Phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 vào cuối chiều 5/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, diễn đàn lần này có gần 200 đại biểu tham dự ở đầu cầu chính, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị; 1 Bí thư Trung ương Đảng; 20 Uỷ viên Trung ương Đảng; 25 bộ trưởng, trường ban đảng, trưởng ngành; 9 vị đại sứ và đại diện lâm thời của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Dù trong điều kiện giãn cách nghiêm ngặt nhưng đã có 20 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn lớn của nhà nước cũng như tư nhân tham dự.

Bối cảnh đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt

Nêu rõ tác động của dịch Covid-19 là “bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và chưa biết rồi sẽ thế nào, bao giờ chấm dứt…”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng ý với các chuyên gia, trong bối cảnh đặc biệt như vậy phải có giải pháp đặc biệt, gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế cần tập trung cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn cho tổng cung.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cùng với đó, phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hoà cả tài khoá và tiền tệ với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý và có lộ trình, thực hiện trong hai năm 2022- 2023 và cùng lắm là một số tháng đầu năm của 2024 với mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công. Trong đó, mục tiêu phải cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp….

“Ổn định vĩ mô giữ được thì rất lâu dài, rất khó nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ. Chúng ta phải thấm thía điều này, mất ổn định vĩ mô là mất hết", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vì lý do đó nên chủ đề diễn đàn hôm nay là phục hồi và phát triển bền vững.

Ông đồng ý với chuyên gia là cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và có thể chấp nhận tăng bội chi, nợ công trong ngắn hạn nhưng cả giai đoạn thì phải đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nhất là khả năng trả nợ. Việc huy động, quản lý, phân bổ các nguồn lực phải hợp lý, minh bạch, công khai chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Muốn như vậy phải có thiết chế để giảm sát và kiểm tra bằng nhiều cách thức khác nhau.

Nhấn mạnh, khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch Covid -19, ông Vương Đình Huệ nhìn nhận, các giải pháp chuyên môn về y tế là quyết định, chủ yếu; chính sách tài khoá mang vai trò chủ đạo, phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách và nuôi dưỡng hệ thống ngân hàng.

“Ở đây không phải làm ơn, ban ơn. Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là tự giúp mình, không có doanh nghiệp làm gì có lợi nhuận của ngân hàng. Phải nuôi dưỡng nguồn thu, không doanh nghiệp thì ngân hàng chơi với ai, phải thông thoáng ở chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và ghi nhận các đề xuất miễn, giảm thuế, phí cũng như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Có ý thức đứng trên đôi chân của mình

Trước ý kiến lo ngại vết xe đổ năm 2008 áp dụng gói hỗ trợ lãi suất không tốt, ông Vương Đình Huệ lý giải, do lúc đó hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu cụ thể. “Bây giờ chúng ta vẫn đang hỗ trợ lãi suất và hoàn toàn thực hiện được. Không thể dễ làm, khó bỏ, cần có gói hỗ trợ lãi suất”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, hoặc có khả năng phục hồi.

Đồng thời cần chú trọng hỗ trợ tài chính cho việc cải tạo chung cư cũ, như Hà Nội còn cả nghìn tòa có nhu cầu cải tạo, nhiều chung cư đang ở cấp đặc biệt nguy hiểm. Hay tại TP.HCM còn khoảng 600 toà, Hải Phòng cũng còn rất nhiều… “Nếu gỡ được điểm nghẽn này mới có tăng trưởng cao”, ông Vương Đình Huệ nhận định.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu lắng nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại các lưu ý xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tiết giảm chi thường xuyên, đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp… trong chương trình phục hồi kinh tế.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến, các doanh nghiệp cần thể chế, không cần tiền, và trong chương trình phục hồi hoàn thiện thể chế cũng là quan trọng nhất, Chủ tịch Quốc hội khái quát, thông điệp quan trọng của diễn đàn là cần "tự lực, tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, phải cải thiện năng lực quản trị quốc gia và doanh nghiệp". Cùng với đó là tinh thần như các diễn giả khuyên Việt Nam "lạc quan, biến nguy thành cơ, tìm kiếm cơ hội trong thách thức".

"Thông điệp nhất quán là chúng ta đồng hành cùng nhau, ngạn ngữ có câu muốn đi xa thì đi cùng nhau, muốn đi xa mà đường xá gập ghềnh khó khăn như thế này thì càng phải đoàn kết bên nhau, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế và khu vực" Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thu Hằng

Ngắn hạn có thể chấp nhận tăng bội chi, nợ công để phục hồi kinh tế

Ngắn hạn có thể chấp nhận tăng bội chi, nợ công để phục hồi kinh tế

Các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong ngắn hạn có thể chấp nhận tăng nợ công, bội chi ngân sách; trong dài hạn phải cân đối với khả năng vay, trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế.