Bộ Nội vụ hôm nay tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
Cần quy định việc sử dụng mạng xã hội với cán bộ, công chức
Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Nguyễn Huyền Hạnh cho biết đề án này xuất phát từ thực trạng một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, văn hóa công sở.
Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Nguyễn Huyền Hạnh |
Vì vậy, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Bà Hạnh cho biết có 4 nội dung của văn hóa công vụ: Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; Chuẩn mực về đạo đức, lối sống; Trang phục.
Đề án Văn hoá công vụ quy định: Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. |
Một trong các giải pháp đầu tiên đề án đưa ra là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ góp phần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả của nền công vụ...
Nhiều ý kiến nhìn nhận đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh cả nước chung tay cải cách hành chính và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, nhằm phát huy tính gương mẫu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; đặc biệt chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ.
Để khắc phục tình trạng công chức lựa chọn việc dễ, tránh việc khó, sử dụng thời giờ làm việc chưa hiệu quả và chưa tuân thủ nghiêm thứ bậc hành chính, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết; đặc biệt cần quy định rõ kỷ luật phát ngôn và sử dụng mạng xã hội đối với cán bộ, công chức.
Có chế tài xử lý vi phạm
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các quan quan hành chính nhà nước và quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, giúp cho hoạt động được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng, trụ sở, cảnh quan môi trường làm việc văn minh, hiện đại.
"Đây là đề án lớn, được chuẩn bị công phu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời kỳ cả nước đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức", Bộ trưởng nói.
Ông đề nghị các đơn vị phải triển khai ngay và xem đây là nhiệm vụ chung của các cơ quan hành chính nhà nước; nhiệm vụ triển khai trong Bộ Nội vụ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Ông giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ rà soát các quy định tại các văn bản có liên quan đến văn hóa công vụ, văn hóa công sở, để bổ sung vào quy chế đánh giá hàng năm, quy chế làm việc…
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị khi xây dựng văn bản cần có chế tài xử lý vi phạm nhằm đề cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện tốt nhất đề án.
Công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng
Công chức, viên chức không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Thu Hằng