Thủ tướng nhấn mạnh: Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân.

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam.

Thủ tướng cho rằng thời gian qua, các vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân, gây bất ổn xã hội.

{keywords}

Thủ tướng: Không để tình trạng cha chung không ai khóc. Ảnh: VGP

Nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực, gây lo lắng trong nhân dân.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng, không riêng lĩnh vực nào.

Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường đã diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, nhưng tại nhiều điểm nóng đó, cơ quan có thẩm quyền không chủ động giải quyết, gây tác động lớn về an ninh, chính trị.

“Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy về vấn đề môi trường. Phát triển kinh tế với gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, vấn đề này trong những tháng qua, nhiều năm qua, Chính phủ đã suy nghĩ, đã quyết liệt chỉ đạo nhưng do nhiều nguyên nhân nên những yếu kém chưa được giải quyết triệt để, nhất là trách nhiệm ở các cấp ngành, địa phương đang trực tiếp quản lý việc cấp phép liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Trước thực tế trên, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về bảo vệ môi trường để làm rõ hơn thực trạng, đề ra giải pháp, từ đó góp phần chuyển biến tình hình.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thực trạng ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực hiện nay, làm rõ những hạn chế, yếu kém về công tác quản lý nhà nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là yếu kém trong hệ thống, của Bộ TN&MT, các sở, chi cục quản lý môi trường.

“Bây giờ anh nói đủ thứ việc nhưng anh cấp phép thì trách nhiệm anh đến đâu. Ở bộ trách nhiệm thế nào, phân công, phân cấp phải chịu trách nhiệm rõ hơn. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm rõ hơn chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc, cứ nói qua nói lại”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận các khó khăn, thách thức đối với nước ta trong bảo vệ môi trường như về kinh phí, trình độ khoa học công nghệ…

“Đất nước đang phát triển, áp lực về môi trường rất lớn nên chúng ta phải làm rõ quan điểm, giải pháp cả trước mắt và lâu dài về xử lý vấn đề môi trường. Tinh thần là tuân thủ đúng luật bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân”, Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu chỉ đạo phải nhìn thẳng vào sự thật về thực trạng về môi trường hiện nay.

Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ có chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đến năm 2020.

Mỗi năm 2.000 dự án tác động môi trường

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhận định môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trong nước.

Hàng năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện tại trong số 615 cụm công nghiệp, chỉ 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc tự xử lý nước thải.

Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…

Dẫn sự cố Formosa, người đứng đầu Bộ TN&MT thừa nhận, sự cố môi trường đặc biệt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; đồng thời đã làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.

Theo Bộ trưởng, việc xuất hiện những tồn tại trên chủ yếu do nguyên nhân chủ quan: Một số ngành, địa phương chỉ chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt nên dễ dãi trong việc thẩm định, xét duyệt dự án; hiệu lực, hiệu quả trong việc phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm của nhà nước chưa cao...

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu, nếu chậm trễ, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm của thế giới”- Bộ trưởng TN&MT quan ngại.

Về lâu dài, đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương từ 2017, tăng tỉ lệ chi ngân sách cho hoạt động này.

Kiến nghị QH giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao do QH và Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tại cấp địa phương, giao HĐND cấp tỉnh thực hiện giám sát.

Không được thu hút đầu tư bằng mọi giá

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định, vừa qua việc đánh giá các dự án có tác động môi trường còn dễ dãi. Ông đề nghị những dự án đánh giá rồi phải đánh giá lại, phải kiểm tra chặt chẽ công nghệ của các dự án.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương phải có kế hoạch cụ thể, phải nắm người có tóc trước, quy định rõ trách nhiệm, lâu nay chỉ nói nhiều, hành động ít.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhấn mạnh bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển.

Tuy nhiên Thủ tướng chỉ đạo: “Không được thu hút đầu tư bằng mọi giá, phải chú trọng tiêu chí môi trường. Kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường”.

Thủ tướng khẳng định không cho phép đầu tư các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, các dự án tiềm ẩn nguy cơ và hoan nghênh một số địa phương vừa qua đã từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Thủ tướng cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ là với trách nhiệm tương lai, mà đang thực trạng đang hiện hữu. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình do đó cần phải có những giải pháp ngay lập tức chứ không phải trung, dài hạn.

Do đó người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mỗi ngành, địa phương phải có nghị quyết chuyên đề về vấn đề môi trường, phải có đề án giải quyết vấn đề môi trường một cách chủ động.

Thủ tướng cho biết thứ 3 tuần sau, Chính phủ sẽ công bố chỉ thị cụ thể để triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường và yêu cầu Bộ TN&MT tiếp thu các ý kiến, quan điểm, giải pháp để đưa vào chỉ thị trình Thủ tướng ký ban hành.

Thúy Hạnh