Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị triển khai Nghị định 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống câu trồng lâm nghiệp, Quyết định 523/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025"vào chiều ngày 23/4.

Dưới đây báo VietNamNet trích đăng ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại hội nghị này:

Kính thưa các đồng chí!

Hôm nay, chúng ta có buổi ngồi lại để định hướng, dẫn dắtphác thảo ra một viễn cảnh cho ngành lâm nghiệp phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Có lẽ chiến lược sẽ chi phối toàn bộ cả hai bản kế hoạch còn lại là Đề án 1 tỷ cây xanh và Nghị định liên quan về giống trong lâm nghiệp. Cốt lõi vẫn là chiến lược, là tầm nhìn của một ngành mà chúng ta đã đóng góp chung cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp hay cho kinh tế của đất nước trong những năm qua.

Tôi nghĩ rằng đây là bản kế hoạch của tất cả chúng ta, chứ không phải của riêng Chính phủ, của Bộ NN-PTNT hay của Tổng cục Lâm nghiệp. Nó là trí tuệ, là kết tinh của nhiều thế hệ các lãnh đạo trong ngành lâm nghiệp. Một lần nữa tôi xin được bày tỏ sự tri ân tới các đồng chí nguyên là lãnh đạo của Bộ phụ trách về lâm nghiệp và tất cả những người quan tâm tới ngành lâm nghiệp, quan tâm tới rừng của Việt Nam.

Nếu nói về lâm nghiệp hay bất kỳ một lĩnh vực nào đó, khi chúng ta đề ra chiến lược bao giờ cũng phải giải quyết được câu chuyện thuộc về tư duy phát triển.

Một là bảo tồn và phát triển. Nhiều khi chỉ một câu nói đơn giản vậy thôi, nhưng đòi hởi tư duy toàn diện, thấu đáo. Vậy thế nào là bảo tồn, thế nào là phát triển? Phát triển làm sao để không phá vỡ cái mà chúng ta bảo tồn, còn nếu bảo tồn mà đóng kín cửa hết thì lấy gì phát triển? Đây là sự giằng xé về tư duy. Có thể quan điểm chung thì rất dễ nghe, nói vừa bảo tồn vừa phát triển, nhưng đi vào một đề án cụ thể, một chương trình cụ thể, của một nhà đầu tư cụ thể thì bắt đầu sẽ có quan điểm và cách nhìn khác nhau mà chúng ta phải xử lý.

Hai là, chúng ta sẽ có cái mâu thuẫn, xung đột như các đồng chí nói nguồn lực ở đâu. Hay như lúc nãy các tổ chức quốc tế có nói chiến lược, đề án là đầy tham vọng, mục tiêu vô hạn nhưng nguồn lực lại hữu hạn. Đây là vấn đề rất lớn, cần tư duy của người lãnh đạo của một ngành, một lĩnh vực chứ không chỉ về vấn đề chuyên môn.

{keywords}
Bác Hồ đã nói, rừng là vàng, biển là bạc, nhưng thực sự để rừng là “vàng” thì chúng ta phải biết gìn giữ và phát triển nó; phải phối hợp cả công tác quản lý với việc phát huy được các nguồn lực và trách nhiệm của toàn xã hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh

Tôi hay dùng câu: “Từ ý tưởng tốt chúng ta sẽ tạo ra tiền, tạo ra nguồn lực, chứ không phải có nguồn lực thì chúng ta mới có ý tưởng”. Hay nói cách khác, người lãnh đạo không phải là người nhận ngân sách về mình rồi đem ra cân đo, chia đều, làm sao cho hài hòa, chia bánh cho đều nhau nếu không sẽ bị so bì. Như tôi nói, một chiếc bánh ngân sách cho một ngành, một lĩnh vực hồi xưa giờ chúng ta quan niệm làm sao chia bánh đó cho đều, nhưng cái bánh đó nhỏ quá (lúc trước có đồng chí nói tiềm lực nhỏ, ngân sách nhỏ như thế). Bây giờ người lãnh đạo không phải là người chia chiếc bánh cho đều, cho hài hòa mà phải tư duy làm sao để chiếc bánh đó lớn ra. Đó chính là tư duy của người lãnh đạo cần.

Sáng nay, tôi trao đổi với các Hiệp hội chế biến gỗ, tôi có một niềm tin rằng nếu có một chính sách tốt, có một ý tưởng khởi tạo tốt thì sẽ thu hút được nguồn lực xã hội, từ doanh nghiệp tốt. 

Đừng giới hạn nguồn lực đó bằng đồng tiền. Bản thân tư duy cũng là nguồn lực nếu chúng ta khơi gợi được tư duy từ công đồng, xã hội, doanh nghiệp… thì chúng ta sẽ tạo ra được nguồn lực.Tôi cho rằng đây là trách nhiệm. Tôi cũng cho rằng rất nhiều người suy nghĩ như thế. Người ta làm điều đó không phải chỉ thu lợi cho doanh nghiệp mà mong muốn đóng góp một điều gì còn cao cả hơn cho đất nước để phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển bền vững rất rõ ràng. Phát triển làm sao để thỏa mãn nhu cầu của thế hệ này, nhưng đừng làm tổn thương yêu cầu đó cho thế hệ tiếp theo. Như ông bà ta có nói “đừng có ăn của rừng sau này rưng rưng nước mắt” hay “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Các ông bà hay dặn dò như vậy. Chúng ta làm sao để con cháu chúng ta có hệ sinh thái rừng, có đa dạng sinh học,… từ đó ngẩng cao đầu với thế giới rằng “Việt Nam là đất nước xanh” giống như thông điệp của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phát động Đề án trồng 1 tỷ cây xanh.

Tôi, các đồng chí và toàn xã hội cùng quyết tâm thì sẽ tạo lập được điều gì đó cao cả hơn là những con số đong đo đếm được; đó là khát vọng Việt Nam xanh, tạo lập hệ sinh thái bền vững, phát triển hệ sinh thái đa dạng sinh học. 

Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp nói riêng và nông nghiệp nói chung cũng đã nói gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Câu chuyện nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Thủy đề cập chúng ta có 20 triệu đồng bào sống dưới tán rừng và đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là những vấn đề xã hội trong quá trình phát triển. Chúng ta chăm lo cho các doanh nghiệp, cho các hiệp hội để kích hoạt nền kinh tế rừng, kinh tế lâm nghiệp, nhưng đồng thời còn 20 triệu người ngày đêm sống dưới tán rừng thì chúng ta làm sao giải quyết hài hoà.

Tôi nghĩ mọi vấn đề chúng ta đều có thể giải quyết được nếu chúng ta cùng ngồi lại, cùng bỏ qua những toan tính riêng của mình để rồi chúng ta hòa nhập với cái chung. Như vậy, chúng ta sẽ hiện thực hóa tầm nhìn mà Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược phát triển của ngành Lâm nghiệp tới năm 2030.

Thực ra, ở bất kỳ bài toán kinh tế nào chúng ta cân đối nguồn lực là bài toán tối ưu nhất. Bởi chúng ta vẽ ra được bao nhiêu chuyện thì rất dễ nhưng thực hiện mới khó. Một là phải sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, cái gì cần tập trung làm trước thì phải quyết liệt, làm cho kỳ được, đạt kết quả tốt nhất. Tôi nghĩ rằng tôi đeo đuổi ý tưởng đó. Chứ nếu chỉ trông chờ cắt cái bánh ra thì nó giới hạn cái tầm của người lãnh đao. Lãnh đạolàm sao có thể kích hoạt được nguồn lực xung quanh mình, hỗ trợ cho mình. Kể cả đó là nguồn lựchữu hình, đó là bằng vốn ngân sách, bằng tiền và kể cả nguồn lực vô hình, đó là tư duy phát triển, là những sáng kiến cộng đồng từ trong xã hội.

Về Chương trình trồng1 tỷ cây xanh, tôi đọc trên báo thấy rất nhiều nhóm thiện nguyện trong thờigian qua đã bắt đầu hưởng ứng thông điệp của Chính phủ. Họ tự làm, họ xuống các địa phương phân vùng trồng cây. Đó chính là nguồn lực xã hội được kích hoạt.

Những thành tựu trong ngành lâm nghiệp vừa qua có những con số rất ấn tượng ở độ che phủ rừng, ở kim ngạch xuất khẩu… Chúng ta có thể tự hào trở thành cường quốc xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Buổi sáng nay, sau khi gặp doanh nghiệp, tôi có nói vớiThứ trường Bộ NN-PTNTHà Công Tuấn rằng những vấn đề sau đây là những vấn đề cốt tử, là vấn đề nền tảng nếu trong thời gian tới chúng ta không thể giải quyết được thì sẽ là bẫy, là điểm nghẽn.

Thứ nhất, vấn đề về giống. Có sự tranh cãi giống như thế nào, tạo ra năng suất như thế nào thì các hiệp hội cũng như doanh nghiệp đã nói với tôi. So sánh giống của mình đang làm, đang quản lý, đang phát triển với các giống của nước ngoài sản xuất. Thực ra, không chỉ riêng về giống lâm nghiệp, giống khác của nông nghiệp cũng vậy. Thời gian vừa qua chúng ta đã thành công mời doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực chuỗi giá trị ngành hàng, mà bắt đầu từ cây giống để chúng ta có cái nhìn khác về giống.

Thứ hai, nhân lực cho ngành lâm nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Tôi tiếp xúc với rất nhiều trường đại học, học viện chuyên về nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, thấy một điều đáng buồn là việc chiêu sinh cho ngành đang khó khăn. Ví như có những em sinh viên vào trường đại học thuỷ lợi nhưng học chuyên ngành công nghệ thông tin. Sinh viên vào trường thì rất đông, song học chính thức những ngành chuyên về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản thì rất ít.

Một đất nước phát triển dựa trên nông nghiệp vẫn là phổ biến mà đầu vào một là giống, hai là nguồn nhân lực lại đang khó thì đó thực sự là điểm nghẽn. Nhưng có lẽ, khó nhất là chúng ta không tạo ra được viễn cảnh của nền nông, lâm nghiệp hay thủy sản ở thì tương lai như thế nào đòi hỏi tri thức thế nào, cần nhiều ngành học như thế nào. Bây giờ các em học sinh học phổ thông nhìn bố mẹ làm nông nghiệpthấy khổ quá, anh chị bỏ quê, bỏ ruộng đi lên Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang làm công nhân… như vậy là đã ấn tượng không tốt về nông nghiệp rồi.

Chính chúng ta phải là người truyền cảm hứng, vẽ ra viễn cảnh nông nghiệp 4.0 như thế nào, lâm nghiệp thông minh ra sao để vừa mang giá trị kinh tế, vừa tạo giá trị nhân văn, vừa tạo ra hình ảnh của đất nước. Tôi nghĩ rằng, có lẽ hoạt động truyền thông của Bộ thời gian sắp tới phải phối hợp để truyền tải thông điệp này. Nếu không tôi nghĩ đây là một điều đáng lo ngại.

Một ngành hàng làm sao mà phát triển được nguồn nhân lực. Đây là vấn đề tôi đề nghị các đồng chí và kể cả các cơ quan truyền thông, nhà tài trợ quốc tế, các viện, các trường, cộng đồng doanh nghiệp… quan tâm. Chúng ta biết cái bẫy, biết điểm nghẽn của mình chúng ta sẽ có kế hoạch hành động và quyêt tâm hành động.

Còn vấn đề thị trường, nếu chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu thì không e ngại gì. Chúng ta đã chuẩn bị nội lực của mình, nhưng trước tiên phải củng cố nội lực. Những câu chuyện trong vấn đề nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực thuỷ sản… có sự chênh lệch, mất cân bằng trong các quan hệ thương mại và sự thiếu hụt về thông tin thị trường; dó đó, chúng ta phải có trách nhiệm chứng minh với thế giới về một nên lâm nghiệp có trách nhiệm. Chúng ta không chỉ đeo đuổi mục đích kinh tế mà còn cân bằng cả vấn đề kinh tế với các vấn đề xã hội, môi trường và sự hoà nhập vào tư duy phát triển của thế giới.

Cuối cùng như tôi đã nói, phải có tư duy khác. Bởi chúng ta đang đứng trước một bối cảnh thế giới đã khác, khác xa hồi ngày xưa, khác xa 5 năm trước vìsự thay đổi của thế giới bây giờ không tính bằng đơn vị năm mà tính bằng tháng, thậm chí bằng ngày. Mở mắt ra thế giới người ta đã có những ý tưởng mới, những sáng kiến mới. Những điều này tạo ra sự nhảy vọt trong tăng trưởng. Từ đó có thể thấy, dù kế hoạch, chiến lược có tốt đẹp đến đâu, nếu không linh hoạt, không chăm chút, không bổ sung vào đó giá trị mới thì chúng ta sẽ không thể thực thi tốt.

Vấn đề là chúng ta thực thi, kích hoạt cả hệ thống xã hội đều cùng tham gia đóng góp vào hình ảnh đất nước thông qua hình ảnh của rừng, thông qua hình ảnh của ngành lâm nghiệp. Truyền thông và các cơ quan chức năng hay mỗi chúng ta phải suy nghĩ làm sao để kết nối được nguồn lực xã hội.

Bác Hồ đã nói, rừng là vàng, biển là bạc, nhưng thực sự để rừng là “vàng” thì chúng ta phải biết gìn giữ và phát triển nó; phải phối hợp cả công tác quản lý với việc phát huy được các nguồn lực và trách nhiệm của toàn xã hội. Thậm chí, chúng ta phải tiếp tục, thường xuyên đưa nó vào những bài học cho các cháu học sinh tiểu học để các cháu biết, yêu thiên nhiên, biết bảo vệ rừng từ thuở nhỏ, từ đó ngấm dần vào máu và thấy điều đó là thiêng liêng. Giống như đồng bào dân tộc thiểu số xem rừng là linh thiêng. Chúng ta làm sao có một thế hệ mới phải biết yêu rừng, yêu thiên nhiên, môi trường. Những điều này phải được truyền thông, đưa vào nền giáo dục dạy các cháu tiểu học, bởi tương lai các cháu sẽ là người làm chủ ngành lâm nghiệp này.

Nhiều khi khó khăn mình phải tìm mọi cơ hội để phát triển. Nhưng giờ đã bớt khó khăn rồi thì tư duy phải khác. Nghị quyết của Đảng cũng đã nói, phải chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, vì dư địa tăng trưởng đã đụng trần. Bây giờ phải tích hợp đa giá trị, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, của trí tuệ nhân tạo, của kết nối vạn vật lớn trong quản lý để tạo ra giá trị từ những thành tựu của loài người. Đây là cơ hội để chúng ta đưa giá trị đó vào ngành lâm nghiệp, vào chiến lược phát triển bền vững.

Tư duy Nhà nước, thị trường, xã hội phải được bện chặt trong con đường phát triển. Chúng ta không chỉ nghĩ đến vai trò của Nhà nước, mà cần đến sự tham gia, đóng góp tích cực của xã hội, tham vấn những tổ chức nước ngoài và cả yếu tố thị trường,... Có như vậy, chúng ta sẽ hiện thực hoá được tầm nhìn và khát vọng về một ngành lâm nghiệp phát triển và bền vững.