- Bộ phim mới của Brad Pitt là tham vọng nâng cấp thể loại phim xác sống và phim thảm họa diệt vong ở một quy mô chưa từng thấy.

TIN BÀI KHÁC

Xin được dành lời khen đầu tiên cho bộ phim ở cách biết dùng cảm xúc để lôi kéo, rồi nhấn chìm người xem vào câu chuyện viễn tưởng, khi mà lý trí đã rõ mười mươi rằng chuyện này rất xạo và có thể là vớ vẩn. Cảm giác lo âu của con người trước thảm họa diệt vong, như một căn bệnh hiển hiện của thời đại, được khuấy động ngay từ đầu phim một cách thông minh.

Trên bản nhạc nền gợi cảm giác bất an, câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng bình thường, lúc thế giới ùa vào căn phòng ăn sáng của mỗi người qua kênh truyền hình với đủ loại tin tức: một bệnh dịch bí hiểm, loài cá lao lên bờ tự sát, một kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới...

{keywords}
Một đại cảnh ấn tượng trong "Thế chiến Z".

Nỗi sợ hãi có thật nói trên là chỗ dựa hiện thực khá lý tưởng để biên kịch Matthew Michael Carnahan bám vào, khi chuyển thể kịch bản cho cuốn tiểu thuyết kinh dị
"World War Z: An Oral History of the Zombie War" (2006) của nhà văn Max Brooks.

Toàn bộ ý tưởng về nhân vật Gerry Lane (Brad Pitt đóng) quả là rất khó tin. Để cứu gia đình gồm vợ và hai con gái trước một bệnh dịch biến một người khỏe mạnh thành những xác sống trong chừng...12 giây kể từ lúc bị một xác sống khác cắn, Lane được điều động và buộc trở lại vị trí thanh tra viên Liên Hiệp Quốc.

Trong một thế giới mà các thiết chế quyền lực đã sụp đổ, xã hội hỗn loạn, con người mất đi những điểm tựa đạo đức, Gerry Lane đi khắp nơi, từ Mỹ qua Hàn Quốc, rồi từ Hàn Quốc qua Israel...để tìm nguồn gốc của căn bệnh.

Hành trình tìm kiếm của Lane, dù chẳng có gì là chắc chắn (nên bất cứ kết quả nào cũng đều rất đáng ngờ), nhưng vẫn cứ khiến người xem phải thót tim theo dõi. Bởi ông là hiện thân của niềm hi vọng giữa một chuỗi những hành động tuyệt vọng trên quy mô toàn cầu mà bộ phim trình bày.

Bản thân Brad Pitt cũng chẳng phải nỗ lực gì nhiều cho một vai diễn không quá phức tạp về nội tâm, chỉ cần thể hiện đôi chút sự quyết đoán, mạnh mẽ và nhạy cảm trong một số hoàn cảnh.

{keywords}
Brad Pitt trong "Thế chiến Z"

Sự phóng chiếu lần lượt từ số phận của gia đình nhà Lane, sang số phận của các quốc gia, rồi của toàn nhân loại, nghe hơi quá tầm mức của một bộ phim. Đạo diễn Marc Forster (phim "Người đua diều", "007-Định mức khuây khỏa"...) đã khéo léo kiểm soát những bước chuyển nhịp này bằng cách đi từ mô tả trải nghiệm cá nhân, sang cách ứng phó ở tầm quốc gia và kết nối quốc tế.

Cảm nhận đầu tiên về một thảm họa lớn, do vậy, bắt đầu từ những dấu hiệu thật nhỏ bé giữa một đám đông: một vụ kẹt xe không rõ nguyên nhân, những người cảnh sát vội vã, tiếng ồn ào từ xa vọng lại...và rồi tai họa ập đến khi gia đình Lane còn đang đùa giỡn với nhau trên xe.

Bộ phim nhanh chóng mở rộng tầm mức câu chuyện, tương ứng với quy mô dàn dựng các chuỗi hành động quá đỗi hoành tráng, làm người xem liên tục choáng váng và nghẹt thở. Đặc biệt hiệu quả ở những đại cảnh cho thấy hàng ngàn người nhỏ bé đang tháo chạy trước những đồng loại, người thân, nay đã biến thành những con quái vật nguy hiểm.

Nhưng chính cảm xúc về cái lớn lao ở hai phần ba thời lượng đầu cũng tạo ra vấn đề lớn nhất cho "Thế chiến Z" ở một phần ba kết thúc. Câu chuyện bỗng nhiên thu hẹp cả về quy mô lẫn mục tiêu, khiến tổng thể bộ phim trở nên mất cân đối nghiêm trọng, gây ít nhiều hụt hẫng về mặt cảm xúc.

Với kinh phí được đồn đoán lên tới 250 triệu USD, "Thế chiến Z" đang đứng trước áp lực không hề nhỏ về doanh thu. Nhưng với những gì đã làm được và với tên tuổi của Brad Pitt, "Thế chiến Z" (khởi chiếu tại VN từ 21/6, cùng ngày với thế giới) được dự báo dễ dàng thu hồi vốn liếng và mang lại lợi nhuận cho 4 hãng chung tay sản xuất, dù đang là mùa hè mà các phim bom tấn cạnh tranh dữ dội nhất.

Minh Chánh