XEM CLIP:

 

Mở đầu phiên chất vấn của Quốc hội chiều nay (6/11), Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời hàng loạt câu hỏi của ĐBQH đặt ra trong buổi sáng liên quan đến an ninh mạng, giải pháp để làm trong sạch bộ máy, tội phạm xâm phạm trẻ em…
 
Cụ thể, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu, Luật An ninh mạng có hiệu lực và sau 23 tháng thì đến nay Bộ còn nợ một quyết định ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Bà đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết việc chậm ban hành này ảnh hưởng thế nào đến hiệu lực của Luật An ninh mạng?

{keywords}
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán.

Ông đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết  biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an.

ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho biết, theo Thông báo số 483 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 tội phạm giết người tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, số vụ giết người thân tăng mạnh, tăng 171,8%.

Cùng với đó, tình trạng con ngược đãi cha mẹ, tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp, gây bức xúc xã hội. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa.
Ông đề nghị Bộ trưởng VHTT&DL cho biết giải pháp khắc phục của Bộ trong thời gian tới?

Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất

Trả lời, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tiếp tục xây dựng các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện và hiện nay cơ bản đã dự thảo ban hành các nghị định quy định các phạm vi của Luật An ninh mạng.

Cụ thể, đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 04 ngày 27/12/2019 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo đảm an ninh mạng. Hiện nay luật và các nghị định này đang đi vào cuộc sống.

Còn danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia,  Bộ Công an đã làm xong dự thảo xong, đã báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, theo trình tự còn một nghị định nữa là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, cũng đã dự thảo xong và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều lần.

"Hiện nay chưa ban hành được là do một số yêu cầu về đối ngoại và đặc biệt là cân đối, xem xét cho phù hợp với một số quy định của quốc tế nên Thủ tướng chưa ký ban hành nghị định này. Chưa ban hành nghị định này thì cũng chưa có căn cứ để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia", Bộ trưởng Tô Lâm giải thích.

{keywords}
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Trả lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề tiêu cực của công an cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định nếu có thì là trường hợp hết sức cá biệt. Hiện nay,  Bộ Công an đã triển khai lực lượng Công an xuống cơ sở, cấp phường, thị trấn và cấp xã, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, có nhiều động viên.

"Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sỹ, không bao che một trường hợp nào", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Đại tướng thông tin về một số biện pháp cụ thể chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng công an cũng như công an cấp cơ sở. Đó là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng CAND với quan điểm "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" như quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc gắn trách nhiệm, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ trong từng đơn vị được phân công phụ trách. Nếu cán bộ có vi phạm thì truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong CAND. Kiên quyết xử lý các vi phạm, không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.

"Nhân đây tôi cũng đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, các đại biểu và cử tri, nhân dân cả nước nếu phát hiện ra  công an có tiêu cực, vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an ở mọi cấp. Bộ Công an sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin đó để xử lý kịp thời", Đại tướng Tô Lâm nói.

212 vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau

Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) về tội phạm do nguyên nhân, xâm hại phụ nữ trẻ em, Bộ trưởng Công an cho biết, tội phạm liên quan nguyên nhân xã hội xảy ra đáng quan ngại, gần đây tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có chiều hướng gia tăng.

Năm 2020 xảy ra 1.113 vụ, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 212 vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.

"Để giải quyết tận gốc, chúng tôi thấy tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp về kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng xã hội lành mạnh, khắc phục sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức con người", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Đại tướng Tô Lâm, không chỉ quan tâm vấn đề kinh tế mà cần coi trọng những vấn đề xã hội trong quá trình phát triển. Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị các cấp, các ngành cùng lực lượng công an tăng cường nắm tình hình, phối hợp giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ khi mới phát sinh. Quản lý, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, không để nảy sinh tội phạm.

Riêng lực lượng công an tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cơ sở, nhất là công an cấp xã, cấp phường, góp phần giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở để ngăn ngừa các điều kiện nảy sinh tội phạm, đặc biệt là tội phạm trong từng gia đình. Quản lý tốt các đối tượng dễ xảy ra các loại tội phạm như đối tượng ngáo đá, tâm thần bên cạnh việc ngăn ngừa xuống cấp đạo đức xã hội.

Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì

Tranh luận ở Quốc hội về việc cách chức ông Lê Vinh Danh

Tranh luận ở Quốc hội về việc cách chức ông Lê Vinh Danh

Câu hỏi của ĐB Lê Thanh Vân về "Cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, gây dư luận trong nhân dân, cách chức có đúng thẩm quyền pháp lý hay không?" đã làm nóng phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11.