Tay-Tra.jpg
Ông Võ Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Viễn thông Tây Trà đang kiểm tra tổng đài 1024 số.

"Chỉ có VinaPhone là liên lạc được"

Trong cơn bão số 9 vừa qua, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành “ốc đảo”. Hệ thống đường giao thông về tỉnh bị núi sạt lở, các phương tiện giao thông không thể đi được trong vài ngày. Nhiều cột điện bị đổ, mất điện suốt mấy ngày sau bão. Các đường cáp quang bị đứt, nên mạng điện thoại cố định và một số mạng điện thoại di động bị mất liên lạc cả tuần. Duy nhất chỉ có mạng liên lạc di động VinaPhone vẫn duy trì được suốt trong thời gian bão và sau bão. Ông Lê Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: “Tôi sử dụng máy di động VinaPhone, còn nhiều anh trong cơ quan sử dụng hệ thống di động khác. Khi mưa bão, chỉ có máy di động của tôi liên lạc được, các mạng khác bị tê liệt hoàn toàn, nên ai cũng mượn máy để báo cáo về tỉnh. Chắc tháng này tiền điện thoại di động của tôi phải lên đến vài ba triệu”.

Để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, ông Võ Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Viễn thông Tây Trà cho biết, anh em trong Trung tâm đã lên phương án phòng chống bão từ trước khi bão đến. Ngoài việc duy trì thông tin liên lạc bằng hệ thống cáp quang, các anh còn triển khai đường truyền vi ba từ Tây Trà về huyện Sơn Hà (bằng sóng vô tuyến điện). Do đó khi đường cáp quang đi qua những sườn núi bị đứt, lập tức các anh chuyển sang liên lạc bằng đường vi ba. Trong cơn bão số 9, chỉ có 15 phút bị gián đoạn thông tin là thời gian các anh chuyển hệ thống liên lạc từ cáp quang sang vi ba. Lúc đó hệ thống điện của toàn huyện bị mất. May nhờ hệ thống ắc quy được anh em trong trạm bảo dưỡng hàng ngày, kịp thời cung cấp nguồn điện cho Trung tâm hoạt động để sau đó chuyển sang sử dụng hệ thống máy nổ. Suốt mấy ngày huyện Tây Trà mất điện, máy nổ chạy liên tục cung cấp nguồn điện cho các thiết bị của Trung tâm hoạt động. Ngoài 600 lít dầu dự trữ, các anh còn mượn thêm các nơi khác hơn 400 lít dầu để chạy máy nổ.

Không ngại gian khó, đảm bảo liên lạc thông suốt

Trung tâm Viễn thông Tây Trà có 5 người. Ngoài nhiệm vụ duy trì liên lạc cho hệ thống di động, các anh còn phải bảo đảm cho các máy điện thoại cố định hoạt động. Trung tâm có tổng đài dung lượng 1024 số, hiện đã triển khai 500 số. Ngay sau khi bão đi qua, Giám đốc Trung tâm Võ Thanh Long đã tổ chức cho anh em đi khắc phục các đường cáp bị đứt. Các anh Nguyễn Duy Trúc, Bùi Hoàng Thanh Vũ, Hạ Văn Thương không quản ngày đêm, lặn lội đi khắp các tuyến cáp khôi phục các đoạn bị đứt. Nhiều đoạn đường không đi xe máy được, các anh phải đi bộ cả chục cây số, có đoạn núi sạt lở rất nguy hiểm. Sau cơn bão, nhiều xã của huyện Tây Trà vẫn là “ốc đảo”, Các phương tiện giao thông không thể đi đến xã, nhưng thông tin liên lạc thì vẫn được nối thông đến tất cả các xã.

Với những khu vực miền núi hiểm trở như huyện Tây Trà, không ngại gian khó, các anh ở Trung tâm Viễn thông Tây Trà đã dốc sức mình vào việc đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt trong và sau mưa bão, góp phần quan trọng cho công tác chỉ huy, điều hành phòng chống và khắc phục hậu quả lụt bão.

Còn nhớ, cách đây một năm, cũng tại Trung tâm này, Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng cùng 3 anh em khác đi khắc phục hệ thống cáp quang bị đứt sau mưa bão tại đoạn đường núi hiểm trở ở xã Trà Lãnh chẳng may đúng lúc núi sạt lở, 3 anh đã hy sinh anh dũng, trong đó có Giám đốc Dũng. “Sự hy sinh vì bảo đảm thông tin liên lạc của các anh là tấm gương sáng để toàn thể anh em trong trạm học tập. Nêu cao tinh thần đó, anh em sẵn sàng đi làm nhiệm vụ ngay cả trong mưa bão”, anh Long nói.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 128 ra ngày 26/10/2009