- Sau một trẻ ở Lâm Đồng tử vong ngày 15/3 sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia) thì ngày 27/3, tại Hải Dương, lại có thêm một trẻ tử vong 2 ngày sau khi tiêm vắc-xin này.

Các tin liên quan

Thêm một trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin 5 trong 1

Vắc-xin 5 trong 1 có vấn đề về chất lượng?

Trẻ tử vong khi tiêm, dừng lô vắc-xin 'nghi vấn'

Ngoài những băn khoăn liên quan đến chất lượng vắc-xin thì đội ngũ nhân lực (số lượng, chất lượng) cũng như cơ sở vật chất yếu kém cũng là một vấn đề được đặt ra.

Xem xét thận trọng

Trao đổi với VietNamNet về những vấn đề trên, ông Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Mọi loại vắc-xin đều có tỷ lệ tai biến nhất định. Vắc-xin Quinvaxem mà Việt Nam đang sử dụng cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng ở nhiều nước khác. Đến nay, chúng ta cũng đã tiêm được hơn 13 triệu liều rồi”.

Theo ông Huấn, khi sản xuất vắc-xin, luôn có nhiều lô khác nhau, lô nào có nguy cơ gây tai biến nặng thì đều được cho dừng sử dụng, các lô khác nếu được thử nghiệm an toàn sẽ tiếp tục được cho sử dụng trong tiêm chủng.                                                                               

{keywords}
Vắc-xin Quinvaxem được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Đã có nhiều trẻ gặp tai biến sau khi tiêm loại vắc-xin này (Ảnh: internet)

Ông Huấn cho biết, trước đây chúng ta cũng đã dừng và hủy nhiều vắc-xin rồi. Cách đây 30-40 năm, vắc-xin phòng bệnh tả gây tai biến dẫn đến tử vong đã bị ngừng sử dụng. Hay vắc-xin DPT nhập từ nước ngoài nhưng bảo quản không đúng quy định cũng đã bị hủy.

Như vậy, xem xét việc tiếp tục hay ngừng sử dụng một loại vắc-xin gây tai biến cũng là việc hết sức bình thường trong tiêm chủng, tuy nhiên phải có bằng chứng khoa học rất cụ thể, rõ ràng”, ông Huấn cho hay.

Ông Huấn cho biết, với các tai biến do tiêm chủng, nếu cha mẹ đưa các cháu đến cơ sở y tế kịp thời thì khả năng tử vong rất thấp. Nhiều trường hợp tử vong trong thời gian vừa qua là tử vong tại nhà, cha mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt, vv … Do đó, rất khó để kết luận có phải do vắc-xin hay không.

Sàng lọc kỹ trước tiêm chủng

Nhiều lỗ hổng trong tiêm chủng

Tổng kết chương trình tiêm chủng mở rộng tại khu vực phía Nam trong năm 2012 của Viện Pastuer, TPHCM diễn ra vào đầu tháng 2/2013 vừa qua cho thấy chương trình này đang tồn tại nhiều lỗ hổng tạo nên những rủi ro cho trẻ khi đi tiêm chủng mở rộng.

Đầu tiên là hệ thống dây chuyền lạnh tại tuyến cơ sở đã xuống cấp, thiếu tủ lạnh chứa vắc xin trong các ngày tiêm chủng thường xuyên đe dọa đến sự an toàn của vắc xin trong quá trình vận chuyển và bảo quản.

Cán bộ tiêm chủng mở rộng tuyến huyện đa số là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng xấu đến công tác triển khai chuyên môn, bên cạnh đó nhân lực tuyến xã thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho việc tập huấn về thực hành tiêm chủng, không ít cán bộ tỏ ra rất mơ hồ khi gặp trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Tuy nhiên, ông Huấn lưu ý trong an toàn tiêm chủng, việc sàng lọc kỹ càng và lưu ý những trường hợp chống chỉ định mà nhà sản xuất đưa ra là rất quan trọng. Nếu quá trình này không được thực hiện đúng như quy định thì nguy cơ dẫn đến tai biến sẽ cao hơn.

Nó tương tự với việc 100 người cùng uống một loại thuốc nhưng lại có 1-2 người tử vong vì dị ứng. Một cháu bé trông khỏe mạnh, bú tốt nhưng không thể biết cháu bé đó có cơ địa dị ứng với loại vắc-xin sắp tiêm hay không”, ông Huấn cho hay.

Về vấn đề sàng lọc trước tiêm chủng hiện nay, ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết trước khi tiêm, cán bộ y tế phải hỏi đầy đủ những thông tin như: Cháu đã tiêm những vắc-xin gì, phản ứng trước đây sau tiêm vắc-xin có gì đặc biệt, sức khỏe hiện tại của trẻ có tốt không, trẻ bú bình thường không, có tiền sử dị ứng nào, …

Điểm tiêm chủng không phải nơi khám chữa bệnh nhưng nếu những thông tin thu thập được khiến cán bộ y tế nghi ngờ trẻ mắc bệnh cấp tính hay có phản ứng mạnh từ mũi tiêm trước thì họ sẽ ngừng tiêm hoặc có tư vấn phù hợp”, ông Cảm nói.

Ông Huấn cũng đặc biệt lưu ý cha mẹ: Không tự ý xử trí khi trẻ gặp bất thường sau tiêm chủng mà cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, giảm nguy cơ tử vong.

Còn ông Cảm khuyến cáo cha mẹ cần tránh những tác nhân có khả năng gây dị ứng cho trẻ sau tiêm chủng. Ví dụ như sau khi tiêm vắc-xin sởi, trong thành phần thức ăn có trứng thì phải cẩn thận vì có khả năng gây dị ứng.

3 tháng đầu năm, 3 ca tử vong sau tiêm chủng

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương – Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết hiện hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hải Dương đang họp để tìm ra nguyên nhân cuối cùng khiến cháu bé này tử vong.

Nếu việc tử vong có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem thì sẽ dừng tiêm vắc-xin này, còn nếu không tìm được mối liên quan nào thì việc tiêm chủng sẽ vẫn được thực hiện bình thường như trước đây”, ông Hiển cho hay.

Trước đó, kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Nhi Hải Dương của cháu bé này cho thấy cháu bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng.

Còn với trường hợp tử vong ở Lâm Đồng vào ngày 15/3, ông Hiển cho biết cơ quan chuyên môn không thấy bằng chứng liên quan đến vắc-xin Quinvaxem.

Như vậy, đây là trường hợp thứ 3 tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem kể từ đầu năm 2013 và là trường hợp tử vong thứ 7 tính từ tháng 12/2012.

Cẩm Quyên