Miếng bánh to nhất vào tay khu vực FDI

Không ai phủ nhận, thành tích xuất khẩu là một trong những trụ cột lớn nhất của bức tranh tăng trưởng trong năm Covid-19 đầy khó khăn. Tuy nhiên, phần lớn miếng bánh lại thuộc về khu vực FDI. Ví dụ, trong quý 1 năm nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, xuất khẩu đạt 59 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76%. Tỷ lệ này là kỷ lục so với chính khu vực này trong các năm trước.

Chúng ta thử nhìn vào một số lĩnh vực then chốt mà các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn tỷ lệ xuất khẩu trong quý 1: điện thoại và linh kiện chiếm hơn 99%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm hơn 93%; giày dép chiếm gần 82%; hàng dệt may chiếm gần 63%.

Thực tế này không phải bây giờ mới xuất hiện vì Tổng cục Thống kê đã đôi lần đưa ra nhận định này. Ví dụ, thông cáo của cơ quan này hồi tháng 8/2020 cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước vì “chủ yếu do công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Note 20”.

Không chỉ Samsung, một số doanh nghiệp FDI khác như Formosa đã được đưa vào báo cáo vài năm gần đây của Tổng cục Thống kê là “động lực cứu tăng trưởng”, điều mà chưa bao giờ một doanh nghiệp Việt Nam nào được vinh dự nêu tên.

Trong nhiều năm nay, khu vực FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 20% GDP. Khu vực FDI đang ngày càng phát triển thành một động lực mạnh mẽ nhất của nền kinh tế.

Năm 2000, khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm miếng to của chiếc bánh xuất khẩu, gần 53%. Phần lớn của miếng bánh đó giờ đã về tay khu vực doanh nghiệp FDI, chiếm 76% trong quý 1 năm nay.

{keywords}
Không ai phủ nhận, thành tích xuất khẩu là một trong những trụ cột lớn nhất của bức tranh tăng trưởng trong năm Covid-19 đầy khó khăn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%; khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8% trong năm 2017 so với năm 2016. Ngay cả ở chỉ tiêu này, khu vực FDI cũng lại vươn lên vượt trội.

Một báo cáo của trường Fulbright năm 2013 từng cảnh báo, trong 4 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước, các hộ kinh doanh nông sản và doanh nghiệp FDI, chỉ có doanh nghiệp FDI sống khỏe.

Nhận xét đó đúng cho đến hôm nay, khi 3 động lực tăng trưởng nội địa ngày càng kém đi không chỉ do dịch bệnh trong khi khu vực FDI đã vươn lên vượt trội, chi phối nền kinh tế này.

Doanh nghiệp dân tộc lâm vào khó khăn

Trong một dịp trò chuyện với một số doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, họ than phiền về sự phân biệt đối xử họ chịu đựng so với các đối thủ FDI. Chi phí không chính thức có muôn hình vạn trạng như tiền lễ tết, tiền kỷ niệm, tiền phong trào..., chi phí chính thức cao hơn cũng rất đa dạng như thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn, nào chịu tranh tra, kiểm tra dày đặc…, những thứ mà doanh nghiệp FDI không bao giờ gặp phải. Đó là chưa nói đến chuyện họ phải chịu mức lãi suất cao bậc nhất khu vực.

Trong quý 1, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta xuất khẩu được gì? Xin liệt kê một số ngành trong báo cáo của Tổng cục Thống kê: Xuất khẩu cà phê giảm 11%; hạt điều giảm 6%; gạo giảm 17%; rau quả tăng 6,1%; cao su tăng 117%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 53%.

So với thành tích xuất khẩu của khu vực FDI, thành tích của doanh nghiệp Việt Nam sao lại mỏng manh vậy?

Trong khi đó, DN chúng ta đang kiệt đi. Trong quý 1, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 29.300, nhỏ hơn so với 40.323 doanh nghiệp là số rút lui khỏi thị trường. Báo cáo của VCCI cho biết, hơn 87% doanh nghiệp khẳng định, hộ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.

Đến nay, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam ước khoảng hơn 800.000 nhưng tuyệt đại là quy mô nhỏ và đóng góp chỉ quanh quẩn 8-9% GDP trong 2 thập kỷ nay trong khi khu vực hộ gia đình chiếm khoảng 33% GDP.

Điều này cho thấy, nền kinh tế Viêt Nam “li ti” và “manh mún”.

Tự lực, tự cường

Phác họa bức tranh này, tôi hoàn toàn không có ý phân biệt đối xử, tẩy chay doanh nghiệp FDI vì khu vực này giúp Việt Nam cải cách sâu rộng, nâng cao chất lượng pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp trình độ quản trị, mở rộng thị trường, tham gia các FTA... Thay vào đó, tôi xin nhấn mạnh, doanh nghiệp dân tộc còn kém cỏi không tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở đất nước.

Xin đặt câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp dân tộc yếu kém thế, điều gì làm cho họ không phát triển được? Không một quốc gia nào tự chủ, độc lập, tự cường, phát triển bền vững khi không phát triển được đội ngũ doanh nghiệp dân tộc mạnh.

Nghị quyết 10 đã nêu về hướng phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, Báo cáo kinh tế Đại hội 13 nhấn mạnh thêm: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”.

Đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét lại, những rào cản nào, những chính sách nào, thậm chí những tư duy nào... đang thực sự hạn chế sự phát triển của họ để kiên quyết tháo gỡ, thay đổi để nền kinh tế này trở nên “tự lực, tự cường”.

Tư Giang

Phát triển kinh tế tư nhân để tự chủ nền kinh tế

Phát triển kinh tế tư nhân để tự chủ nền kinh tế

"Khi chúng ta đang gồng mình để vượt qua đại dịch Covid-19, tôi càng trăn trở suy nghĩ, làm thế nào để nền kinh tế tự chủ và giàu có, làm thế nào để những nhà tư sản dân tộc đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu".