Ngày 23/5 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ công diễn vở cải lương Bên ánh sao khuê, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai. NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, Nguyễn Trãi là một ngôi sao khuê lấp lánh nhưng người vợ tào khang bện cạnh ông cũng là một ngôi sao rạng rỡ không kém – bà Nguyễn Thị Lộ. Chính vì thế, đạo diễn Quỳnh Mai lấy tên của vở diễn là Bên ánh sao khuê.

"Có nhiều vở diễn nói về bà Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi nhưng hầu như chỉ thiên về Nguyễn Trãi. Bản thân tôi rất có cơ duyên với hai cụ. Với vở diễn này, tôi muốn chiêu tuyết (minh oan) đặc biệt cho cụ bà bằng ngôn ngữ nghệ thuật của sân khấu bởi, bà ít được đề cập, mờ mờ ảo ảo về công lao của mình. Tôi nghĩ, hai con người này, một người là danh nhân văn hóa thế giới, người bên cạnh cũng lấp lánh không kém", NSND Hoàng Mai chia sẻ.

Xuất thân từ cô gái bán chiếu, Nguyễn Thị Lộ được Nguyễn Trãi yêu và trọng về tài, sắc. Bà cũng được vua Lê Thái Tông coi trọng và phong cho làm Lễ nghi học sĩ. Trong một lần đi tuần, vua ghé Lệ Chi Viên (nơi Nguyễn Trãi về ở ẩn) rồi mất tại đó. Bị giáng tội giết vua, Nguyễn Thị Lộ bị dìm nước cho đến chết và Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc, trở thành một trong những thảm án lớn trong lịch sử thời Lê.

Dựa trên sự kiện lịch sử này, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, sân khấu của vở diễn sẽ không có bục bệ mà thay vào đó chỉ có những chiếc chiếu cói. “Bà Nguyễn Thị Lộ quê Hưng Hà, Thái Bình – nơi có nghề làm chiếu cói, bà mang chiếu lên kinh thành bán và gặp Nguyễn Trãi. Cả hai nên duyên bắt đầu từ câu đối đáp hỏi chuyện về cái chiếu. Thơ của Nguyễn Trãi: Ả ở đâu ta bán chiếu gon/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/ Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi/ Đã có chồng chưa, được mấy con? Thơ đối đáp hoạ nguyên vận của Nguyễn Thị Lộ: Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Can chi ông hỏi hết hay còn?/Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, có chi con!”

Vậy nên vở diễn của tôi chỉ sử dụng cói và chiếu làm bối cảnh sân khấu. Thêm vào đó, đời người tình yêu bắt đầu từ cái chiếu, chết đi cũng nằm trên chiếu, chính vì thế hình ảnh chiếc chiếu mang ước lệ rất cao, tinh tế”, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ. 

NSND Hoàng Quỳnh Mai tiết lộ, kịch bản này chị từng dựng ở sân khấu Chèo nhưng khi chuyển sang Cải lương, vở diễn trở nên trữ tình và đậm màu sắc tình ca hơn là thiên về “chính sử” như vở chèo Trọn nghĩa non sông trước đó. Với bản dựng mới này, ngoài việc khắc hoạ rõ nét nhân vật Nguyễn Thị Lộ trong lịch sử Việt Nam thì còn xây dựng một giả thiết khác về vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử nước Việt gắn với danh nhân Nguyễn Trãi.

Nếu như nhiều vở diễn khác khai thác chuyện ngoài “chính sử” vua Lý Thái Tông “ép” Thị Lộ quan hệ tình ái tại Lệ Chi Viên trong đêm nghỉ ngơi trên đường từ Côn Sơn về Kinh đô, sau đó đột tử dẫn đến nỗi oan khiên cho gia độc Nguyễn Trãi, thì ở vở diễn Bên ánh sao khuê, câu chuyện Lệ Chi Viên được kể một cách khác, nhân văn và logic hơn. 

“Khán giả có lẽ sẽ rất bất ngờ khi trong cái “đêm định mệnh” ấy, không phải là việc vua Lê Thái Tông dùng sức mạnh của tuổi trẻ để cưỡng đoạt Nguyễn Thị Lộ mà thay vào đó, là sự ăn năn, hối lỗi của một đứa học trò với người thày của mình. Sẽ có cảnh vua Lê Thái Tông quỳ xuống xin lỗi bà Nguyễn Thị Lộ rồi đột tử. Rất may cảnh này khi qua khâu kiểm duyệt đã được các lãnh đạo đồng ý”, NSND Hoàng Quỳnh Mai nói.

“Tôi chỉ mong muốn nhỏ nhoi là vở diễn được công diễn ở nhiều nơi, kể cả sân khấu đất. Bởi càng được diễn nhiều thì chúng tôi càng có cơ hội chiêu tuyết bằng nghệ thuật sân khấu với hậu thế để hiểu hơn, đồng vọng đến quá khứ đến các bậc vĩ nhân”, NSND Hoàng Mai chia sẻ.

Tình Lê