Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần vào hồi 2h52 ngày 7/8 tại Hà Nội.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở cương vị công tác nào, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì nước, vì dân.

Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001), ông Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyen Tong Bi thu Le Kha Phieu: Tam guong cong hien het minh hinh anh 1

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370, ngày 19/2/1998, tại Cần Thơ. Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ nổi tiếng ở một vùng đất địa linh nhân kiệt - cái nôi của người Việt cổ với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ - được hun đúc bởi truyền thống quật cường của quê hương và dân tộc, ông đã sớm được giác ngộ cách mạng và nhiệt huyết tham gia các phong trào ở địa phương.

Từ người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, qua năm tháng rèn luyện, ông Lê Khả Phiêu trở thành người cán bộ chính trị quân sự dày dạn kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy chiến đấu. Gần 90 tuổi đời, ông đã có hơn 70 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Người lính, người cán bộ chính trị quân sự dày dạn kinh nghiệm

Tháng 5/1950, ông Lê Khả Phiêu được điều động vào quân đội và đứng trong quân ngũ gần 50 năm, cầm súng chiến đấu qua các nẻo đường kháng chiến, từ Bắc vào Nam và khắp các chiến trường Đông Dương từ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ rồi 10 năm giúp bạn.

Từ người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, qua năm tháng đã tôi rèn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trở thành người cán bộ chính trị quân sự dày dạn kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy chiến đấu.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trên cương vị Chính ủy Trung đoàn, sau đó kiêm Trung đoàn trưởng, ông đã chỉ huy trung đoàn tiến công làm chủ cố đô Huế và chốt giữ, bảo vệ thành cổ suốt 26 ngày đêm khốc liệt.

Cũng tại chiến trường ác liệt này, sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, ông được để bạt làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên-Huế.

Tháng 5/1974, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 và trong cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975, Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Do yêu cầu của nhiệm vụ mới sau chiến tranh, ông được điều động về làm Phó Bí thư Quân khu ủy, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta vừa kết thúc thắng lợi, thì tập đoàn phản động Pol Pot-Yeng Sari, về đối nội, đã thi hành chính sách diệt chủng tàn sát dân tộc Khmer; về đối ngoại, chúng cho quân đánh phá, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới từ Gia Lai đến Kiên Giang, kể cả các hải đảo của nước ta ở vùng biển phía Tây Nam.

Để bảo vệ bờ cõi và cứu một dân tộc khỏi thảm họa diệt vong, theo yêu cầu khẩn thiết của nhân dân Campuchia, tháng 1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam đã vào Campuchia phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia, đánh đổ chế độ Khmer đỏ diệt chủng và trong 10 năm giúp bạn (1979-1989) làm cho đất nước Chùa Tháp hồi sinh.

Trong đội quân tình nguyện ấy, ông Lê Khả Phiêu là người tham gia chỉ huy những trận đánh đầu tiên ở một cánh quân, một mặt trận. Ông lần lượt đảm đương vị trí Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Tư lệnh về chính trị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia cho đến ngày thắng lợi trở về Tổ quốc vào năm 1989.

Từ người cán bộ chính trị dày dạn trận mạc ở cấp binh đoàn, ông được điều động bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tháng 9/1991. Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng tháng 4/1984, Trung tướng tháng 6/1988, Thượng tướng tháng 7/1992 và là đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.

Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), ông  Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội Nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Tổng Bí thư tâm huyết với công tác xây dựng Đảng

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, tháng 6/1991, ông Lê Khả Phiêu được bầu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, và tháng 6/1992, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Bí thư Trung ương Đảng.

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 1/1994, ông được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị. Năm 1996, tại Đại hội VIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị.

Tháng 12/1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ông được bầu làm Tổng Bí thư. Trên cương vị Tổng Bí thư, ông Lê Khả Phiêu đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng để Đảng xứng đáng là đội tiên phong chiến đấu lãnh đạo đất nước tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

Trong các bài diễn văn, các bài phát biểu ở những dịp lễ trọng đại của đất nước, người ta thấy toát lên từ Tổng Bí thư sự kiên định, nhiệt huyết và trung thành với mục tiêu lý tưởng.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), với tinh thần rất cao trước Đảng và nhân dân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng một cách đầy nhiệt huyết và sâu sắc. Chính từ Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.

Một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền là xa dân, thiếu dân chủ và dân vận ngày càng ít được chú trọng, vì vậy trong nhiều bài nói, bài viết của mình, ông thường xuyên nhắc nhở vấn đề dân chủ, dân vận và đại đoàn kết dân tộc.

Trung ương Đảng đã nỗ lực để ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật. Một trong những biện pháp cốt lõi để phát huy và mở rộng dân chủ cơ sở là thông qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng “thực hiện dân chủ ở cơ sở phụ thuộc rất lớn vào hệ thống chính trị… Tổ chức đảng và hệ thống chính trị yếu kém thì không thể nói gì đến dân chủ đúng hướng.

Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng ở ngay tại cơ sở mà tổ chức đảng, bộ máy chính quyền lại xa dân tới mức quan liêu, thậm chí dùng quyền lực ức hiếp nhân dân, tự đặt ra những quy định phiền hà dân”, trả lời phỏng vấn Báo Người lao động, số Xuân Kỷ Mão, 1999.

Mặc dù đã thôi giữ những trọng trách lớn, nhưng ông vẫn là gương mặt ấn tượng trên các diễn đàn và với giới truyền thông, từ đó truyền đi những thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ, đấu tranh quyết liệt với sự tha hóa, hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Người lãnh đạo gần dân

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quan tâm đến nhiều giới, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, từ khoa học, giáo dục-đào tạo đến văn hóa, văn nghệ, báo chí, từ công tác xóa đói giảm nghèo đến giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ… Ở diễn đàn nào cũng thấy toát lên từ ông sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm rất cao.

Mặc dù công việc của người lãnh đạo cao nhất của Đảng rất bộn bề, song ông luôn dành thời gian đi nhiều địa phương, thăm và làm việc với nhiều cấp, ngành, để lại dấu ấn là người quan tâm, am hiểu, sâu sát.

Nguyen Tong Bi thu Le Kha Phieu: Tam guong cong hien het minh hinh anh 2

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi công nhân phân xưởng đóng mới nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 27/8/2000. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Đến với Hà Giang - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, một tỉnh miền núi nghèo và khó khăn nhất cả nước, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhắc nhở “phải bảo vệ biên giới của chúng ta hòa bình, hữu nghị, ổn định để phát triển”- Bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XIII, ngày 4/12/2000.

Đối với TP.HCM - thành phố lớn nhất, đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, một trọng điểm trong cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” trong quá trình công nghiệp hóa-hiện địa hóa và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ông Lê Khả Phiêu chỉ rõ: “ Đối với một đảng cầm quyền, nguy cơ lớn nhất là nguy cơ suy thoái về chính trị, suy thoái về đạo đức. Kẻ thù hiểu rằng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thì phải chuyển hóa Đảng Cộng sản, làm cho Đảng Cộng sản không còn nữa, hoặc làm cho Đảng Cộng sản còn tên mà đã biến chất”.

Vì vậy, Đảng bộ Thành phố “phải khắc phục sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, nguyên tắc và ý thức tổ chức, đạo đức lối sống, mơ hồ về bản chất dân tộc và giai cấp của cuộc đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới, mất cảnh giác, ảo tưởng, ỷ lại, chùn bước trước khó khăn” - bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa VII, ngày 19/12/2000.

Với thủ đô Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư dành sự quan tâm đặc biệt và yêu cầu: “Lời dạy của Bác Hồ là định hướng cơ bản, lâu dài, xuyên suốt trong toàn bộ chủ trương, chính sách, công tác và hành động đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội.

Vì Hà Nội là trái tim của chế độ xã hội chủ nghĩa, là thành trì xã hội chủ nghĩa của cả nước, tiêu biểu cho bản lĩnh chính trị kiên định của nhân dân ta, góp phần sáng tạo và nhân lên sức sống của đường lối chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa tỏa rộng khắp cả nước, cho nên “những quan điểm mập mờ, do dự về con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực phải được đấu tranh phê phán rõ ràng và sòng phẳng” - bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XIII, ngày 27/12/2000.

Cuối năm 1999, các tỉnh miền Trung phải hứng chịu hai trận lụt lớn. Qua các phương tiện truyền thống, người ta thấy nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xắn quần, lội bộ đi kiểm tra chống lũ, mang đến cho đồng bào, đồng chí miền Trung sự tin tưởng và ấm lòng vào Trung ương và đồng bào cả nước. Khi chưa kịp về thăm các tỉnh bị lũ, ông có thư điện gửi toàn thể đồng bào và đảng bộ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng, chia sẻ những mất mát, khó khăn…

Phát biểu tại Lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng ông Lê Khả Phiêu (ngày 25/8/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng đánh giá: "Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, ông luôn có tác phong gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe cấp dưới, phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động lãnh đạo, tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người đi sau. Chúng tôi luôn học tập ở ông về phương pháp, tác phong làm việc sâu sát, cụ thể và hiệu quả"

Là người lính dày dạn kinh nghiệm, đi qua các cuộc chiến tranh, kinh qua nhiều chức vụ, cho đến lúc đã nghỉ hưu, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn luôn là một người nhiệt huyết, hết mình cống hiến, có trách nhiệm với Đảng, với dân, với nước.

Đúng như lời đồng chí từng bày tỏ: tuy tôi đã được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng không có nghĩa là chỉ ăn và nghỉ, mà phải tiếp tục nghĩa vụ của người đảng viên cộng sản là làm được điều gì có lợi cho Đảng, cho nước, cho dân, khi tim còn đập thì còn cống hiến.”

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất đi nhưng hình ảnh một Tổng Bí thư hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân sẽ còn sống mãi trong chúng ta.

Theo TTXVN

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần vào hồi 2h52 ngày 7/8 tại Hà Nội. Lễ viếng, Lễ Truy điệu, Lễ An táng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sau.