Với tỉ lệ biểu quyết 94,62 ĐB tán thành, sáng nay (8/6), QH thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi thông qua, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, hầu hết ý bày tỏ nhất trí cao tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UB Đối ngoại.

Có ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

{keywords}
Các ĐBQH bấm nút thông qua. Ảnh: Quang Hoàng

Có ý kiến ĐBQH cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực Châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD; việc phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi rất lớn trong việc giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước Châu Âu…

Sau khi Quốc hội phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo, dự kiến 30 ngày kể từ ngày thông báo, các hiệp định này sẽ có hiệu lực.

Theo Nghị quyết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Quốc hội đồng ý áp dụng toàn bộ nội dung hiệp định. Tuy nhiên, các quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ sẽ được áp dụng khi Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.

Với Anh, hiệp định sẽ áp dụng từ thời điểm có hiệu lực đến hết năm 2020 và có thể gia hạn 24 tháng theo thoả thuận giữa Anh và liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời EU.
Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện hiệp định này, chuẩn bị nguồn lực phát huy những cơ hội và có giải pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện. Định kỳ hàng năm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện hiệp định này.

Tương tự, với Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU và các nước thành viên EU (EVIPA), Quốc hội đồng ý áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung hiệp định.

Song quy định về công nhận, cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư sẽ được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

Hiệp định EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo thoả thuận ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU).
Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu). Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, năm 2019 kim ngạch hai chiều gần 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 41,5 tỷ và nhập khẩu từ EU là15 tỷ USD.

Theo đánh giá của Chính phủ, hiệp định này sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong 5 năm đầu thực thi; 4,57-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% trong 5 năm sau đó.

Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Trần Thường - Thu Hằng

Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội chứng kiến Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh ra mắt

Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội chứng kiến Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh ra mắt

Sáng nay (8/6), trên đường Độc Lập trước tòa nhà Quốc hội, Bộ Công an ra mắt đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh.