Chia sẻ với VietNamNet nhân Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) diễn ra hôm nay (12/12), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường ghi nhận, công tác PCTN ngày càng được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có cả việc hoàn thiện thể chế về PCTN.

Chế định kiểm soát tài sản thu nhập có sự tiến bộ rất lớn

"Về cơ bản, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật về PCTN, quản lý kinh tế - xã hội để PCTN một cách tương đối đầy đủ, toàn diện và đồng bộ", ông Cường nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, đặc biệt chúng ta đã hoàn thiện một bước pháp luật về PCTN, Luật PCTN quy định rõ ràng hơn các biện pháp về phòng ngừa tham nhũng, quy định rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện công tác PCTN.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể hơn việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và quy định việc xử lý khi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, xử lý người thiếu trách nhiệm hoặc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng…

“Các văn bản được quy định chặt chẽ, không có kẽ hở để cán bộ công chức có thể lợi dụng để tham nhũng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá.

Đi đôi với hoàn thiện pháp luật về PCTN, ông Cường cho biết, công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN cũng được quan tâm, tăng cường. Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đẩy mạnh hoạt động giám sát công tác PCTN dưới nhiều hình thức, tập trung các vấn đề bức xúc.

Như ông nói, việc sửa luật PCTN là "điểm sáng" trong hoàn thiện thể chế PCTN. Vậy đâu là điểm nổi bật trong Luật PCTN?

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật PCTN 2018 chính là những chế định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật trước đây chế định là minh bạch, còn luật mới đây là chế định kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thực tế trước quy định rất nhiều đối tượng phải kê khai tài sản với hàng triệu đối tượng kê khai nhưng chỉ phát hiện vài người kê khai không trung thực.

Thứ hai, chúng ta quy định vê cơ quan kiểm soát, xác minh tài sản thu nhập quá tản mạn, nhiều đầu mối, không chuyên nghiệp, lại phụ thuộc người đứng đầu, nên không hiệu quả. Rồi căn cứ để xác minh tài sản, thu nhập rất hẹp ví dụ như bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, hay khiếu nại tố cáo mới tiến hành xác minh.

Việc xử lý kê khai không trung thực cũng rất hình thức. Ví dụ như vụ xây biệt phủ nhờ buôn chổi đót xử lý không nghiêm.

Chính vì thế, Luật PCTN sửa đổi năm 2018 đã khắc phục những điều này.

Trước hết, đối tượng kê khai được mở rộng nhưng lại thay đổi hình thức kê khai cho phù hợp. Kê khai ban đầu đối với tất cả các đối tượng, còn sau đó hàng năm chúng ta chỉ tập trung vào những người có chức vụ quyền hạn từ giám đốc sở trở lên.

Như vậy, đối tượng trực tiếp kiểm soát kê khai tài sản hàng năm thu hẹp lại, tập trung vào những đối tượng dễ có điều kiện để tham nhũng.

Và cơ quan kiểm soat tài sản thu nhập tập trung hơn, thu gọn hơn, ví dụ cơ quan hành pháp, tập trung hết vào cơ quan thanh tra. Như vậy, đảm bảo chuyên nghiệp hơn, có bộ máy, có nghiệp vụ và quan trọng nhất là đảm bảo tính độc lập.

Họ có thẩm quyền hơn trong kiểm soát, xác minh tài sản thu nhập, đặc biệt, đã mở rộng việc kiểm soát ngẫu nhiên, bất kể ai cũng có thể ngẫu nhiên bị kiểm tra. Điều này, bắt buộc ai cũng phải trung thực trong kê khai. Rồi xử lý, nếu kê khai không trung thực, sẽ bị loại bỏ khỏi quy hoạch, không được bổ nhiệm…
 
Mặc dù, các quy định này chưa giải quyết được cặn kẽ vấn đề xử lý tài sản của cán bộ tăng thêm bất thường mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Tuy nhiên, phải khẳng định chế định kiểm soát tài sản thu nhập của chúng ta hiện nay có sự tiến bộ rất lớn.

Tôi nghĩ, chỉ cần thực tiện tốt điều đó, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của chúng ta sẽ tốt hơn trước rất nhiều.

Thực hiện không tốt, không nghiêm thì pháp luật cũng chỉ trên giấy

Có ý kiến cho rằng, kết quả công tác PCTN thời gian qua mang đậm dấu ấn cá nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ông suy nghĩ gì về nhận định này?

Phải khẳng định thể chế PCTN của ta tương đối tốt, pháp luật luôn hoàn thiện, cả về PCTN và cả văn bản về quản lý kinh tế- xã hội để phòng ngừa tham nhũng, đi tới chuẩn mực chung của thế giới.  

Tuy nhiên, có thể chế tốt nhưng phải tổ chức thực hiện cho tốt. Luật pháp tốt đến đâu mà tổ chức thực hiện không tốt, không nghiêm thì pháp luật cũng chỉ dừng lại trên giấy.

Cho nên thể chế tốt rồi thì quan trọng nữa là ý thức, trách nhiệm của người thực thi công vụ phải được tăng cường hơn nữa, đặc biệt người đứng đầu. Nếu người đứng đầu có trách nhiệm càng cao, càng gương mẫu thì pháp luật càng nghiêm.

Điều này thể hiện rõ trong thời gian qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN là người rất quyết liệt trong công tác PCTN và rất gương mẫu nên đã đẩy mạnh hơn nữa công tác thực thi pháp luật.

Vì vậy, kết quả công tác phòng chống tham nhũng phụ thuộc cả vào thể chế và tổ chức, thực thi pháp luật.

Ông đánh giá thế nào về mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban thay vì do Thủ tướng đứng đầu như trước đây?

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đến nay, đã có 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.

Cấp độ 1 do Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo. Cấp độ 2 do Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Cấp độ 3 là các tỉnh, thành ủy theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, tức án cấp độ 1 là 133 vụ án, 94 vụ việc. Đến nay, các cơ quan điều tra kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo.

Trước đây Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN là cơ quan Nhà nước do Thủ tướng làm Trưởng ban. Việc này được quy định trong Luật PCTN năm 2005. Sau này khi sửa luật, ta thấy cần nâng cao hơn nữa vị thế và tính độc lập của cơ quan này, làm cho cơ quan này có đủ thẩm quyền, không chỉ có thẩm quyền về mặt Nhà nước mà còn thẩm quyền trong Đảng.

Vì thế, Luật sau này quy định đưa Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Chính phủ thành Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. 

Như vậy vừa đảm bảo về thẩm quyền, vừa đảm bảo về tính độc lập và trên thực tế, mô hình này đã phát huy rất tích cực trong công tác PCTN như thực tế vừa qua chúng ta thấy.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng ban, từ khi thành lập vào tháng 2/2013 đến nay, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thậm chí là cán bộ cấp cao đều bị xử lý. Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng trong PCTN, xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Điều mà cử tri và nhiều người băn khoăn là liệu thời gian tới "công tác phòng chống tham nhũng có chùng xuống hay không không, theo ông yếu tố nào quyết định điều này?

Theo tôi, điều này phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của Đảng, của người đứng đầu. Khi chống tham nhũng càng ngày càng được đẩy mạnh, người dân, cán bộ càng ý thức cao.

Một khi cán bộ tham nhũng bị xử phạt nghiêm minh, đương nhiên tham nhũng sẽ giảm đi. Như vậy thì lo ngại tham nhũng chùng xuống sẽ không còn cơ sở.

Thu Hằng

Chống tham nhũng không làm nhụt chí người dám nghĩ, dám làm

Chống tham nhũng không làm nhụt chí người dám nghĩ, dám làm

Đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) không cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm", Phó ban Nội chính Trung ương quả quyết.