Tại hội nghị tổng kết năm của Bộ LĐ-TB&XH sáng nay, Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp cho biết, năm 2018, Bộ đã hoàn thành các chỉ tiêu QH, Chính phủ giao - như giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm số hộ nghèo…

Mặc dù vậy, ngành vẫn còn những tồn tại như: Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; còn xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận, để hưởng chế độ, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, ưu đãi người có công… gây dư luận không tốt trong xã hội.

Các vụ vi phạm quyền trẻ em diễn biến phức tạp. Vẫn còn một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường gây bức xúc dư luận và xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề bảo vệ trẻ em thời gian qua còn nhiều bức xúc nhưng có nhiều việc chưa làm được.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

"Ngay việc dễ nhất là lập ban chỉ đạo bảo vệ trẻ em, Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng đến nay vẫn còn 17 tỉnh chưa làm" - Phó Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu trong 1 tháng tới nếu địa phượng nào chưa làm sẽ báo cáo Thủ tướng phê bình.

Ngăn chặn tình trạng biến tướng đi XKLĐ

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, năm qua, cả nước đưa được trên 142.800 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt 29,9% kế hoạch). Đây là năm thứ 5 liên tiếp xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm, và là năm cao nhất từ trước đến nay.

Về thị trường lao động, Nhật Bản lần đầu tiên vượt lên dẫn đầu thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan (TQ), Hàn Quốc…

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hướng tới thị trường lao động có thu nhập cao

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, năm 2018 thị trường Nhật vươn lên là do nước này bắt đầu áp dụng luật lao động mới, cho phép người lao động ở lại lâu hơn (từ 3 lên 5 năm).

Tuy nhiên, theo ông Diệp, bên cạnh những thuận lợi, năm qua phía Nhật đã rà soát và đình chỉ một số công ty du học sinh đưa lao động sang Nhật để đi làm. Thực tế này khiến chúng ta phải xem xét lại quy định để ngăn chặn tình trạng biến tướng, nói đi du học nhưng thực chất là đi lao động.

“Nếu đi theo con đường lao động sẽ mất chi phí cao. Điển hình như đi Đài Loan khoảng 80 triệu đồng, nhưng nếu đi theo con đường du lịch chỉ mất tiền vé máy bay, phí visa nên vẫn có người chọn đi du lịch rồi bỏ trốn”, ông Diệp cho hay.

Phó Thủ tướng đánh giá, năm 2018 lao động đi làm việc nước ngoài đạt số lượng kỷ lục nhưng cần phải chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đưa đi những thị trường lao động có trình độ tay nghề, thu nhập cao.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố sống còn, tuy nhiên hiện nay cả nước vẫn còn tới 39% lao động làm nông nghiệp, trong khi các nước chỉ khoảng 10%. Do vậy, các địa phương cần phải cải thiện môi trường đầu tư để có thêm nhiều nhà máy, doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch lao động sang khu vực lao động có trình độ tay nghề.

Phó chủ tịch xã xin nghỉ việc đi xuất khẩu lao động

Phó chủ tịch xã xin nghỉ việc đi xuất khẩu lao động

Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có đơn xin nghỉ việc để sang Đức lao động.  

Vũ Điệp