Quốc hội sáng 24/10 thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, kết quả phòng chống tội phạm trong năm qua là rất ấn tượng nhưng bất cập, hạn chế vẫn còn ở các lĩnh vực.

Vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Đặc biệt là trong lĩnh vực nhân dân nghĩ rằng an toàn, liêm khiết, trong sạch nhưng lại có một bộ phận vi phạm tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân.

{keywords}
ĐB Phạm Văn Hòa.

Ông đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, giáo dục ý thức pháp luật đến người dân vì có trường hợp vi phạm mà không biết mình mắc tội.

ĐB cũng đề nghị tiếp tục công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị làm rõ tình hình gây rối trật tự công cộng trong năm 2021 tăng hơn 18%, tội phạm chống người thi hành công vụ tăng hơn 20%. Đây là 2 loại tội phạm, vi phạm tăng đột biến trong thời gian này. Ngoài tác động của dịch bệnh, ĐB đề nghị làm rõ bao nhiêu vụ liên quan đến phòng chống dịch, bao nhiêu là các lý do khác, vì sao tăng đột biến như vậy, từ đó đề ra giải pháp.

Về phòng chống dịch bệnh thời gian qua có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó có hoạt động nhân đạo, từ thiện được dư luận quan tâm.

{keywords}
ĐB Phan Thái Bình

ĐB tỉnh Quảng Nam cho rằng, tình hình nhân đạo, từ thiện, kêu gọi vận động tài trợ trên mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, ảnh hưởng an ninh trật tự, đến thuần phong mỹ tục, văn hoá truyền thống của dân tộc…

Ông đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai, từ đó có giải pháp.

Đặc biệt Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không thể để diễn ra dai dẳng mà không có câu trả lời cuối cùng.

ĐB Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) nêu thực tế do nhiều địa phương giãn cách, hạn chế đi lại, gia tăng việc làm trực tuyến, sử dụng internet, mạng xã hội nên tội phạm vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao tăng mạnh, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cá độ bóng đá trên không gian mạng xảy ra nhiều. 

Tội phạm về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Nổi lên là lợi dụng chính sách ưu tiên hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe luồng xanh để vận chuyển trái phép chất ma túy. 

{keywords}
ĐB Cầm Thị Mẫn

Các vi phạm và tội phạm trên lĩnh vực tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường liên quan đến phòng, chống dịch bệnh vẫn diễn ra và tiềm ẩn phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bà kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng, giải thích pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị, biên chế cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm ở các địa phương.

Dự báo đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng tội phạm lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi phạm tội. Nữ ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp phát hiện, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, buôn bán hàng giả, các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh.

Trong báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý về hoạt động từ thiện.

“Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân, cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Trần Thường

Một số loại tội phạm tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn 'lợi ích nhóm'

Một số loại tội phạm tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn 'lợi ích nhóm'

Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”.