Nếu có ai hỏi tôi năm 2020 nghe thấy gì nhiều nhất thì câu trả lời đầu tiên của tôi sẽ là từ Covid. Đại dịch đã làm cho cả thế giới chao đảo, kinh tế toàn cầu suy thoái với biết bao hệ lụy. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng của Covid. Điều đáng mừng là nhờ những nỗ lực từ cả hệ thống chính trị và từng người dân, chúng ta vẫn đảm bảo được mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế.

Kế đến là cụm từ khát vọng hùng cường. Nói hùng cường ở đây chính là nói về sự hùng cường của đất nước. Mỗi lần có những sự kiện quốc gia hoặc tại các hội nghị, diễn đàn quan trọng là mỗi lần lại vang lên từ khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tổng bí thư, Chủ tịch nước không ít lần bày tỏ mong muốn đưa đất nước trở lên hùng cường. Thủ tướng còn nhấn mạnh nhiều lần hơn khát vọng này. Tương tự là những lần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội. Như vậy là các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước đều nói về khát vọng này, rất nhất quán và quyết tâm. Có thể nói tiền đề quan trọng số một cho quốc gia trở nên hùng cường đã có. Lãnh đạo quốc gia không hoài bão, không khát vọng thì làm sao hy vọng cả đất nước chuyển mình.

Khát vọng về một đất nước hùng cường không phải là mới. Chỉ nhắc lại cách đây hơn 100 năm, người khởi xướng phong trào Đông Du là Phan Bội Châu đã từng mong muốn cháy bỏng về một Việt Nam độc lập, cường thịnh với công cuộc duy tân đất nước. Theo ông, sau khi duy tân rồi, dân trí sẽ mở mang, dân khí sẽ lớn mạnh, dân quyền sẽ phát đạt, vận mệnh đất nước ta do dân ta nắm giữ, nước Việt Nam mới độc lập, có đầy đủ chủ quyền quốc gia và là một nước cường thịnh.

Rồi cách đây 76 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tháng 9/1945 còn thể hiện khát vọng này ở cấp độ cao hơn nhiều khi mấy từ sánh vai, cường quốc được sử dụng: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em.

Thực tiễn cho thấy đưa một đất nước trở nên hùng cường là không đơn giản, nếu không thì gần 200 quốc gia trên trái đất này đều đã hùng cường cả loạt rồi và khi đó sẽ chẳng còn phân ra nước lớn, nước nhỏ, nước mạnh, nước yếu, nước phát triển và đang phát triển theo quan niệm chung của nhân loại.

Phải đồng lòng, tự tôn dân tộc

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu chúng ta đã sẵn sàng, đã có một nền tảng căn bản và đã có một kịch bản tốt để biến khát vọng thành hiện thực?

Thứ nhất, điều dễ dàng nhận thấy là khát vọng hùng cường mới chỉ là khát vọng của số ít các lãnh đạo hàng đầu đất nước. Và như vậy là hoàn toàn chưa đủ. Khát vọng này cần hiện diện ở phần đông các vị lãnh đạo khác. Cái tâm vì nước, vì dân, vì một Việt Nam hùng cường thời nay dẫu có, nhưng có vẻ còn ít, chưa đủ sức thuyết phục, cổ vũ mọi người làm theo.

Thứ hai, điều quan trọng hơn nữa là làm sao chuyển tải cho được ý chí, khát vọng hùng cường từ lãnh đạo quốc gia đến từng người dân, từ đó tạo ra động lực thực sự cho cả đất nước triệu người như một cùng hành động vì một quốc gia hùng cường. Làm được điều này mới có cơ hy vọng thành công.

Kinh nghiệm thành công của cuộc cải cách thời Minh Trị bên Nhật cách đây hơn 150 năm cho thấy nếu không có sự đồng lòng, không có tinh thần tự tôn, vì danh dự, niềm tự hào của dân tộc ẩn sâu trong từng con tim người dân Nhật, để từ đó trở thành những hành động thiết thực thì khát vọng về một nước Nhật hùng mạnh của Thiên Hoàng và những cố vấn bên ông cũng không thể trở thành hiện thực.

Một nước Nhật do “bế quan, tỏa cảng” mà lạc hậu, một nước Nhật e sợ trước các nước phương Tây hùng cường. Nhưng cũng một nước Nhật như vậy vì mục tiêu hùng cường mà từng người dân sẵn sàng, đồng lòng cùng triều đình “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây”, cắt tóc ngắn theo phương châm “Nếu bạn cắt tóc ngắn thì bạn đang bắt nhịp với văn minh và khai sáng”, ăn thịt đỏ cho mau khỏe mạnh và thông minh, thay đổi trang phục truyền thống...

Và do đó với một ban lãnh đạo đất nước và tố chất người Nhật như vậy, chỉ ngắn ngủi sau gần 40 năm, nước Nhật đã thật sự cường thịnh, vươn lên ngang bằng các cường quốc thời đó.

Và từ hình ảnh về một Hàn Quốc những năm 1960 để sau 50 năm nhìn lại mới thấy sự vĩ đại của một đất nước thoát ra khỏi sự nghèo khó, kém phát triển trở thành một quốc gia hùng cường, mới thấy sự gắn bó giữa khát vọng của lãnh đạo quốc gia với hành động của từng cá nhân là  quan trọng biết chừng nào cho sự thành công trong phát triển của đất nước.

Biến ước mơ thành hiện thực

Nhìn người, ngẫm ta mới thấy cái mà ta đang thiếu chính là sự chuyển động đồng thời từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường theo hướng xây dựng đất nước hùng cường.

Trong điều kiện của kinh tế thị trường, nơi mà những giá trị của  cạnh tranh và lợi ích đang chiếm địa vị thống soái làm thế nào để từng cá nhân hết mình vì mục tiêu hùng cường của quốc gia là không hề đơn giản.

Cuối cùng phải kể đến cái mà chúng ta đang thiếu, đó chính là cái vốn xã hội của đất nước còn rất mỏng manh, khiêm nhường: Các giá trị chuẩn trong đời sống xã hội chưa vững chắc, luật pháp chưa thượng tôn, giáo dục chưa thực sự được coi trọng. Thêm vào đó là sự chi phối của đồng tiền đang làm biến dạng nhiều mối quan hệ. Tư duy cứ có tiền là làm được nhiều thứ đang làm suy đồi các giá trị đạo đức. Có tiền là có vị trí, có tiền là có bằng cấp, học vị...

Đấy là chưa kể đến những vấn nạn đời thường nơi công sở: Công chức thờ ơ, yên vị suốt đời; thể chế, chính sách ra còn chậm, chất lượng chưa tốt; doanh nghiệp còn gồng mình vì những cửa ải quan trường thì câu chuyện biến khát vọng thành hiện thực có vẻ còn rất xa vời. 

Muốn thực sự đưa đất nước trở nên hùng cường, cần có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, thực thi tốt phương châm đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, cần có những quyết sách phát triển chính xác cho đất nước và nhất là cần phải có sự thay đổi căn bản nền tảng, vốn xã hội.

Đinh Duy Hòa

‘Tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ’

‘Tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ’

Việt Nam dựa vào đâu để trở thành một quốc gia hùng cường và thịnh vượng như mục tiêu đã đề ra tại Đại hội Đảng 13?