Chiều 23/6, một nhóm công nhân vệ sinh môi trường vẫn cặm cụi dọn dẹp rác dưới cái nắng như đổ lửa trong Khu liên cơ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Chị Nguyễn Thị Phương là Tổ trưởng của Tổ vệ sinh có số lượng 80 công nhân cho hay, Công ty Minh Quân nợ lương gần 300 công nhân (từ tháng 6 đến tháng 12/2020). Hiện tại, công ty mới thanh toán được một phần sau khi người lao động đấu tranh ròng rã nhiều tháng.

{keywords}
Tổ công nhân của chị Phương dọn vệ sinh tại khu vực Khu liên cơ, quận Nam Từ Liêm chiều 23/6

“Đó là giai đoạn vô cùng khốn đốn của nhiều gia đình công nhân vệ sinh - nghề vất vả, khổ cực nhất mà không mấy ai muốn làm”, chị cho hay.

Tổ vệ sinh do chị Phương làm tổ trưởng với 80 công nhân được giao nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh, rác thải tại 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Chị được giao thêm nhiệm vụ thu phí vệ sinh của từng hộ dân, giao nộp cho công ty.

“Công ty hứa sẽ trích 80% tiền thu phí để trả lương cho chị em, nhưng thực tế chỉ trích 10%. Từ tháng 6 đến tháng 12, anh chị em bị nợ lương, đời sống rất cơ cực”, Phương cho hay.

Có những gia đình công nhân, cả hai vợ chồng cùng con từ quê lên đi làm công nhân dọn vệ sinh. Tất cả nguồn thu nhập đều trông chờ ở đồng lương của công ty. Thế nhưng, 6 tháng liên tiếp họ không được nhận lương khiến cuộc sống khốn đốn.

{keywords}
Chị Ngô Thị Trường, một trong hàng trăm công nhân bị Công ty Minh Quân nợ lương trong nhiều tháng

Chị Phương chia sẻ hết: “Để cầm cự, chúng tôi đi nhặt ve chai đem bán. Con cái nợ học phí, phải đi vay mượn, "giật gấu vá vai" cầm chừng qua ngày. Tôi là tổ trưởng cũng phải đi vay mượn tiền để ứng cho đồng nghiệp vì khổ quá rồi”.

Hầu hết công nhân vệ sinh môi trường đều là người ngoại tỉnh, bồng bế lên Hà Nội mưu sinh. Hợp đồng ký kết với công ty không xác định thời hạn; thời gian làm việc 8 tiếng, mức lương 174.000 đồng/ngày.

“Nếu đi làm đủ 30 công thì mức lương mỗi tháng của công nhân là 5 triệu đồng. Mức tiền này ở giữa Thủ đô, phải tằn tiện lắm mới chi trả được tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền học phí cho con…”, chị Ngô Thị Trường, công nhân vệ sinh thu dọn rác tại phường Cầu Diễn Phương chia sẻ.  

{keywords}
Bữa cơm muộn của chị Nguyễn Thị Uyên tranh thủ lúc giải lao

Tiền lương chậm trả trong 6 tháng của tổ công nhân do chị Phương phụ trách khoảng gần 2 tỷ đồng. Sau nhiều nỗ lực đấu tranh đòi trả lương, mới đây, phía Công ty Minh Quân mới thanh toán được 500 triệu đồng, chia cho 80 người.

“Ai khó khăn, túng quẫn quá thì được nhận trước. Nhiều người thương đồng nghiệp, nhường cho nhau. Tới giờ, công ty vẫn nợ chúng tôi 1,3 tỷ đồng. Tổng số công nhân bị nợ lương là gần 300 người”, chị Phương cho hay.

Bán cổ phần, đổi tên thành "tập đoàn"

Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân là đơn vị ký hợp đồng lao động đối với gần 300 công nhân bị nợ lương trong nhiều tháng qua. Mấy tháng gần đây, công ty này đã bán cổ phần, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội. 

{keywords}
 

“Vì công ty thay đổi pháp nhân, tên gọi nên chúng tôi rất lo ngại họ sẽ thoái thác trách nhiệm, người nọ đùn người kia để không thanh toán lương nợ cho công nhân. Chúng tôi nhiều lần lên công ty ăn chực nằm chờ, họ mới thanh toán cho một phần. Số còn lại, họ hứa sẽ thanh toán vào ngày 10/7”, chị Phương xác nhận.

Đây không phải lần đầu công nhân Công ty Minh Quân (nay đổi tên là Tập đoàn Nam Hà Nội) bị nợ lương, chậm lương. Thời điểm tháng 1/2021, hàng loạt công nhân đình công, biểu tình không thu gom khiến rác thải sinh hoạt ùn ứ trong nhiều quận nội đô… để gây sức ép, buộc Công ty Minh Quân thanh toán lương cho người lao động.

Mới đây, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cùng Liên đoàn Lao động quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc nợ lương, chậm lương người lao động tại Tập đoàn Nam Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu các ban ngành TP có biện pháp xử lý, đảm bảo quyền lợi công nhân môi trường, báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 30/6.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các ban ngành vào cuộc, kiểm tra, báo cáo trước ngày 30/6

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) cũng bị Thanh tra TP Hà Nội thanh tra từ đầu năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết luận.

Giai đoạn 2017-2020, công tác quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố được thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân là đơn vị trúng thầu và liên danh trúng thầu tại địa bàn các quận, huyện Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Mỹ Đức, Thạch Thất, Mê Linh, Hà Đông, Thanh Trì.

Trong thời gian thực hiện các gói thầu, tại một số thời điểm, một số địa bàn do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân thực hiện đã xảy ra tình trạng ùn ứ rác, công nhân đình công do chậm lương, chậm thanh toán chế độ... khiến người dân bức xúc. Thành phố Hà Nội đã phải yêu cầu các doanh nghiệp vệ sinh môi trường khác vào cuộc "giải cứu" để giải tỏa rác thải.

Từ tháng 1/2021, công ty Minh Quân không trúng thầu gói thầu nói trên, đồng nghĩa với việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân thu dọn vệ sinh môi trường.

Toàn bộ số công nhân nói trên được tiếp nhận về Công ty Urenco 7 (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội - Urenco) trúng gói thầu nói trên.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, GĐ Urenco 7 thông tin với VietNamNet: Việc tranh chấp nợ lương thuộc trách nhiệm của công ty Minh Quân (nay là Cty CP Tập đoàn Nam Hà Nội). Về phía Urenco 7 khi trúng gói đã tiếp nhận toàn bộ lao động nói trên, để họ tiếp tục công việc theo địa bàn. Chúng tôi đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động, cam kết không nợ lương, chậm lương để không ảnh hưởng tới đời sống công nhân”.

Hà Nội thanh tra toàn diện việc thu gom rác của Công ty Minh Quân

Hà Nội thanh tra toàn diện việc thu gom rác của Công ty Minh Quân

Hà Nội sẽ thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân vì để đường ngập ngụa rác.

Kiên Trung