quên báo cáo bản thân từng chấp nhận làm việc tương tự cho Đức. Ladoux hứa cho Mata Hari tới 1 triệu Franc, yêu cầu cô đến Brussel, quyến rũ Tổng tư lệnh Bỉ Moritz von Bissing, rồi thực hiện các nhiệm vụ khác.
Việc Mata Hari chấp nhận làm gián điệp cho cả Đức và Pháp cho thấy, hoặc cô quá thông minh, xảo quyệt, hoặc cô quá ngây thơ đến mức dại dột. Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu về Mata Hari sau này tin, cô là người ngây thơ và không hiểu công việc gián điệp là gì. Có vô số bằng chứng chỉ ra điều đó, chẳng hạn như sau cuộc gặp với lãnh sự Đức Kroemer ở Amsterdam năm 1915, Mata Hari chỉ giữ lại tiền và tiện tay ném 3 lọ mực bí mật xuống con kênh gần đó. Cô cũng thoải mái viết thư gửi cho người đứng đầu cơ quan phản gián Pháp Ladoux ngay trong khách sạn, vô tư kể chuyện dụ dỗ tùy viên quân sự Đức Arnold Kalle với một sĩ quan Pháp...
Mặc dầu Kalle có để lộ cho Mata Hari biết một vài thông tin cơ mật, nhưng ông ta nhanh chóng khám phá ra rằng, cô là điệp viên hai mang. Kelle cố ý gửi một loạt các thông tin bằng mật mã mà ông biết thế nào Pháp cũng lần ra về Berlin. Tất nhiên, đây chỉ là mưu kế khiến Pháp tóm cổ cô điệp viên ngờ nghệch.
Điều mà Mata Hari không hề biết là từ tháng 12/1916, Ladoux đã phát hiện Mata Hari còn nhận lời do thám cho Đức. Trở lại Paris vào tháng 1/1917, Mata Hari bị hai cảnh sát Pháp theo dõi sát nút. Ladoux ngoảnh mặt làm ngơ và không trả tiền cho thông tin cô mọi được từ Kalle. Tiền cạn dần khiến Mata Hari túng bấn, phải chuyển tới các khách sạn ngày càng rẻ tiền ở thủ đô Pháp.
Ngày 13/2/1917, 5 thanh tra cảnh sát cùng sĩ quan cấp trên của họ đột nhập phòng Mata Hari tại Khách sạn Palace Élyseé. Cô bị bắt vì tội “gián điệp hai mang, đồng lõa với kẻ thù”.
Ảnh chụp Mata Hari khi bị cảnh sát Pháp bắt ngày 13/2/1917. Ảnh: NatGeo |
Giới chức Pháp lúc bấy giờ không có mấy bằng chứng trong tay chống lại Mata Hari, nhưng muốn có ai đó để đổ trách nhiệm cho những tổn thất quá lớn của nước này trong thời chiến, nhằm vực dậy tinh thần người dân trong nước.
Mata Hari bị giam giữ ở nhà tù Saint-Lazare, rồi bị đưa ra xét xử trước tòa án binh Pháp. Trước tòa, cô vẫn hy vọng mình sẽ được minh oan. “Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể cho Pháp”, Mata Hari nhấn mạnh trong phiên xử ngày 24/7/1917. Tuy nhiên, rốt cuộc, chánh án vẫn tuyên tử hình đối với cô vì tội làm gián điệp cho kẻ thù Đức.
Mata Hari vẫn giữ vẻ hiên ngang và kiều diễm khi bị xử bắn. Ảnh: Word Press |
Buổi xử bắn Mata Hari được tổ chức bí mật, vào lúc mờ sáng ngày 15/10/1917 tại một vùng ngoại ô Paris. Trong những giây phút cuối cùng, cô từ chối không đeo băng đen bịt mắt cũng như không muốn bị trói chặt vào cột. Cho tới tận lúc bị hành quyết, Mata Hari vẫn giữ tư thế ngẩng cao đầu, đầy kiêu hãnh và kiều diễm, khiến viên sĩ quan điều khiển cuộc hành hình cũng phải thốt lên: “Chúa ơi! Quý cô này thật biết cách kết thúc cuộc đời mình”.
Đoạn video giới thiệu một bộ phim về Mata Hari năm 2016.
Cái chết của Mata Hari làm rúng động dư luận Pháp lúc bây giờ cũng như để lại sự tiếc nuối với những người từng si mê vẻ đẹp cũng như tài năng của cô.
Cuốn tiểu sử đầu tiên về Mata Hari được xuất bản ngay trong năm 1917, chỉ vài tuần sau khi cô ra đi ở tuổi 41. Kể từ đó, cuộc đời thăng trầm cùng những tình tiết ly kỳ, chưa được làm rõ về cuộc đời cô vũ nữ thoát y nóng bỏng dấn thân làm điệp viên tay ngang, đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của khoảng 250 cuốn tiểu sử, tiểu thuyết bằng 60 ngôn ngữ khác nhau cùng nhiều vở kịch, bộ phim về cô hoặc một nhân vật giả tưởng tương tự.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Vụ bạo loạn thảm khốc trên tàu chiến Mỹ
Ngày 11/10/1972 xảy ra vụ đụng độ tồi tệ nhất lịch sử Hải quân Mỹ, giữa thủy thủ da đen và thủy thủ da trắng trên chiến hạm USS Kitty Hawk ngoài khơi Việt Nam.
Ngày này năm xưa: Tổng thống chao đảo sự nghiệp vì lụy tình
Ngày 8/10/1998, Hạ viện Mỹ phê chuẩn việc xúc tiến luận tội Tổng thống Bill Clinton, mở đầu hàng loạt rắc rối làm chao đảo sự nghiệp của ông chủ Nhà Trắng lụy tình.
Ngày này năm xưa: Vụ chính biến rúng động nước Nga
Vụ "chính biến 1993" rúng động Nga chấm dứt khi phe của Phó tổng thống Rutskoi đầu hàng Tổng thống Yeltsin.
Vì sao Đại sứ Mỹ tại LHQ đột ngột từ chức?
Dư luận đang xôn xao các đồn đoán về lí do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đột ngột xin từ chức.
Vì sao ông Trump 'nghèo' đi sau khi đắc cử tổng thống?
Trong bảng xếp hạng 400 người Mỹ giàu nhất của Forbes, Tổng thống Trump bị tụt bậc nghiêm trọng so với khi mới lên nắm quyền ở Nhà Trắng.
Tiết lộ vụ tướng Mỹ từng âm mưu dùng vũ khí hạt nhân ở VN
Năm 1968, Tướng Mỹ Westmoreland đã "qua mặt" Tổng thống Johnson để xúc tiến kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân vào sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.