Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội sáng nay, theo ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là đúng, hợp lý và cần thiết nhằm giảm đầu mối, tinh giảm biên chế kể cả chuyên trách và không chuyên trách.

{keywords}
ĐB Cao Đình Thưởng. Ảnh: Minh Đạt

Đảm bảo nhân sự Đại hội Đảng và bầu đại biểu HĐND

Tuy nhiên, ông nêu vướng mắc, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ trong khi còn nhiều vấn đề nảy sinh như việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Nhất là vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các hội đoàn thể, việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ.

Ngoài ra, ĐB Thưởng cũng lưu ý, việc này còn liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, giấy tờ công dân và các nguồn lực khác để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sáp nhập, nhất là nguồn lực tài chính và giải quyết chính sách đối với cán bộ.

“Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể để xử lý mối quan hệ sau sáp nhập khi các đơn vị được sáp nhập có những điều khác biệt.

Tôi lấy ví dụ như trong đó có 1 xã nông thôn mới, 1 xã trung bình, 1 xã đang hưởng chính sách 135 thì thực hiện chế độ chính sách như thế nào đối với đội ngũ cán bộ và người dân nơi đây”, ĐB Phú Thọ đặt vấn đề.

Theo ông, điều này đang rất cần phải có văn bản hướng dẫn và quy định thống nhất cho các địa phương trong cả nước.

“Nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc, thậm chí thành điểm nóng”, ĐB Thưởng cảnh báo.

Ông đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể giải quyết những vướng mắc này. Mặt khác cần có văn bản hướng dẫn việc sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban ở cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương sớm thực hiện.

“Trước mắt, đảm bảo nhân sự cho Đại hội Đảng và bầu đại biểu HĐND các cấp sắp diễn ra trong năm 2020 - 2021”, ông Thưởng nói.

Trong giai đoạn này cũng có áp lực

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cũng lo lắng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lại triển khai đúng trước thềm đại hội Đảng và bầu cử QH và HĐND các cấp.

{keywords}
ĐB Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Minh Đạt

Theo ông, công việc này thực sự cần có quyết tâm chính trị cao và tạo sự đồng thuận thống nhất trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân.

Ông đề nghị Chính phủ, QH, Bộ Nội vụ và các cơ quan cần kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang pháp lý và cơ chế để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện sao cho việc sắp xếp lại phải căn bản, cách làm phù hợp.

“Đặc biệt nhiều nơi có điều kiện thuận lợi làm trước và phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển, đảm bảo ổn định chính trị xã hội. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, ngoài các chỉ tiêu cần đặc biệt quan tâm các tiêu chí phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện địa lý của cộng đồng”, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nói.

Ông cũng thông tin thêm, Hà Tĩnh đã sáp nhập hàng nghìn thôn, xóm và giảm được hàng ngàn cán bộ, tiết kiệm cho ngân sách một năm trên 40 tỷ đồng.

Còn việc thực hiện sáp nhập huyện, xã theo ông, “thực sự trong giai đoạn này cũng có áp lực”.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng cho rằng, các địa phương đang lúng túng việc sắp xếp sáp nhập các xã như thế nào, quy trình ra sao khi chưa có hướng dẫn của Chính phủ nên rất lo lắng chuẩn bị Đại hội Đảng đã tới gần.

“Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn để đạt lộ trình nghị quyết TƯ đề ra”, ĐB Vượt nhấn mạnh.

Chiều nay, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ giải trình làm rõ các ý kiến được ĐB đặt ra về việc sắp xếp, sáp nhập huyện xã, sở ngành.

Bộ trưởng Nội vụ tiết lộ những sở ngành không phải sáp nhập

Bộ trưởng Nội vụ tiết lộ những sở ngành không phải sáp nhập

Trong phiên họp ngày 1/6, Chính phủ sẽ chốt phương án sắp xếp các sở ngành, trong đó có một số sở ngành phải sáp nhập, một số giữ nguyên.

Thu Hằng - Hương Quỳnh