Văn bản ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy gửi 3 câu hỏi chất vấn Bộ TN&MT liên quan đến việc cấp đất cho DN xây chùa.

"Căn cứ nào cho việc cấp hàng ngàn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để DN xây chùa. Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không và việc giao đất được tính giá như thế nào?

Việc kinh doanh, khai thác các công trình tâm linh (chùa Bái Đính, Tam Chúc…) ra sao? DN xây chùa rồi hiến cho nhà nước hay chính DN đứng ra khai thác để hoàn vốn và thu lãi? Chùa ấy do ai sở hữu? Tiền thu được thuộc về ai?

Các yếu tố môi trường có được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét ra sao khi mà hàng vạn người đến chùa thì vấn đề ẩm thực, vệ sinh dịch bệnh, an toàn giao thông được phê duyệt như thế nào?".

Bộ TN&MT cho biết, luật Đất đai quy định việc giao đất, cho thuê đất căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư được phê duyệt. Chưa đủ cơ sở tính tiền sử dụng đất tại chùa Bái Đính.

Trong đó, khu núi chùa Bái Đính mới được thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 đã được Thủ tướng phê duyệt; được tiếp tục thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 (phê duyệt năm 2014) và trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp tỉnh, huyện (được phê duyệt trong năm 2017).

Khu núi chùa Bái Đính thuộc quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 82/2003 và quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch Tràng An đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó khu vực núi chùa Bái Đính có diện tích 1.005,3 ha.

Từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi diện tích gần 520 ha đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt).

Tỉnh giao đất cho 3 cơ quan. Thứ nhất là Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở VH-TT-DL) hơn 495 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính. Thứ 2 là Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính. Thứ 3 là UBND huyện Gia Viễn hơn 4 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

Việc này cũng không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Theo Bộ TN-MT, việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng.

Quyết định giao đất chưa rõ ràng

Đối với khu du lịch quốc gia Tam Chúc, Bộ TN&MT cho biết đã có quy hoạch tổng thể được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt từ năm 2006, điều chỉnh năm 2012 (quy mô 5.100 ha) và được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 526 (quy mô 4.000 ha).

Khu này gồm nhiều khu chức năng, trong đó khu văn hóa tâm linh Tam Chúc có diện tích 1.205 ha.

{keywords}
Chùa Tam Chúc

Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc, với diện tích trên 2.042 ha, chủ đầu tư là Sở Thương mại- Du lịch. Đến năm 2008, tỉnh này chấp thuận cho DN Xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án.

Từ năm 2006 - 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch để phát triển khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích 815,1 ha.

Từ năm 2008 - 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 ha nói trên cho DN Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.

Bộ TN&MT cho rằng, các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung. Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại điều 13 của luật Đất đai. Trong đó, tại quyết định số 1364 ngày 4/11/2008, tỉnh cho DN này thuê đất với diện tích hơn 500 ha, thời hạn 50 năm.

Quyết định số 1380 ngày 9/11/2011 giao hơn 300 ha đất, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.

Đồng thời, các quyết định cũng chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng). Như vậy là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại).

2 dự án còn trên giấy

Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Bộ TN&MT khẳng định là phù hợp chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên đến nay, DN đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định.

Về dự án khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp ở Cát Bà, Hải Phòng, Bộ TN&MT cho biết TP Hải Phòng đã có thông báo chấp thuận chủ trương, cho phép DN Xuân Trường khảo sát, nghiên cứu.

Đến nay DN vẫn chưa thực hiện, UBND TP Hải Phòng đang làm thủ tục để hủy bỏ thông báo này.

Đại gia Xuân Trường lên tiếng về 'siêu dự án' 15.000 tỷ ở chùa Hương

Đại gia Xuân Trường lên tiếng về 'siêu dự án' 15.000 tỷ ở chùa Hương

Đại gia Xuân Trường cho biết, "siêu dự án 15.000 tỷ" ở chùa Hương chỉ là gợi ý để các nhà đầu tư có tâm, tầm cùng làm.

Thu Hằng