Thông tin với báo chí sáng 25/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, công tác phòng, chống dịch của thành phố đang chuyển dần sang chiến lược điều trị.

"Trong thời gian tới, việc điều trị cho người bệnh sẽ là nhiệm vụ chính. Thành phố cần điều phối, tổ chức công tác điều trị có hiệu quả và thực hiện mục tiêu giảm tử vong" - ông Mãi lưu ý.

Để thực hiện điều này, thành phố đã phân tầng, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, phương thức cũng như cơ chế phối hợp.

{keywords}
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi

“Chúng tôi đã có chủ trương, sẽ huy động các nguồn lực xã hội, kể cả các đơn vị y tế tư nhân để cùng tham gia công tác điều trị. Lực lượng nào tham gia ở tầng nào sẽ do Sở Y tế điều phối”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi nói.

Theo ông, thời gian qua, tình trạng người dân có nhu cầu trợ giúp về y tế nhưng một số trường hợp không được hỗ trợ kịp thời. Nguyên nhân do sự quá tải ở các cơ sở y tế tiếp nhận, bệnh viện tuyến quận, huyện, các bệnh viện điều trị Covid-19... Mặt khác, còn do cơ chế điều phối, điều trị của thành phố.

Thành phố sẽ giải quyết tình trạng trên bằng việc rà soát, củng cố lại, nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị các bệnh viện quận, huyện và thành phố.

Thành phố đang huy động nhiều hơn các bệnh viện tư nhân, để có thể mở rộng hơn nữa năng lực tiếp nhận và điều trị; đồng thời triển khai thêm các cơ sở dã chiến để nâng cao khả năng ứng phó tình huống số bệnh nhân tăng cao.

{keywords}
 TP.HCM chuyển dần sang chiến lược điều trị 

Đối với nguồn lực y tế, thành phố tiếp nhận một phần nguồn lực từ Trung ương, tuy nhiên TP.HCM cũng sẽ chủ động với tinh thần 5 tại chỗ. Theo đó, rà soát thật kỹ, huy động tối đa nguồn lực, điều phối khoa học các lực lượng này để giải quyết vấn đề đặt ra...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, theo thống kê hiện có 70 - 80% trường hợp F0 là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nếu hạn chế tiếp xúc, chăm sóc tốt bằng dinh dưỡng, bằng hoạt động thể chất thì người bệnh có thể tự điều trị ở nhà. Khi người bệnh có tình huống mới đến cơ sở y tế - điều này sẽ giúp tâm lý và điều kiện chăm sóc bệnh nhân thoải mái hơn, đồng thời áp lực cho hệ thống điều trị sẽ được giảm tải.

Theo HCDC, tính hết ngày 24/7, TP.HCM có 56.637 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 25/7); trong đó: 56.333 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 23/7, có thêm 1.890 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 12.371. Hiện đang điều trị 38.011 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 624 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 561 bệnh nhân tử vong.  

Tổng số hiện đang thực hiện cách ly là 47.440 trong đó: 9.512 người đang cách ly tập trung, 38.589 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. TP cũng tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú. Tổ chức khu cách ly tập trung cho các trường hợp F0 không triệu chứng tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.

  

Phó Bí thư TP.HCM Phan Văn Mãi: Dừng ngay việc giao lưu giữa các gia đình

Phó Bí thư TP.HCM Phan Văn Mãi: Dừng ngay việc giao lưu giữa các gia đình

Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi nêu thực tế còn nhiều địa bàn chưa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và yêu cầu dừng triệt để việc lưu giữa các gia đình trong khu dân cư. 

Quảng Định – Hồ Văn