Quỳnh Nhai là huyện nghèo nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Sơn La, có hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số.
Năm 2016, với mục tiêu xây dựng nguồn lao động tại chỗ, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết 133 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các DN, yêu cầu tổ chức đào tạo nghề và cam kết sử dụng lao động sau đào tạo. Người học nghề phải có hộ khẩu thường trú ở Sơn La.
Huyện nghèo Quỳnh Nhai |
DN được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề sau khi hoàn thành chương trình và bố trí việc làm cho lao động tại DN. Toàn bộ kinh phí đào tạo, sinh hoạt, đi lại đều trích từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Sau khi nghị quyết có hiệu lực, UBND tỉnh và huyện Quỳnh Nhai đã kêu gọi, thu hút các DN vào triển khai dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nổi bật lên là công ty CP Dệt may Sơn La với hoạt động chính là sản xuất các mặt hàng may mặc.
DN này đã đào tạo 2 khóa sơ cấp công nhân may cho 463 người ở Quỳnh Nhai, với nguồn ngân sách đã thanh quyết toán hơn 1,6 tỷ đồng.
Lễ ra mắt công ty với sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh và huyện. Ảnh: Báo Sơn La |
“Bóp méo” nghị quyết
Công ty CP dệt may Sơn La được thành lập năm 2016, có trụ sở chính tại bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.
Mặc dù đã đi vào đào tạo công nhân may và thanh quyết toán ngân sách của tỉnh, nhưng công ty này lại vướng vào hàng loạt sai phạm, từ cấp phép đào tạo tới việc tự ý thu tiền của người lao động, tự ý chuyển lao động ra ngoài tỉnh làm việc, trái với mục tiêu nghị quyết 133. Bên cạnh đó, DN này còn không đóng bảo hiểm xã hội, không ghi mức lương trong hợp đồng...
Cụ thể, theo kết luận thanh tra của Sở LĐTBXH, công ty đã mở lớp khai giảng khi chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Huyện Quỳnh Nhai cho công ty mượn trường học làm địa điểm đào tạo |
Cũng theo kết luận, doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết để được hỗ trợ nguồn kinh phí theo nghị quyết 133. Trước đó, công ty có văn bản cam kết với UBND huyện Quỳnh Nhai đào tạo và sử dụng lao động làm việc tại công ty từ 12 tháng trở lên để được hưởng chính sách. Tuy nhiên, sau khi đào tạo xong, doanh nghiệp này xin ý kiến của UBND huyện và được chấp thuận đưa 118 người đi làm việc tại 2 công ty may ở Thái Nguyên và Nam Định.
Đáng chú ý, mặc dù chi phí quá trình đào tạo, sinh hoạt đều do ngân sách tỉnh hỗ trợ, công ty vẫn thu 600 nghìn đồng/lao động học nghề và làm việc tại đây.
Lý do phát sinh khoản phí này được đưa ra là “giữ chân người lao động” và chi tiêu ăn uống trong quá trình chờ ngân sách rót về. Đến nay, chưa người lao động nào nhận lại khoản tiền này, dù đã hết khóa đào tạo.
Người dân lo lắng không đòi được số tiền đã nộp vào công ty |
Anh Điêu Chính Khánh (xã Mường Giàng) kể: “Khi đến học, công ty thu của mỗi người 600 nghìn đồng. Họ nói học xong sẽ trả lại, nhưng đã hơn 1 năm rồi vẫn chưa thấy trả. Tôi không thể liên hệ được với đại diện công ty để đòi”.
Mặc dù sau đào tạo đợt 1, có gần 120 lao động phải đi ra tỉnh ngoài làm việc, không đủ năng lực, quy mô để sử dụng lao động nhưng công ty CP dệt may Sơn La vẫn tiếp tục gửi kế hoạch đào tạo nghề đợt 2 cho 80 học viên. Việc này tiếp tục lọt qua khâu thẩm định của Phòng LĐTBXH huyện Quỳnh Nhai.
Yêu cầu người lao động ký khống
Với việc công ty CP dệt may Sơn La đưa gần 120 lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài sau đào tạo, ngân sách của tỉnh Sơn La đã bị rút không đúng nghị quyết gần 200 triệu đồng.
Ngoài ra, sau 2 khóa đào tạo sơ cấp, đến tháng 10/2018, đã có 265 lao động bỏ việc tại công ty CP dệt may Sơn La. Với số lao động vi phạm cam kết, bỏ việc trước 12 tháng, công ty đã rút tiền ngân sách hơn nửa tỷ đồng.
Mặc dù số tiền này được sử dụng vào việc hỗ trợ tiền ăn cho người lao động, nhưng sau khi học viên học xong, công ty chưa thanh toán tiền hỗ trợ cho từng người nên buộc phải thu hồi lại.
Công ty đã dừng đào tạo lao động |
Chị Lừ Thị Viên (xã Mường Giàng) bức xúc: “Năm 2017, công ty yêu cầu chúng tôi ký tên xác nhận đã nhận tiền hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt. Thực tế chúng tôi chưa nhận được khoản hỗ trợ này. Họ nói phải ký vào mới được cấp chứng chỉ, giờ chứng chỉ không có, tiền cũng chưa thấy đâu”.
Với một nghị quyết có ý nghĩa nhân văn, tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh và DN, công ty CP dệt may Sơn La đã tự ý làm sai lệch để trục lợi. Dư luận nghi ngờ chính quyền huyện Quỳnh Nhai đã buông lỏng quản lý, mặc doanh nghiệp vi phạm.
Đoàn Bổng
Bài 2: Hé lộ số tiền 'sang tay' lao động nghèo ở Sơn La
Không chỉ rút tiền ngân sách, thu tiền của người lao động sai quy định, công ty CP dệt may Sơn La còn nhận một khoản tiền từ việc 'bán' lao động sau đào tạo cho các công ty ở ngoài tỉnh.