B-2 Spirit có thể dội các loại vũ khí hủy diệt vào sâu trong không phận được bảo vệ kiên cố nhất của đối phương. Điều này khiến nó trở thành một cỗ máy chiến tranh đáng sợ nhất mà đến nay vẫn chưa có đối thủ ngang tầm.

vi sao
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Ảnh: Flightglobal

Khả năng tàng hình siêu việt

B-2 Spirit là máy bay ném bom tàng hình chiến lược hạng nặng của Mỹ, với sải cánh dài 52m, tương đương với chiều dài của một nửa sân bóng đá. Buồng lái của nó phình rộng ra khiến bề ngoài của B-2 trông giống như một con tàu vũ trụ trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng năm 1950, tương phản với hai cánh có các rãnh nhỏ được thiết kế nghiêng 45 độ.

Tại sao B-2 Spirit lại có hình dáng kỳ lạ như vậy và thiết kế này giúp nó tránh radar như thế nào?

Máy bay ném bom B-2 được Mỹ chế tạo vào cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh nhằm mục đích qua mặt mạng lưới phòng không “đáng gờm” của Liên Xô. Hệ thống phòng không  này được tích hợp radar trên mặt đất, tên lửa đất đối không, máy bay đánh chặn trên không và máy bay radar, kiên cố đến mức các nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển máy bay ném bom bay cao hơn và nhanh hơn đều vô ích ở thời điểm bấy giờ.

Radar là xương sống của bất cứ hệ thống phòng không hiện đại nào, vì vậy Lầu Năm Góc đã tìm cách phát triển 1 máy bay tàng hình có thể giảm thiểu mặt cắt ngang của radar để tránh bị phát hiện.

Máy bay tàng hình đầu tiên của Không quân Mỹ F-117 Nighthawk là một sự khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng nó chỉ có thể mang hai quả bom và bay hơn 1.400km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Tuy nhiên khoảng cách này vẫn chưa đủ xa để thực hiện một cuộc tấn công chiến lược vào sâu trong lãnh thổ của đối phương.

Vào những năm 1930 và 1940, các kỹ sư hàng không đã thử nghiệm các thiết kế máy bay “flying wing” - thân cánh liền khối hay máy bay không đuôi, giống chiếc Horten Ho 229 của quân đội Đức Quốc xã. Thiết kế này tạo ra lực đẩy bổ sung, đồng thời giúp máy bay khó bị radar phát hiện nhờ hình dáng trơn tru ít góc cạnh hơn máy bay chiến đấu thông thường.

Tuy nhiên, nhược điểm của máy bay này là thiếu phần đuôi, thường dẫn đến tình trạng mất ổn định khi bay và rất nguy hiểm cho người điều khiển.

Thiết kế của B-2 được ra đời ở thời điểm bước ngoặt khi công nghệ fly-by-wire (Hệ thống điều khiển máy bay bằng điện tử) được sử dụng rộng rãi. Fly-by-wire là hệ thống điện - điện tử thay thế cách điều khiển thủ công truyền thống. Phi công vẫn ra lệnh điều khiển, nhưng chuyển động của cần lái và tay ga sẽ chuyển thành tín hiệu điện tới máy tính kiểm soát bay. Máy tính sau đó điều khiển hệ thống thủy lực để tạo ra chuyển động theo ý muốn phi công.

Bên cạnh đó, động cơ phản lực là một điểm yếu trong các thiết kế tàng hình vì nó dễ lọt vào tầm ngắm của radar do khí thải của động cơ sẽ tạo thành các điểm nóng có thể phát hiện được bằng cảm biến hồng ngoại. Để khắc phục nhược điểm này, các cửa hút khí của Spirit được bố trí trên đỉnh cánh và luồng không khí có thể đi qua các ống dẫn hình chữ S đến 4 động cơ turbine phản lực F118 ở trong máy bay. Ngoài ra, Spirit còn sử dụng các cửa hút gió thứ cấp để hút không khí lạnh xung quanh và trộn luồng khí này với khí nóng phát ra từ máy bay, sau đó đẩy ra ngoài để khuếch tán nhiệt.

Một đặc tính quan trọng khác của B-2 là được chế tạo bằng vật liệu hấp thụ radar. Lớp vỏ ngoài của máy bay chủ yếu được tạo thành từ vật liệu carbon không dẫn điện kết hợp với titan. Những bộ phận dễ bị phát hiện bởi radar, chẳng hạn như cửa hút, các cạnh của cánh, được phun thêm lớp phủ bằng vật liệu hấp thụ radar. Bên cạnh đó, vỏ ngoài cũng được phủ bằng một chất liệu có tính đàn hồi để “làm phẳng” các đường nối, ốc vít hoặc khớp nối giữa các vật liệu khác nhau vốn có thể tạo ra vết nứt trên thân máy bay.

B-2 Spirit có các khoang đặc biệt, được thiết kế để giải phóng hóa chất nhằm che phủ vệt khói mà máy bay tạo ra trên bầu trời nhằm che dấu vết nhưng chúng chẳng bao giờ được sử dụng. Thay vào đó, Spirit có các cảm biến LIDAR phát hiện các vệt khói này và giúp phi công điều chỉnh độ cao để loại bỏ chúng.

Uy lực “đáng gờm” của B-2 Spirit

B-2 có thể mang theo từ 20 đến 30 tấn vũ khí, bay với tốc độ hơn 1.000km/h, có tầm hoạt động hơn 11.000 km với 2 đến 4 lần tiếp nhiên liệu trên không trung. Điều này cho phép nó thực hiện sứ mệnh không ngừng nghỉ kéo dài gần 2 ngày, khi được triển khai từ căn cứ Whiteman ở Missouri để tấn công các mục tiêu trên toàn cầu.

Phi hành đoàn của B-2 Spirit có 2 người gồm 1 chỉ huy nhiệm vụ và 1 phi công. B-2 có phòng riêng cho thành viên phi hành đoàn để chợp mắt, toilet và nơi để thức ăn, lò vi sóng.

Khi B-2 tiếp cận không phận của đối phương, nó sẽ chuyển sang chế độ tàng hinh, ăngten được rút lại, một số bộ phận liên lạc bị ngắt. Nếu bị radar tầm xa và tên lửa của đối phương đe dọa, nó sẽ hạ xuống vĩ độ thấp để tránh bị phát hiện. Không giống như máy bay tàng hình Nighthawk đời đầu, B-2 Spirit được trang bị radar APQ-181, rất hữu ích trong việc điều hướng và quét các mục tiêu trên mặt đất. Ngoài ra nó cũng có thể vẽ sơ đồ vị trí máy bay chiến đấu và radar của đối phương.

Đối với nhiệm vụ tấn công hạt nhân, vốn được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất, B-2 có thể mang theo 16 quả bom hạt nhân trọng lực B-61 hoặc B-83. Hệ thống điện tử của Spirit có thể chống chịu các xung điện từ phát ra từ vụ nổ hạt nhân và phi công cũng được cung cấp mặt nạ bảo vệ để bảo vệ mắt họ tránh khỏi luồng sáng của vụ nổ.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, không quân Mỹ đã vội vàng điều chỉnh để B-2 phù hợp với việc sử dụng các vũ khí thông thường. Nó có thể mang theo 80 quả bom Mark 82 nặng hơn 226 kg, hay bom chùm, mìn có trọng lượng tương đương. Vào cuối những năm 1990, B-2 đã được điều chỉnh để mang theo bom thông minh JDAM.

B-2 có thể mang theo bom lượn thông minh AGM-154 JSOW và tên lửa hành trình tàng hình tầm xa AGM-158 JASSM, cho phép nó thực hiện các cuộc tấn công mà không cần tiến quá gần đến radar phòng không hiện đại của đối phương. B-2 được thiết kế đặc biệt để chứa tối đa 2 quả bom GBU-57, có thể bắn phá các boongke chỉ huy hay các căn cứ chứa vũ khí ngầm nằm sâu hơn 60m dưới lòng đất.

Với tính năng và sức mạnh kể trên, đến thời điểm hiện tại, B-2 Spirit vẫn chưa có đối thủ ngang tầm. Phi đội B-2 dự kiến sẽ còn hoạt động 20 năm nữa hoặc lâu hơn, đóng vai trò xương sống trong lực lượng không quân Mỹ.

Theo VOV

Tiết lộ sứ mệnh của máy bay vũ trụ bí mật Mỹ

Tiết lộ sứ mệnh của máy bay vũ trụ bí mật Mỹ

Một quan chức quân sự Mỹ mới đây đã chia sẻ với công chúng lịch trình của máy bay vũ trụ X-37B, điều mà từ trước tới nay luôn được giấu kín.

Sức mạnh đặc biệt của máy bay ném bom Mỹ điều tới Biển Đông

Sức mạnh đặc biệt của máy bay ném bom Mỹ điều tới Biển Đông

Hai máy bay ném bom B-1B Lancer của không quân Mỹ đã có chuyến bay khứ hồi kéo dài 32h làm nhiệm vụ tại Biển Đông vào tuần trước.